Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo của Quảng Ninh

19:30 | 31/12/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tỉnh Quảng Ninh có đường bờ biển dài trên 250km, không gian biển rộng lớn với hơn 2.000 hòn đảo, là môi trường để hình thành nền văn hóa biển đảo đặc sắc, đa dạng. Đây là điều kiện “vốn quý” đã và đang được giữ gìn, phát huy giá trị, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong tình hình mới.

Hội đình làng biển nơi địa đầu Tổ quốc

Tháng 7/2021, khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hội đình Trà Cổ (phường Trà Cổ, TP Móng Cái) được tiếp tục tổ chức. Đây là một trong những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển Đông Bắc, người dân địa phương vẫn duy trì hằng năm để tưởng nhớ công ơn của các vị Thành Hoàng, các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn đất hoang, mở làng.

Tương truyền từ gần 600 năm trước, những ngư dân từ vùng Đồ Sơn (thuộc TP Hải Phòng ngày nay) thường đưa cả gia đình đi đánh cá ở các vùng biển xa. Trong 1 lần bão tố, sóng lớn, một đoàn ngư dân gồm 12 gia đình đã dạt vào vùng bờ biển hoang vu không bóng người, chỉ toàn sú vẹt, lau sậy um tùm. Đó chính là những người đặt nền móng đầu tiên cho làng biển Trà Cổ, nơi địa đầu Tổ quốc.

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo của Quảng Ninh
Khai hội đình Trà Cổ (TP Móng Cái) năm 2021

Lời dặn “Người Trà Cổ - Tổ Đồ Sơn” đến nay vẫn được các thế hệ cư dân Trà Cổ lưu truyền để nhắc nhở con cháu về nguồn cội, thêm tự hào về ông cha từ thời xưa đã vươn khơi, bám biển và thực hiện những chuyến hải trình để chinh phục những miền đất mới. Niềm tự hào ấy còn được gìn giữ qua công trình đình Trà Cổ gần 600 năm tuổi, vừa lưu giữ văn hóa độc đáo của cư dân biển qua biết bao thăng trầm, biến động lịch sử, vừa như một cột mốc chủ quyền vững vàng của Tổ quốc.

Đình Trà Cổ chính là nguyên mẫu để nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác ca khúc "Mái đình làng biển" được đông đảo công chúng yêu thích. Trong đó có nhắc đến hình ảnh "Những thăng trầm thời gian/ Đã ghi tạc hình dáng/ Nét chạm trổ Phượng Long/ Uốn lượn tựa mây sóng". Trong khuôn viên đình, lễ hội làng được tổ chức vào ngày 1/6 âm lịch hằng năm với những nghi thức, tập quán đậm đà dấu ấn văn hóa biển được gìn giữ gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Từ năm 2019, lễ hội đình Trà Cổ đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ hội đình Trà Cổ năm 2021 vẫn được duy trì theo đúng truyền thống. Người dân làng vẫn có 12 "Ông Voi" là những chú lợn được chăm sóc cẩn thận từ nhiều tháng trước, chờ đến ngày hội thì kính cẩn rước vào sân đình làm lễ chầu thần. Lễ vật còn có các loại tôm, cá, cua, ghẹ... là những sản vật tươi ngon nhất mà dân làng tự đánh bắt từ biển để dâng lên các vị Thành Hoàng, cầu mong được che chở, phù hộ.

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo của Quảng Ninh
Rước kiệu nghinh thần tại lễ hội đình Trà Cổ năm 2021

Điểm nhấn trong hội đình Trà Cổ phải kể tới nghi thức rước kiệu nghênh thần. Trong khung cảnh tưng bừng của đoàn rước kiệu với múa rồng, có đội quân cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm, bát bảo, cờ hội đủ màu... còn là tiếng nói cười rôm rả, hòa với từng nhịp sóng biển vỗ rì rào. Kiệu được rước đi dọc theo bãi biển, đến miếu Ðôi thờ Quận He rồi nghênh thần hồi cung. Các gia đình cũng tranh thủ bày biện mâm lễ trước cửa nhà, kính cẩn chắp tay theo đoàn rước để gửi gắm nguyện ước sóng yên biển lặng, có được các chuyến vươn khơi thuận lợi, an lành trở về cùng với tôm cá trĩu lưới, đầy khoang.

