Hơn 17 triệu cổ phiếu Vietravel bị hạn chế giao dịch từ ngày 13/9

14:27 | 12/09/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ký văn bản thông báo về việc hạn chế giao dịch trên hệ thống UPCoM với cổ phiếu VTR của Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel).
Vì sao Văn Phú - Invest bị xử phạt 200 triệu đồng?Vì sao Văn Phú - Invest bị xử phạt 200 triệu đồng?
UBCKNN: Xử phạt Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ 185 triệu đồngUBCKNN: Xử phạt Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ 185 triệu đồng

Theo đó, từ ngày 13/9, mã VTR sẽ bị hạn chế giao dịch, nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh mua bán cổ phiếu vào phiên ngày thứ sáu hằng tuần trên sàn UPCoM.

Hơn 17 triệu cổ phiếu Vietravel bị hạn chế giao dịch từ ngày 13/9
Hơn 17 triệu cổ phiếu Vietravel bị hạn chế giao dịch/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lý do HNX đưa ra là Vietravel bị âm vốn chủ sở hữu, căn cứ theo báo cáo tài chính bán niên năm 2022, thuộc trường hợp chứng khoán đăng ký giao dịch bị hạn chế giao dịch theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 32, quy chế đăng ký giao dịch.

Theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, mã chứng khoán VTR có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch là 17.294.833 cổ phiếu. Giá trị cổ phiếu bị hạn chế giao dịch theo mệnh giá là 172.984.330.000 đồng.

Cơ quan quản lý cho biết, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ có thông báo về việc cho phép cổ phiếu VTR được giao dịch trở lại bình thường sau khi công ty khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định tại quy chế đăng ký giao dịch.

Theo báo cáo tài chính bán niên, tới ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của Vietravel âm 104,3 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm vẫn còn dương gần 8 tỷ đồng. Đến nay, lỗ luỹ kế của Vietravel khoảng 300 tỷ đồng.

Mặc dù tổng tài sản đạt hơn 2.234 tỉ đồng, nhưng doanh nghiệp lại phải gánh khoản nợ cao hơn với gần 2.339 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp giữ lại gần 65 tỷ đồng tiền mặt, tương đương giảm 42% sau nửa năm.

Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2022, doanh thu của Vietravel đạt gần 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 48,9 tỷ đồng, cao hơn cùng thời điểm trước dịch Covid-19.

Luỹ kế nửa đầu năm nay, doanh thu của Vietravel đạt mức hơn 1.200 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Nhưng sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp này vẫn bị lỗ ròng sau thuế hơn 114 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với các công ty con, công ty liên kết của Vietravel ghi nhận khoản lỗ hơn 6,9 tỷ đồng, chủ yếu đến từ mảng hàng không.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên sáng ngày 12/9, mã VTR có giá 27.000đ/cp giảm 1.400đ/cp so với phiên cuối tuần qua.

Được biết, Vietravel tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển giao thông vận tải. Năm 1995, trung tâm chính thức phát triển thành doanh nghiệp độc lập với tên gọi là công ty du lịch và tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel). Năm 2019, cổ phiếu công ty chính thức giao dịch trên UPCoM. Sản phẩm và dịch vụ chủ yếu của công ty là kinh doanh du lịch lữ hành nội địa và quốc tế, xuất khẩu lao động…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng