Gốm Chu Đậu - Tinh hoa gốm Việt

11:07 | 05/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Gốm Chu Đậu được biết đến là loại gốm sứ cổ truyền của Việt Nam. Với những người có chuyên môn cao về gốm thì gốm Chu Đậu như một báu vật lâu đời mang đậm nét tinh xảo, nghệ thuật. Nó cũng chính là hiện thân cho nét đặc trưng của một nền văn hóa thuần Việt có từ lâu đời.
Doanh nhân trẻ nặng lòng với gốm sứ ViệtDoanh nhân trẻ nặng lòng với gốm sứ Việt
Làng gốm Bồ Bát, Ninh BìnhLàng gốm Bồ Bát, Ninh Bình
Gốm Chu Đậu - Tinh hoa gốm Việt
Gốm Chu Đậu sắc sảo trong từng đường nét, tinh tế trong tạo hình/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Xuất xứ từ vùng đất cổ truyền văn hóa, gốm Chu Đậu đã có mặt nhiều năm về trước. Gốm Chu Đậu hay gốm Chu Đậu - Mỹ Xá được phát hiện ra ở làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá, thuộc các xã Minh Tân (làng Mỹ Xá) và Thái Tân (làng Chu Đậu), huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa gốm Việt
Gốm Chu Đậu được nghệ nhân tỉ mỉ khắc họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo tìm hiểu, dòng gốm sứ này có thể đã được hình thành và phát triển trong khoảng từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18. Gốm được đặt tên là Chu Đậu bởi đây là vị trí đầu tiên tìm ra, sau đó tại làng Mỹ Xã (bên cạnh làng Chu Đậu) người ta cũng đã tìm thấy những vết tích tiếp theo của loại gốm này.

Với dân “sành gốm” người ta ví đây là “hoa hậu của những loại gốm” bởi sự tinh tế, sắc sảo, đặc trưng mà nó mang lại. Các chuyên giá đánh giá rằng gốm Chu Đậu "mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông". Từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí... tất cả đều đẹp hoàn hảo không thừa một chi tiết.

Gốm Chu Đậu được thể hiện dưới nhiều hình thức như vẽ, khắc, họa, đắp nổi đều phóng khoáng, trữ tình, hài hòa, tinh xảo. Những họa tiết, hoa văn trên gốm thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông... Phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men màu tam thái.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa gốm Việt
Gốm Chu Đậu vừa được đúc ra, kiểu dáng khỏe khoắn, đa dạnh về mẫu mã/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Từ thế kỷ XIV - XVII gốm Chu Đậu đã được biết đến và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên do sự tàn phá của các đế chế xâm lược gốm Chu Đậu cũng đã bị tàn phá ít nhiều. Nhiều nghệ nhân có tay nghề thời bấy giờ đã phải phiêu bạt đến các vùng khác sinh sống lập nghiệp.

Sau hàng trăm năm thất truyền, đầu những năm 2000, nghề gốm dần được chú trọng và khôi phục với các dự án đầu tư kết hợp với du lịch làng nghề. Các sản phẩm gốm dần xuất hiện trở lại trên thị trường và được người tiêu dùng trong nước yêu thích.

Với khát khao được viết tiếp trang sử đầy tự hào, ước muốn nâng cao hơn nữa giá trị và tầm vóc của gốm Chu Đậu không chỉ đối với thị trường Việt Nam mà còn trên thị trường thế giới, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG đã quyết định thành lập Công ty CP Gốm Chu Đậu với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu. Tập đoàn BRG đang không ngừng giữ gìn và phát triển gốm Chu Đậu với tất cả tâm huyết và tình yêu dân tộc tinh yêu đối với tinh hoa từ ngàn xưa để lại, đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của khách hàng - những con người yêu gốm sứ cả trong nước và quốc tế, để gốm Chu Đậu - đại diện cho tinh hoa của văn hóa gốm sứ Việt, luôn mở rộng cánh cửa hợp tác hội nhập quốc tế.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa gốm Việt
Sản phẩm gốm Chu Đậu hoàn thiện được bày bán tại cửa hàng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Được biết, phương pháp chế tạo gốm Chu Đậu cổ đã đạt đến trình độ rất cao, chuốt dáng, tạo hình bằng bàn xoay, dùng khuôn, lắp ghép, kế thừa nét thanh thoát của gốm thời Lý và vóc dáng chắc khỏe của gốm thời Trần. Khác với nét gốm Bát tràng, vốn dĩ cũng xuất phát từ một chi của gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng men trắng, hoa xanh, họa tiết có sự giao thoa của các nền văn hóa Ðông - Tây. Còn gốm Chu Ðậu là gốm đạo, gốm bác học, men trắng, hoa lam, hoa văn, họa tiết thuần Việt in đậm dấu ấn trên mình những giá trị nhân văn của Phật giáo, Nho giáo.

Để đạt đến cảnh giới cao trong cách chế tác gốm Chu Đậu chính là kỹ thuật vẽ dưới men rồi mang nung trong lò sau đó mới phủ men tam thái và mang nung lại một lần nữa. Những sản phẩm gốm của làng Chu Đậu từ xa xưa dù đã bị chôn vùi dưới lòng đất hay chìm dưới đáy biển qua hàng thế kỷ vẫn giữ được nguyên vẹn cả màu sắc và kiểu dáng.

Những sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ. Bình Tỳ Bà mang dáng hình cây đàn tỳ bà đại diện cho tính âm, đất mẹ hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng hiền thục nết na. Bình hoa lam thể hiện cho tính dương là người chồng, là cha, là trụ cột là nền tảng.

Dấu ấn bước ngoặt của dòng gốm Chu Đậu là vào cuối năm 2019, làng gốm Chu Đậu đã được công nhận là điểm du lịch làng nghề của tỉnh Hải Dương. Theo thống kê những năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, làng gốm Chu Đậu đón hơn 20.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Nhờ đó, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập khá cao trong khu vực… Các dòng sản phẩm chính của gốm Chu Đậu ngày càng trở nên phong phú bao gồm đồ thờ cúng, sản phẩm quà tặng cao cấp, sản phẩm gốm mỹ nghệ trưng bày nội thất và xuất khẩu, sản phẩm gốm sứ gia dụng.

Gốm Chu Đậu - Tinh hoa gốm Việt
Du khách đến tham quan và thưởng thức vẻ đẹp của gốm Chu Đậu/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đặc biệt hơn nữa, gốm Chu Đậu có mặt tại gần 50 bảo tàng trên thế giới, trong đó có những sản phẩm được định giá lên tới hàng triệu đô la. Dù ở đâu thì gốm Chu Đậu cũng làm mê mẩn lòng người bởi hình dáng, lớp men và hoa văn độc đáo.

Gốm Chu Đậu tự hào được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ vàng "Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam" và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ vàng "Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm châu".

Gốm Chu Đậu sẽ ngày càng phát triển nhiều hơn và phủ sóng rộng rãi trên những thị trường khó tính. Để đem tinh thần văn hóa Việt vươn ra khắp năm châu.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thùy Dung

vietinbank
ajinomoto