Giải bài toán chiến lược nuôi cá biển bằng công nghệ cao

13:45 | 17/01/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ vừa mới ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt mục tiêu nuôi biển theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao ở vùng biển khơi, với diện tích 30.000ha. Hàng loạt vấn đề đặt ra như: Chọn công nghệ nào phù hợp, sản xuất con giống, kiểm soát dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất theo chuỗi… Đây là những bài toán chiến lược trước mắt và lâu dài, cần có lời giải thực tiễn thỏa đáng.

Bài 1: Khởi đầu nuôi cá quy mô công nghiệp

Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa được xem là trung tâm nuôi cá biển ứng dụng công nghệ cao theo quy mô công nghiệp đầu tiên và lớn nhất nước ta. Bài học kinh nghiệm quý giá sau nhiều lần chuyển đổi mô hình sản xuất đã giúp những người nuôi trồng hải sản tìm hướng đi hiệu quả.

Giải bài toán chiến lược nuôi cá biển bằng công nghệ cao
Kỹ sư Phạm Đức Phương. Ảnh: Hải Luận,https://dulich.petrotimes.vn

“Việt Nam đang đứng đầu các nước Đông Nam Á và nằm trong tốp 10 các quốc gia trên thế giới về nuôi trồng thủy sản. Nhưng dân ta vẫn còn nghèo, nhiều vùng vẫn nuôi bè gỗ, lồng sắt nhỏ, mật độ dày đặc, dẫn đến quá tải, dễ sinh ra dịch bệnh, người nuôi trồng còn bị trắng tay trước bao nhiêu biến cố của thiên nhiên gây ra. Nuôi cá biển theo quy mô công nghiệp, kênh đầu tư an toàn nhất, lợi nhuận có thể đạt 30%, sau khi đã khấu trừ mọi chi phí” - kỹ sư (KS) Phạm Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ.

Đánh bật cá ngoại nhập ra khỏi thị trường

Chiếc ca nô chở tôi vừa cập vào lồng nuôi cá biển quy mô công nghiệp của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao ở vịnh Vân Phong. Kế bên, chiếc tàu sắt to đang thu hoạch hàng tấn cá, những vợt cá lớn được cần cẩu kéo lên boong tàu, hàng trăm con cá nhảy ở trong thùng tạo nên một âm thanh rộn ràng. KS Phương nói to: “Mấy tháng vừa rồi, các tỉnh phía Nam và tỉnh Khánh Hòa thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi phải chạy nhiều nơi để bán mấy chục tấn cá. Nhiệm vụ của chúng tôi tiếp tục nghiên cứu quy trình nuôi biển quy mô công nghiệp, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu phát triển nuôi biển. Hoạt động của trung tâm đều tự chủ, nó vận hành giống như một doanh nghiệp, vừa sản xuất con giống, vừa nuôi trồng, vừa chạy thị trường bán sản phẩm”.

- Ngư dân nói, cá của họ nuôi bán đắt hơn của viện nuôi theo công nghiệp. Có phải do chất lượng cá của dân nuôi nhỏ lẻ nên có “chênh” so với cá nuôi công nghiệp? - tôi hỏi thẳng vào vấn đề nhạy cảm.

- Ngư dân chỉ nuôi thêm vài ô lưới chung cùng bè nuôi tôm hùm, họ vớt cá lên bán trực tiếp ở chợ, giá từ 130.000-170.000 đồng/kg, coi như “ăn” luôn từ gốc đến ngọn. Cá nuôi công nghiệp với số lượng lớn, phải bán qua công ty, mỗi lần tỉa bán từ 1-2 tấn, nhiều thì vài chục tấn. Công ty phân phối vào siêu thị trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài, mỗi khâu để họ lời chút đỉnh. Còn về chất lượng, cá của ngư dân nuôi nhỏ lẻ và nuôi công nghiệp đều giống nhau. Đặc tính cá chim nó bơi liên tục, lồng lưới nuôi công nghiệp rộng - sâu nó di chuyển nhiều, thịt cá săn chắc giống như “gà đi bộ” nhiều người vẫn thích ăn.

- Cá nuôi ở vùng biển nước ta ngon như vậy, tại sao bị cá nuôi ở bên Trung Quốc nhập sang chèn ép giá bán?

