Hợp tác năng lượng giữa EU và Mỹ có thể sẽ không bền

14:00 | 14/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hợp tác năng lượng giữa EU và Mỹ đang vấp phải những rào cản cho sự phát triển với những chuyến tàu vận chuyển khí đốt từ Mỹ có giá quá cao hay việc ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của quốc gia này.
Châu Âu có thể thiếu 30 tỷ m3 khí đốt vào mùa đông năm 2023, 2024Châu Âu có thể thiếu 30 tỷ m3 khí đốt vào mùa đông năm 2023, 2024
Áo áp thuế tạm thời đối với lợi nhuận bất thường của các công ty năng lượngÁo áp thuế tạm thời đối với lợi nhuận bất thường của các công ty năng lượng
Hợp tác năng lượng giữa EU và Mỹ có thể sẽ không bền

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

EU đang ngày càng lệ thuộc vào Mỹ

Tháng 6 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ năng lượng xuyên Đại Tây Dương, lần đầu tiên, Liên minh châu Âu mua nhiều khí đốt tự nhiên từ Mỹ hơn so với từ Nga.

Theo cách nhìn nhận nào đó, đây là một sự phát triển tích cực cho cả EU và Mỹ. Washington từ lâu đã muốn người châu Âu giảm sự phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt của Nga. Từ những năm 1980, Mỹ đã cố gắng ngăn chặn việc xây dựng đường ống Brotherhood. Gần đây hơn, Nhà Trắng đã phản đối đường ống Nord Stream 2 nối Nga và Đức dưới Biển Baltic, trước khi đường ống này bị đình chỉ sau khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Về phần mình, các công ty năng lượng của Mỹ từ lâu đã tìm cách mở rộng thị phần tại thị trường năng lượng châu Âu rộng lớn và béo bở. Trong khi châu Âu rõ ràng không muốn bị buộc phải tổ chức lại hoạt động nhập khẩu năng lượng của mình bởi xung đột ở Ukraine, thì thật may mắn khi có có thể tăng nguồn cung cấp khí đốt từ một quốc gia thân thiện vào thời điểm khủng hoảng này.

Tuy nhiên, EU cũng đang phát hiện ra điều kỳ lạ khi hợp tác với một siêu cường năng lượng như Mỹ. Không giống hầu hết các quốc gia mạnh về dầu mỏ khi họ có thể kiểm soát các chính sách sản xuất của mình thông qua các công ty năng lượng quốc gia, ngành năng lượng của Mỹ có quy mô lớn và phân tán, với hàng trăm chủ thể khác nhau hoạt động trong một môi trường cạnh tranh. Mặc dù Tổng thống Joe Biden có thể thúc đẩy các công ty Mỹ tăng sản lượng, nhưng ông có rất ít quyền kiểm soát trực tiếp đối với xuất khẩu năng lượng của Mỹ.

Hiện tại, mối quan tâm chính của EU là đồng minh Mỹ của họ không thể hoặc sẽ không cung cấp đủ nhiên liệu hóa thạch giá rẻ cho châu Âu. Với mức giá trần 60 USD/thùng được áp dụng đối với dầu của Nga, dầu và các sản phẩm tinh chế của Mỹ sẽ càng trở nên quan trọng hơn đối với các nền kinh tế châu Âu, vì có thể sản lượng của Nga sẽ bị cắt giảm để thích ứng. Nhưng khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch diễn ra, sự bất hòa sẽ nảy sinh nếu Mỹ không sẵn lòng hạn chế sản xuất nhiên liệu hóa thạch vì lý do khí hậu và quốc gia này ưu tiên đáp ứng nhu cầu năng lượng của chính mình trước khi hỗ trợ các đồng minh bên kia Đại Tây Dương.

Các chính phủ châu Âu đã báo hiệu sự sẵn sàng với việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch, nhằm ngăn chặn việc thăm dò các mỏ mới và dừng sản xuất để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C.

Không phải tất cả các nước châu Âu đều từ bỏ sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ, Vương quốc Anh, Hà Lan và Đức đều có kế hoạch tiếp tục khai thác khí đốt ở Biển Bắc để thay thế hàng nhập khẩu của Nga. Nhưng nhìn chung, châu Âu rõ ràng đang thực hiện một cách tiếp cận khác với siêu cường nhiên liệu hóa thạch bên kia Đại Tây Dương.

Về phần mình, Mỹ gần như đã từ bỏ việc hạn chế nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch. Đạo luật khí hậu của quốc gia này, được gọi là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), chỉ được thông qua sau khi loại bỏ các hình phạt nghiêm trọng cho việc sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và thậm chí còn xuất hiện một số điều khoản nhỏ để hỗ trợ hoạt động dầu khí mới, bất chấp những lời hứa trước đó của chính quyền Biden. Những cam kết đó thất bại do giá khí đốt tăng cao trong năm nay và sự gián đoạn đối với thị trường dầu mỏ thế giới do cuộc chiến ở Ukraine gây ra. Cách làm của Mỹ hiện nay là hỗ trợ chung cho tất cả hoạt động sản xuất năng lượng mới dù là nhiên liệu hóa thạch hay năng lượng tái tạo, thông qua các ưu đãi thuế và tín dụng. Tương tự, Mỹ không muốn đánh thuế carbon giống như cách EU làm để giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch.