Cùng với các nghi thức quan trọng của phần lễ, phần hội đình cũng được ví như sân khấu thu nhỏ, là nơi tái hiện những nếp sinh hoạt đặc trưng của nếp sinh hoạt của dân biển đảo. Như lễ tống đăng với hình ảnh cây đèn thần được giữ lửa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc lễ hội, tượng trưng cho ánh sáng soi đường giúp ngư dân ngày đêm vượt sóng, vượt gió. Các trò chơi như kéo co, đua thuyền... là cách tái hiện lại nếp sinh hoạt truyền thống, cổ vũ phong trào rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai của ngư dân Trà Cổ để sống hài hòa với biển khơi.

Vốn quý chắt chiu qua nhiều thế hệ

Không chỉ riêng tại Trà Cổ, nhìn chung các vùng giáp biển và trên các đảo của Quảng Ninh đều có những lễ hội về biển. Tại đây, các thế hệ ngư dân đã hình thành tín ngưỡng thờ cúng thần linh, các thế lực siêu nhiên để tìm sự bảo trợ trong đời sống, lao động. Nổi bật như các lễ hội Tiên Công (đảo Hà Nam, TX Quảng Yên), lễ hội Quan Lạn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), lễ hội Đình - Nghè Cẩm Hải (xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả), lễ hội đình làng My Sơn (huyện Hải Hà)... Đặc biệt, Quảng Ninh có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, thì 4 lễ hội trong số đó đều gắn liền với biển và không gian văn hóa biển đảo.

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo của Quảng Ninh
Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cấp Quốc gia đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) toạ lạc trên một dãy núi cao, hướng ra vịnh Bái Tử Long

Các hoạt động tín ngưỡng của cư dân vùng biển, đảo Quảng Ninh còn là cách thức để nhân dân bày tỏ lòng tri ân với các anh hùng của địa phương, của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Như tại Cụm di tích đình, miếu, nghè, chùa Quan Lạn (huyện Vân Đồn) hiện là nơi thờ phụng 3 vị tướng tài của triều Trần là Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng và Phạm Quý Công, đã anh dũng hy sinh trong trận chiến trên biển với quân đội phương Bắc xâm lược năm 1288. Còn đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), đền Cặp Tiên (huyện Vân Đồn) thì gắn liền với danh tướng Trần Quốc Tảng và các chiến công của quân, dân nhà Trần để bảo vệ vùng biển Bái Tử Long - Hạ Long, giúp nhân dân yên tâm lao động, sinh sống...

Văn hóa biển đảo của Quảng Ninh còn là tập hợp các phong tục, tập quán, lối sống, kho tàng tri thức dân gian, thực hành tín ngưỡng... được hình thành từ nhu cầu phải thích ứng với điều kiện thiên nhiên đặc thù, khai thác nguồn lợi từ biển khơi, tham gia giữ vững chủ quyền biển đảo. Cụ thể như các sinh hoạt văn hóa cộng đồng để gia tăng tinh thần gắn kết cộng đồng, sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác cùng nhau để bám biển hiệu quả, bảo vệ ngư trường. Nét văn hóa ấy vẫn được lưu truyền đến ngày nay thông qua những bài ca dao, điệu hát dân ca bình dị nhưng độc đáo, mang bản sắc riêng, như hát nhà tơ - hát múa cửa đình ở Vạn Ninh (TP Móng Cái), hát giao duyên của ngư dân trên vịnh Hạ Long, hát đúm ở Hà Nam (TX Quảng Yên), hò biển ở huyện Vân Đồn...

Văn hóa biển còn tồn tại trong những kinh nghiệm, sáng tạo của con người trong quá trình lao động, sinh sống hòa hợp với thiên nhiên, điển hình là những sáng tạo trong công việc đóng tàu thuyền, đan lưới, chế biến hải sản, làm nước mắm, làm muối... Như ở phường Nam Hòa (TX Quảng Yên) hiện nay, các gia đình ông Nguyễn Anh Sáu, Nguyễn Văn Võ, Nguyễn Văn Thinh... vẫn tiếp tục làm ra những sản phẩm lờ, đăng, đó, nơm, mô hình thuyền nan mỹ nghệ để bán cho các nhà hàng, khách sạn làm đồ trang trí.

