Lợi nhuận Quý 1/2025 bật tăng: Cơ hội "vàng" đã mở ra?
![]() |
Theo FiinGroup, kết quả kinh doanh Quý 1/2025 của toàn thị trường tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực. |
Đà tăng trưởng này chủ yếu được hỗ trợ bởi nhóm Tài chính với mức tăng LNST 13,4%, trong đó ngành Ngân hàng giữ vai trò chủ đạo nhờ tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn và chi phí dự phòng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực này vẫn tồn tại những điểm trừ, khi biên lợi nhuận thuần (NIM) giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2018 và chất lượng tài sản bắt đầu có dấu hiệu suy yếu, cho thấy thách thức cần được theo dõi chặt chẽ trong các quý tiếp theo.
Ở nhóm Phi tài chính, LNST tăng 10,4% so với cùng kỳ, đồng thời chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét khi không còn sự đóng góp từ các khoản thu nhập bất thường. Biên EBIT cũng tiếp tục hồi phục quý thứ hai liên tiếp và diễn ra trên diện rộng, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì mục tiêu thận trọng với mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường dự kiến đạt khoảng 14% so với cùng kỳ. Nền tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong quý 1 cùng với nhịp điều chỉnh mạnh đầu tháng 4/2025 do lo ngại rủi ro thuế quan đã khiến định giá P/E toàn thị trường giảm về mức 13,3 lần – thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10 năm là 14,9 lần. Với P/E forward năm 2025 ở mức 12,1 lần, định giá hiện tại được đánh giá là khá hợp lý. Tuy nhiên, định giá giữa các ngành đang có sự phân hóa rõ nét, phản ánh sự chênh lệch đáng kể về triển vọng lợi nhuận và mức độ rủi ro trong từng lĩnh vực.
Xét về bức tranh ngành, nhóm Tăng trưởng tiếp tục ghi nhận sự dẫn dắt của ngành Bất động sản nhờ ghi nhận doanh thu từ bàn giao dự án, tiếp theo là ngành Bán lẻ với sự phục hồi nhu cầu về thiết bị điện tử và công nghệ, cùng với việc các doanh nghiệp chủ động cắt giảm chi phí nhằm cải thiện biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, các ngành CNTT, Hàng cá nhân, Tài nguyên cơ bản (chủ yếu là Thép) và Ngân hàng cũng duy trì được mức tăng trưởng ổn định, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển chung của thị trường.
Trong khi đó, nhóm Hồi phục như Hóa chất và Tiện ích cho thấy tín hiệu lợi nhuận được cải thiện từ mức nền thấp nhờ sự ổn định của giá đầu vào, chủ yếu là giá dầu. Các doanh nghiệp trong nhóm Tiện ích (như Điện với POW, REE, GEG), Bán lẻ (MWG, FRT) và Hóa chất (Phân bón DCM, DPM, Cao su DRI) đã ghi nhận kết quả vượt trội so với kế hoạch năm 2025, kèm theo chất lượng tăng trưởng lợi nhuận được cải thiện rõ rệt khi cả doanh thu và biên EBIT đều tăng trong quý 1. Đồng thời, nhóm CNTT (FPT) và Ngân hàng (MBB, VPB, HDB) vẫn đang bám sát kế hoạch năm 2025 với triển vọng tăng trưởng ổn định.
Trong bối cảnh thị trường tiếp tục phục hồi và dòng tiền đầu tư ngày càng có xu hướng chọn lọc hơn, một số ngành và nhóm cổ phiếu được đánh giá là đáng chú ý trong giai đoạn tới gồm có Bất động sản dân cư và Điện, khi hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách điều hành vĩ mô hỗ trợ phát triển; Bán lẻ với động lực đến từ sức mua nội địa cải thiện và môi trường lãi suất thấp thuận lợi cho tiêu dùng; cùng với Thủy sản và Dệt may được kỳ vọng hưởng lợi từ triển vọng xuất khẩu tích cực khi rủi ro thuế quan với thị trường Mỹ có dấu hiệu dịu bớt.
Có thể thấy bức tranh kết quả kinh doanh Quý 1/2025 thể hiện sự tăng trưởng ổn định và bình thường hóa của thị trường với những tín hiệu tích cực từ cả nhóm Tài chính và Phi tài chính. Kế hoạch lợi nhuận thận trọng nhưng khả thi của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2025, cùng với mức định giá hợp lý hiện tại, tạo nền tảng thuận lợi cho các nhà đầu tư có thể lựa chọn các nhóm ngành tiềm năng và phân bổ dòng tiền một cách hiệu quả trong giai đoạn tới.
Minh Khang
- Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình về việc giữ lại cơ quan thanh tra trong công an, quân đội và ngân hàng
- Phân định rõ thẩm quyền, kiện toàn mô hình chính quyền địa phương hai cấp
- Bảo hiểm tín dụng thương mại: Giải pháp thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu
- Dòng tiền đảo chiều, các quỹ đầu tư đang chọn chiến lược mới?
- Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm Ất Tỵ