Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam

19:15 | 26/01/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tiếp nối các công trình nghiên cứu khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh đã cho biên soạn cuốn sách chuyên khảo: Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành và ra mắt vào cuối tháng 12/2021.
Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam
Bìa sách “Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam”, https://dulich.petrotimes.vn

Cuốn sách tập hợp 21 bài viết từ các nhà khoa học, chuyên gia về sử học và pháp lý hàng đầu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các địa phương trong cả nước. Nội dung trong cuốn sách này được tuyển chọn từ hội thảo “Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam” do Hội KHLS Thừa Thiên Huế tổ chức. Sách tập trung vào các chủ đề gồm: Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử; giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền; di sản và giáo dục truyền thống.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trong bài phát biểu tại Hội thảo “Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử Việt Nam” (được in trang trọng đầu cuốn sách) khẳng định, biển - đảo Việt Nam có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ hàng nghìn năm nay, biển đảo là cửa ngõ giao thương quan trọng của Việt Nam với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi giao thoa và hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới; luôn là nguồn tài nguyên vô tận trọng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; là tuyến phòng thủ đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng - an ninh của đất nước.

Thời gian qua, với tình cảm và ý thức trách nhiệm của mình, Thừa Thiên Huế cùng với cả nước đã triển khai công tác sưu tầm, nghiên cứu, công bố, trưng bày các tư liệu, hiện vật chứng minh lịch sử và pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - đó là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt, của các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trong suốt hàng ngàn năm nay.

Với chủ đề Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử, 13 tham luận của các nhà khoa học khẳng định bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xuất hiện trong lịch sử Việt Nam từ lâu đời, đến thời các chúa Nguyễn, vương triều Tây Sơn, vương triều Nguyễn, hai quần đảo này hoàn toàn thuộc về chủ quyền của nhà nước quân chủ Việt Nam.

Từ thời Pháp thuộc đến năm 1975, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này được các thể chế chính trị đại diện cho đất nước Việt Nam dưới thời thuộc địa thay nhau thực hiện một cách hợp pháp và chính đáng. Đây là một quá trình đấu tranh liên tục, lâu dài và vô cùng căng thẳng, nhằm buộc các bên đối kháng và liên quan thừa nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa dựa trên các cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đã có từ xa xưa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong thời gian tồn tại của mình (1955 - 1975) đã xác nhận rõ ràng rằng, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Hoàng Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Như vậy, thông qua quá trình thực thi chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa giai đoạn này, chúng ta có thể thấy quá trình hành xử chủ quyền diễn ra liên tục, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của các chính quyền Việt Nam tại hai quần đảo này qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Trong chủ đề giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, di sản và giáo dục truyền thống, các bài viết đã nêu bật giá trị của các văn bản luật cùng các tư liệu lịch sử chứng minh vững chắc về chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Các văn bản này có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Qua đó, thể hiện tính liên tục về chủ quyền và tổ chức hành chính của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước năm 1975 đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với sự phát triển của hai quần đảo này.

Sự kiện sau năm 1975 được cuốn sách nhắc đến là sự kiện Gạc Ma (14/3/1988) để lên án hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa của Trung Quốc. Sau 33 năm sau sự kiện bi hùng Gạc Ma cho thấy, sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Nhân dân Việt Nam không thể bị lãng quên.

Cuốn sách cũng đề cập đến các di sản liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam được phát hiện, lưu giữ ở Thừa Thiên Huế có vai trò rất quan trọng trong việc minh chứng quá trình khai phá, xác lập, quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử đối với Biển Đông, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa. Đây cũng là tư liệu, hiện vật độc bản có giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc, quý giá không chỉ với cư dân xứ Huế mà cả dân tộc, nhất là với những giá trị văn hóa biển đảo của Việt Nam.

Tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua có nhiều hoạt động nhằm giáo dục cho các thế hệ học sinh về lịch sử chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm giúp cho học sinh đi từ tìm hiểu, hứng thú, cảm nhận đến niềm tự hào về chủ quyền, tinh thần tự chủ, tự tôn dân tộc về hai quần đảo này.

Đến thời điểm này, Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất bản 8 công trình, sách chuyên khảo về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Qua đó, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

https://dulich.petrotimes.vn

baothuathienhue.vn