Đối mặt với thách thức

Những lời kêu gọi từ châu Âu về việc giảm giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ là một trong những biểu hiện của những lo ngại về tương lai của ngành công nghiệp châu Âu. Một lý do khác là sự chỉ trích về các khoản trợ cấp xanh trong IRA được thông qua gần đây, mà Ủy ban châu Âu gọi là “phân biệt đối xử” vì “những tác động bất lợi của nó đối với ngành công nghiệp của EU”.

Các biện pháp được đặt dấu hỏi bao gồm việc trợ cấp cho xe điện chỉ áp dụng cho ô tô được lắp ráp ở Bắc Mỹ sử dụng pin được chế tạo bằng vật liệu từ Mỹ hoặc một quốc gia mà Mỹ có hiệp định thương mại tự do - đáng chú ý là không bao gồm EU. Hơn thế nữa, Washington đang gây áp lực buộc các đối tác xuyên Đại Tây Dương của mình phải cùng họ “rời” khỏi Trung Quốc. Chẳng hạn như việc Mỹ thúc giục Hà Lan ngừng xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc trong bối cảnh chính quyền Biden hạn chế Bắc Kinh tiếp cận chất bán dẫn.

Châu Âu hiện phải đối mặt với những thách thức kinh tế bao gồm giá năng lượng cao; sự sụp đổ thương mại với Nga; thị trường Trung Quốc đóng cửa; và sự quay trở lại chính sách công nghiệp và phân biệt đối xử thương mại của Mỹ, một quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ và mua nhiều hàng hóa từ châu Âu hơn bất kỳ đối tác thương mại nào khác. Nếu chỉ một trong những thách thức này phát sinh, châu Âu có thể vượt qua cơn bão. Vấn đề là tất cả các mối đe dọa này đã xuất hiện cùng một lúc.

Còn cuộc khủng hoảng năng lượng thì sao? Có vẻ như châu Âu đang trải qua một mùa đông không tới mức đáng sợ như mọi người dự đoán khi Nga lần đầu tiên hạn chế nguồn cung khí đốt. Giá khí đốt tự nhiên cho tháng 1/2023 đã giảm xuống còn khoảng 145 euro mỗi megawatt giờ (MWh), từ hơn 300 euro trong mùa hè; giá điện cũng giảm. Và phần lớn nhờ vào 600 tỷ euro mà các chính phủ châu Âu đã chi để trợ cấp năng lượng, người tiêu dùng châu Âu sẽ không bị đóng băng trong nhà vào mùa đông này bởi sản lượng sản xuất của châu Âu phần lớn đã được giữ vững cho đến nay. Trên thực tế, EU chưa bao giờ sản xuất nhiều hàng hóa hơn hiện nay.

Tin xấu là cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. Với hơn 100 euro mỗi MWh, giá khí đốt hiện tại vẫn ở mức cao so với lịch sử: Từ năm 2018 đến 2020, chúng dao động quanh mức 25 euro. Châu Âu đã sử dụng nguồn cung cấp của Nga để dự trữ khí đốt trong năm nay, nhưng điều đó sẽ không xảy ra vào năm 2023, vì Nga đã cắt phần lớn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Đối mặt với chi phí năng lượng cao trong nước và các khoản trợ cấp hấp dẫn ở Bắc Mỹ, nhiều công ty châu Âu đang quyết định chuyển hướng đầu tư của họ qua Đại Tây Dương.

Mặc dù nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga như Đức, Ý và Áo phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nhất từ việc giá năng lượng tăng cao, nhưng điều đáng chú ý là khí đốt mà Đức mua từ Nga không hề rẻ. Trên thực tế, nó đắt hơn xăng ở Mỹ. Và năng lượng sẵn có của Nga không phải là lý do duy nhất khiến Đức trở thành một cường quốc công nghiệp. Nhưng việc mất khí đốt của Nga sẽ khiến ngành công nghiệp Đức trở nên kém cạnh tranh hơn.

Mỹ có thể hỗ trợ các đồng minh xuyên Đại Tây Dương của mình bằng cách cung cấp năng lượng rẻ hơn. Nhưng các lô hàng LNG hiện tại của Mỹ đang được vận chuyển qua Đại Tây Dương chỉ vì chúng có thể được bán với giá cao nhất cho người tiêu dùng châu Âu. Các công ty châu Âu chịu trách nhiệm một phần về giá cao vì các nhà sản xuất LNG chủ yếu bán cho các công ty trung gian châu Âu như TotalEnergies và Shell. Nhưng ngay cả khi Washington can thiệp và trợ cấp cái mà nhà kinh tế học người Đức Robert Habeck gọi là mức giá “khủng” đối với LNG của Mỹ, thì vẫn có khả năng khí đốt rẻ được vận chuyển đến các nước đang phát triển ở châu Á, mặc dù châu Âu trả giá cao hơn.

Để ổn định lâu dài, Mỹ và châu Âu phải đi đến một sự đồng thuận mới về chính sách năng lượng, khí hậu và công nghiệp. Thách thức lớn hơn sẽ là vượt qua những lo ngại của châu Âu về IRA và những động thái gần đây của Mỹ nhằm làm cho ngành năng lượng trong nước trở nên cạnh tranh hơn. Ngoài việc Washington và Brussels phải hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề về năng lượng trong ngắn hạn, họ sẽ phải hợp tác về các giải pháp dài hạn để giảm lượng khí thải carbon và phát triển năng lực công nghiệp để hoàn thành quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Nếu không, mối quan hệ đối tác năng lượng mới hình thành từ khủng hoảng của họ sẽ không bền vững khi xung đột ở Ukraine kết thúc.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đỗ Khánh