Làng nghề đan ngư cụ truyền thống Hưng Học (TX Quảng Yên) cũng được xây dựng thành điểm du lịch, tham quan trải nghiệm hút khách. Nhờ đó, nghề truyền thống làm ngư cụ được hình thành từ giữa thế kỷ XV, mang đặc trưng sông nước của vùng đảo Hà Nam vẫn đang được lưu giữ. Còn tại làng nghề Phú Hải (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà), gia đình ông Phạm Văn Hoàng lưu giữ cách làm “thuyền vỏ dưa” truyền thống của địa phương cũng thông qua việc làm mô hình thuyền lưu niệm...

Phát huy giá trị văn hóa biển đảo

Bám sát những chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy vốn quý văn hóa biển đảo; trong đó có công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Qua đó nhằm góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Điển hình như vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, không chỉ thu hút du khách bởi cảnh quan thiên nhiên ban tặng, mà còn có sức hấp dẫn mạnh mẽ từ văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương. Nhiều du khách đánh giá rất cao các hành trình du lịch kết hợp khám phá, trải nghiệm cuộc sống của ngư dân tại làng chài Cửa Vạn với các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản, sinh hoạt ngay giữa biển...

Bên bờ vịnh Hạ Long, công trình Bảo tàng Quảng Ninh qua các năm luôn là thiết chế văn hóa lớn, thu hút đông đảo người dân, du khách bằng kho tàng tri thức quý về lịch sử, văn hóa của tỉnh. Trong đó bao gồm phần diện tích không nhỏ được dành cho việc giới thiệu về đời sống lịch sử, văn hóa biển đảo giàu bản sắc của Quảng Ninh.

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo của Quảng Ninh
Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại làng nghề đan ngư cụ truyền thống Hưng Học (TX Quảng Yên), tháng 7/2020. Ảnh: Hoài Anh

Những hoạt động bảo tồn, phục dựng và lưu giữ di sản văn hóa gắn với khai thác các loại hình du lịch (lịch sử, tâm linh, sinh thái, trải nghiệm văn hóa cộng đồng...) đều đang từng bước được phát huy. Các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa như: Một ngày làm ngư dân trên biển vịnh Hạ Long; khám phá đảo Quan Lạn (Vân Đồn); hành trình biển đảo quê hương ở Cô Tô; trải nghiệm làng chài ven biển; các lễ hội truyền thống tại Trà Cổ, Vạn Ninh (TP Móng Cái)... đều rất được yêu thích, hoàn toàn là lợi thế khi hướng đến thị trường cao cấp, chất lượng cao.

Trong năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn. Cụ thể gồm các công việc: Khảo sát di tích, sưu tầm tài liệu, tổ chức thăm dò khảo cổ, lấy ý kiến hội đồng thẩm định và hội đồng xét duyệt được thực hiện đến hết tháng 4/2022, với tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng... Sở VH&TT đã tham mưu, xây dựng đề án “Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”...

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU (ngày 9/3/2018) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, công tác bảo tồn, phát huy giá trị nền văn hóa đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Điển hình như trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng cư dân biển, đảo trong quá trình quản lý văn hóa.

Các lễ hội, sự kiện được phục dựng, tổ chức đều có vai trò của cộng đồng dân cư trong quá trình tham gia bàn bạc, lên kế hoạch ngay từ ban đầu để bảo đảm tính chân thực của lễ hội, sự kiện. Người dân cũng là chủ thể được hưởng lợi từ lễ hội, sự kiện văn hóa, thông qua việc củng cố và phát huy hình ảnh địa phương, phát triển dịch vụ du lịch... Qua đó, tài nguyên văn hóa được khai thác đúng hướng, hiệu quả, vừa góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, vừa tiếp tục quảng bá rộng rãi hình ảnh đẹp, đặc sắc về con người và vùng đất Quảng Ninh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Như vậy, với việc nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống, tỉnh sẽ tiếp tục dành thêm nguồn lực đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc. Đặc biệt là chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về giá trị văn hóa biển đảo Quảng Ninh, về trách nhiệm và tình yêu biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.

https://dulich.petrotimes.vn/

Hoàng Giang/ Quảng Ninh Portal