Hải Phát, CenLand khoe lãi đậm, loạt doanh nghiệp địa ốc ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm!

16:26 | 09/08/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
6 tháng đầu năm 2021, loạt doanh nghiệp bất động sản như Hải Phát, CenLand, Khải Hoàn Land... báo lãi đậm song dòng tiền kinh doanh vẫn đang trong trạng thái âm.

Bất động sản nghỉ dưỡng Bất động sản nghỉ dưỡng "khó trăm đường", dự án Vega City Nha Trang đang dùng "chiêu" gì để hút khách?

Đại gia “mới nổi” KDI Holdings sở hữu loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng khủng thế nào?Đại gia “mới nổi” KDI Holdings sở hữu loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng khủng thế nào?

Hải Phát, CenLand... lãi đậm nhưng dòng tiền kinh doanh vẫn âm lớn

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, dù các doanh nghiệp bất động sản báo lợi nhuận tăng trưởng nhờ ghi nhận từ các dự án đã bán trước đây hay tiết giảm các khoản chi phí. Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động kinh doanh lại âm rất lớn do lợi nhuận chỉ ghi nhận trên sổ sách nhưng lại chưa thu được tiền về.

Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm 2021, CenLand (mã: CRE) ghi nhận lãi sau thuế đạt hơn 251 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giá trị hàng tồn kho tại CenLand tính đến 30/6/2021 tăng gấp 40,5 lần so với đầu năm, từ gần 32 tỷ đồng lên hơn 1.291 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là hàng hóa bất động sản (bao gồm các căn hộ, đất nền công ty mua từ chủ đầu tư để thực hiện kinh doanh bán lại) ghi nhận gần 1.286 tỷ đồng; còn lại là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang ghi nhận hơn 5,2 tỷ đồng. Đồng thời, các khoản phải thu ngắn hạn khác ghi nhận gần 1.205 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.

Do đó, đã kéo dòng tiền kinh doanh của CenLand âm gần 885 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 261 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền hoạt động đầu tư tại CenLand cũng âm gần 514 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 178 tỷ đồng) và dòng tiền thuần trong kỳ âm gần 83 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 9 tỷ đồng.

Hải Phát, CenLand khoe lãi đậm, loạt doanh nghiệp địa ốc ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm!
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tương tự, 6 tháng đầu năm 2021, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) công bố doanh thu thuần đạt 744 tỷ đồng (tăng 17%) và lãi ròng đạt 115 tỷ đồng (tăng 95%).

Tuy nhiên, hàng tồn kho tại Hải Phát tăng 68% so với đầu năm, lên 3.833 tỷ đồng, phần lớn do tăng giá trị bất động sản để bán đang xây dựng. Tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 95 tỷ đồng, tập trung tại các dự án Tây Nam An Khánh, Tân Tây Đô... Đồng thời, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 48% lên 2.908 tỷ đồng, chủ yếu do tăng khoản phải thu theo các hợp đồng hợp tác đầu tư.

Do đó, dòng tiền kinh doanh của Hải Phát xuống mức âm 1.550 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 181 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền thuần trong kỳ âm gần 516 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 169 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp kinh doanh ở mảng môi giới là Khải Hoàn Land (mã: KHG) cũng ghi nhận lãi đậm nhưng dòng tiền kinh doanh lại âm lớn.

Cụ thể, doanh thu thuần tại Khải Hoàn Land 6 tháng đầu năm ghi nhận 303 tỷ đồng và lãi sau thuế 56 tỷ đồng, đều cao gấp 8 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh lại âm hơn 400 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 âm hơn 199 tỷ đồng) và dòng tiền thuần trong kỳ cũng âm hơn 99 tỷ đồng.

Nguyên nhân do các khoản phải thu tại ngày 30/6 là 2.398 tỷ đồng, chiếm 89% tổng tài sản. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp tăng 60% lên 1.082 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu tại CTCP Bất động sản Khải Minh Land, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Solution và Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh.

