Hà Nội: Nguy cơ thiếu nước sạch diện rộng vào năm 2024

06:45 | 21/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Gần đây, không chỉ người dân khu đô thị Thanh Hà thiếu nước sạch mà các khu khác như cuối phố Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng bị thiếu nước hơn 10 ngày nay. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu nước sạch trong thời gian qua là do các dự án nhà máy nước tại Hà Nội chưa hoàn thành.
Hà Nội: Người dân khu đô thị Thanh Hà khổ sở vì nguồn nước ô nhiễmHà Nội: Người dân khu đô thị Thanh Hà khổ sở vì nguồn nước ô nhiễm
Hà Nội: Yêu cầu nhanh nhất cấp nước sinh hoạt lại cho cư dân khu đô thị Thanh HàHà Nội: Yêu cầu nhanh nhất cấp nước sinh hoạt lại cho cư dân khu đô thị Thanh Hà

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn đạt khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm, trong đó nước ngầm 770.000 m3, nước mặt 750.000 m3. Mạng cấp nước nông thôn có công suất thiết kế mỗi trạm 300-1.000 m3/ngày đêm.

Công suất nước như trên chỉ đủ đáp ứng nhu cầu ở khu vực đô thị và 85% khu vực nông thôn (138 xã chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung). Khu đô thị Thanh Hà nằm ở huyện Thanh Oai, nơi có tỷ lệ tiếp cận nước sạch chỉ 80%. Ngoài huyện này, còn nhiều huyện có tỷ lệ cấp nước sạch thấp như Mỹ Đức 42%, Ứng Hòa 58%, Thường Tín 60%, Phúc Thọ 65%, Chương Mỹ 68%.

Hà Nội: Nguy cơ thiếu nước sạch diện rộng vào năm 2024
Hà Nội: Nguy cơ thiếu nước sạch diện rộng vào năm 2024
Hàng trăm người dân Khu đô thị Thanh Hà xếp hàng lấy nước (ảnh người dân cung cấp).

Việc thiếu nước sạch của Hà Nội từ nhiều năm nay đã được cảnh báo, nước sạch thực tế càng thiếu hơn khi mà giếng ngầm được thành phố yêu cầu ngừng sử dụng. Đơn cử như Nhà máy nước Hạ Đình thuộc Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội nhà máy có 17 giếng ngầm, công suất khai thác 30.000 m3/ngày - đêm. Triển khai lộ trình giảm dần việc khai thác nước ngầm của thành phố, đến nay nhà máy đã đóng 8 giếng, còn 9 giếng đang được luân phiên khai thác. Từ nay đến năm 2030, nhà máy chỉ hoạt động với công suất 10.000 m3/ngày - đêm và đến năm 2050 sẽ đóng tất cả các giếng ngầm.

Trước đó, vào dịp hè năm nay, các quận/huyện như: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức… cũng xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tại các khu vực nóng, Sở tiến hành điều tiết cấp nước luân phiên; cấp nước theo giờ; sử dụng bơm tăng áp cục bộ để có nước cho người dân sinh hoạt.

Gần đây, hàng nghìn cư dân khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, phải xếp hàng chờ lấy nước sạch từ xe téc. Khủng hoảng nước ở khu đô thị Thanh Hà, nơi có 23 tòa nhà với khoảng 16.000 dân, bắt đầu từ hai tuần trước, khi cư dân phát hiện nước không đảm bảo chất lượng và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.

Không chỉ Khu đô thị Thanh Hà, cuối phố Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng bị thiếu nước hơn 10 ngày nay. Do thiếu nước sinh hoạt, nhiều dãy nhà trọ ở đây phải đóng cửa.

Hà Nội: Nguy cơ thiếu nước sạch diện rộng vào năm 2024
Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng chậm tiến độ (nguồn ảnh: Internet)

Việc cung cấp nước sạch của thành phố cơ bản phụ thuộc vào các nhà máy nước mặt. Ngoài Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội; Nhà máy Nước mặt sông Đuống; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Đông, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà… thì từ nhiều năm nay, Hà Nội chưa có thêm nhà máy nước nào hoạt động.

Trong khi đó, việc thi công các nhà máy nước sạch lại đang không đảm bảo tiến độ, có thể kể đến Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng. Dự án bắt đầu được xây dựng năm 2015, có kế hoạch đưa vào sử dụng từ quý I/2021 với công suất thiết kế giai đoạn một là 300.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Do chậm tiến độ, UBND thành phố Hà Nội phải gia hạn cho phép dự án hoàn thành vào quý IV/2024. Nếu dự án hoàn thành sớm như tiến độ ban đầu, sẽ góp phần bù đắp đáng kể lượng nước sạch cho các quận huyện như: Đan Phượng, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy…

Ngoài ra, Dự án cấp nước sông Đà giai đoạn II do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) làm chủ đầu tư cấp nước cho Hà Nội cũng đang chậm tiến độ, khiến ảnh hưởng không nhỏ đến việc cấp nước của thành phố.

Còn việc đầu tư xây dựng mới Nhà máy nước Xuân Mai sử dụng nguồn nước mặt sông Đà cũng đang chưa hẹn ngày về đích.

Đối với Nhà máy Nước mặt sông Đuống, dù năng lực sản xuất vẫn còn nhưng việc đưa nước từ huyện Gia Lâm vào các quận nội thành là việc cũng không dễ dàng. Nhà máy này có hệ thống uống truyền tải nước được hạ ngầm dưới lòng sông Hồng và sông Đuống nên việc giữ an toàn đường ống là rất quan trọng. Việc đưa áp lực tối đa để đẩy nước từ nhà máy vào nội đô cũng là việc cân nhắc để đề phòng sự cố đường ống.

Trong khi các nhà máy nước đang chậm tiến độ thì các khu đô thị mới của Hà Nội liên tiếp được mọc ra. Mỗi tòa nhà đi vào sử dụng, kéo theo hàng vài trăm cư dân sinh sống. Theo tính toàn mỗi năm tại Hà Nội, số khách hàng đấu nối nước tăng thêm trên 6%. Do nhu cầu lớn, trong khi nguồn cấp nước hạn chế, dẫn đến năm nay tại Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch cục bộ.

Theo các chuyên gia, việc thiếu nước sạch của Hà Nội có thể sẽ không được cải thiện mà còn có nguy cơ lan rộng vào năm 2024 nếu các nhà máy nước sạch kể trên chậm triển khai, chưa hoàn thành.

Huy Tùng