- Có một thời kỳ cá chim nuôi lồng của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I bán ở chợ đầu mối Bình Điền (thành phố Hồ Chí Minh) giá 130.000-140.000 đồng/kg, cá chim nuôi bên Trung Quốc nhập vào Việt Nam chỉ bán giá 80.000 đồng/kg. Người tiêu dùng chọn mua cá giá rẻ nhất. Anh em chúng tôi vào tận chợ Bình Điền khảo sát, nhìn cá của Trung Quốc có màu vàng nhạt, da bóng đẹp hơn cá chúng tôi nuôi. Mua con cá trọng lượng 1kg của Trung Quốc (cá sống) về chiên (rán) chín. Lấy con cá trọng lượng 1kg của tôi (cá sống) cũng chiên lên. Đặt lên 2 đĩa để so sánh, cá của Trung Quốc bị “xẹp” xuống rất nhiều, còn cá của tôi vẫn giữ nguyên kích cỡ. Điều đó cho thấy, cá của Trung Quốc “giữ nước” bên trong cơ thể rất nhiều. Chúng tôi đã chỉ cho mấy chủ vựa mua bán cá ở chợ Bình Điền biết, từ đó về sau, họ không nhập cá của Trung Quốc bán ở chợ nữa.

Giải bài toán chiến lược nuôi cá biển bằng công nghệ cao
Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I tiến hành thu hoạch cá chim. Ảnh: Hải Luận, https://dulich.petrotimes.vn

Trả tiền công 5.000 USD/ngày

Trước khi KS Phạm Đức Phương về làm việc ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, anh đã “có duyên” với nuôi cá biển bằng công nghệ cao khá sớm. Tháng 2-2006, Công ty Majine Fams ASA, Na Uy nhập toàn bộ thiết bị, kỹ thuật nuôi cá biển của Na Uy vào vịnh Vân Phong. Phương được chọn vào tổ thi công làm lồng nuôi cá.

“Có 2 ông thợ người Na Uy sang Việt Nam làm lồng nuôi cá bằng vật liệu HDPE (ống nhựa chuyên dụng) nhập từ Na Uy. Công ty phải trả tiền công 5.000 USD/người/ngày, buổi tối chở họ về thành phố Nha Trang ngủ ở khách sạn 5 sao. Tôi vừa đi theo phụ việc, vừa học cách thức làm lồng tròn, làm lưới nuôi... Mỗi lồng nuôi có sản lượng cá thịt đạt mấy chục tấn. Công ty Majine Fams ASA chuyên nuôi cá bớp (giò), sau thời gian công ty bị thua lỗ phải bán toàn bộ lồng và tài sản cho ông chủ người Mỹ. Hiện giờ, doanh nghiệp của người Mỹ đang nuôi cá chẽm rất lớn ở vịnh Vân Phong” - KS Phương kể câu chuyện khởi đầu.

“Vì sao Công ty Majine Fams ASA nắm trong tay công nghệ nuôi cá hiện đại mà bị thua lỗ, dẫn đến phá sản tại Việt Nam?” - tôi đặt câu hỏi với KS Phương. Chẳng cần suy nghĩ lâu, KS Phương giải thích ngắn gọn: “Thứ nhất, công ty chọn nuôi cá bớp làm chủ lực, sức ăn loài cá này khủng khiếp, chiếm khoảng 80% tổng chi phí nuôi biển. Thứ hai, do công ty chưa làm tốt thị trường tiêu thụ sản phẩm trước, mà đã đầu tư nuôi với sản lượng hàng ngàn tấn, cá nuôi lớn bán không ai mua. Chỉ cần 2 vấn đề này cũng đủ để “nhấn chìm” doanh nghiệp luôn rồi”.

Năm 2013, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I triển khai dự án mô hình trình diễn nuôi cá biển theo hướng công nghiệp trên vịnh Vân Phong. KS Phương được mời về làm Trưởng bộ phận nuôi biển tại Vân Phong. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I cho biết: “Cơ sở nuôi cá biển ở vịnh Vân Phong là mô hình nuôi cá biển trình diễn theo hướng công nghiệp đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công nghệ nhập từ Na Uy, sản lượng đạt khoảng 200 tấn/năm. Từ năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi cá biển cho các địa phương, doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

https://dulich.petrotimes.vn

bienphong.com.vn