Tại CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), 6 tháng qua đạt hơn 412 tỷ lãi ròng, tăng 131% so với cùng kỳ 2020 nhưng dòng tiền kinh doanh lại âm hơn 155 tỷ đồng (con số này đã giảm so với cùng kỳ 2020 là âm gần 569 tỷ đồng).

Lợi nhuận và dòng tiền kinh doanh tại CEO, Danh Khôi, DRH... đều ảm đạm

Có phần ảm đạm hơn, CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, HOSE: SGR) ghi nhận 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần giảm 8%, xuống còn 30 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 102 tỷ đồng. Kinh doanh thua lỗ, dòng tiền kinh doanh tại SGR cũng âm gần 14 tỷ đồng.

Cùng hoàn cảnh, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã CK: NRC) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4,8 tỷ đồng, chỉ bằng 1/20 so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế lỗ 69 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế 2,3 tỷ đồng.

Vừa lỗ nặng, dòng tiền kinh doanh tại Danh Khôi còn âm hơn 15,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 2,4 tỷ đồng. Nguyên nhân do hàng tồn kho bất ngờ tăng gấp 4,4 lần so với đầu năm, lên hơn 36 tỷ đồng. Hơn nữa, tiền và các khoản tương đương tiền cũng 'lao dốc' từ 13,4 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 1,8 tỷ đồng..

Thê thảm hơn là trường hợp của CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã: CEO) báo doanh thu thuần giảm 32% xuống còn 282,6 tỷ đồng và lỗ gần 165 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ lỗ 110 tỷ đồng.

Đồng thời, dòng tiền kinh doanh tại CEO Group cũng âm hơn 91 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 ghi nhận dương hơn 208 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm hơn 37 tỷ đồng; hoạt động đầu tư tài chính cũng âm 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt hơn 165 tỷ đồng. Do đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại CEO Group âm hơn 144 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt hơn 31 tỷ đồng.

Tại DRH Holdings (Mã: DRH), 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều giảm mạnh 84% so với cùng kỳ, xuống còn 8,8 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận giảm, dòng tiền kinh doanh tại DRH cũng âm gần 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ âm hơn 8,6 tỷ đồng. Hơn nữa, dòng tiền thuần trong năm tại DRH cũng âm hơn 30 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 11 tỷ đồng).

Hải Phát, CenLand khoe lãi đậm, loạt doanh nghiệp địa ốc ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm!
Dòng tiền kinh doanh tại doanh nghiệp bất động sản/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Bất động sản là một ngành đặc thù, việc một doanh nghiệp âm dòng tiền kinh doanh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp bỏ vốn mua đất và thực hiện dự án, nếu các dự án chưa đủ điều kiện mở bán do thủ tục pháp lí hoặc thiếu vốn triển khai sẽ dẫn đến việc chưa thể thu tiền về.

Ngược lại, một doanh nghiệp có nhiều dự án gối đầu mà dòng tiền âm liên tiếp trong nhiều năm liền cũng cho thấy rõ định hướng phát triển của doanh nghiệp là chấp nhận rủi ro cao để tập trung chạy đua về tăng trưởng.

Hiện nay, khi doanh nghiệp bất động sản không cân đối được dòng tiền để tiếp tục phát triển các dự án còn dang dở thì cơ hội để vực dậy sẽ rất khó. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang tích cực huy động vốn để cân đối nguồn vốn bằng hàng loạt kế hoạch như phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

SSI Research cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về huy động vốn qua kênh trái phiếu với giá trị phát hành đạt 92.300 tỷ đồng. Tính riêng quý 2/2021, phát hành 64.400 tỷ đồng trái phiếu, tăng 131% so với quý 1/2021 và tăng 28% so với quý 2/2020.

Thực tế, đừng chỉ nhìn vào lợi nhuận, bởi lợi nhuận tốt chưa chắc công ty đã tốt song dòng tiền dương chắc chắn doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương