FDI thực hiện cao kỷ lục, vốn đầu tư ra nước ngoài giảm mạnh

16:41 | 06/08/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trong 7 tháng đầu năm 2024, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thực hiện đạt 12,6 tỷ USD, tăng 8,4% - là mức cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024, ngược lại, lượng vốn "xuất ngoại" lại giảm tới 53%.
FDI thực hiện cao kỷ lục, vốn đầu tư ra nước ngoài giảm mạnh

Vốn FDI thực hiện lập kỷ lục trong 5 năm qua

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 7 tháng đầu năm 2024 tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh đầu tư thế giới suy giảm, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào phát triển kinh tế của Việt Nam.

Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,6 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024 (lần lượt là 10,1 tỷ USD, 10,5 tỷ USD, 11,5 tỷ USD, 11,6 tỷ USD, 12,6 tỷ USD).

Tính đến ngày 20/7/2024, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 10,8 tỷ USD, tăng 11,6% về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn FDI đăng ký điều chỉnh đạt gần 5 tỷ USD, tăng 19,4%.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có tổng vốn thực hiện cao nhất, đạt gần 10 tỷ USD, chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng.

Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 9,1%. Hoạt động sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 481 triệu USD, chiếm 3,8%.

Trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD, chiếm 42,3% tổng vốn đăng ký cấp mới. Xếp sau lần lượt là đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 1,3 tỷ USD, chiếm 12%; Trung Quốc 1,2 tỷ USD, chiếm 11,3%.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 ngày 5/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá chất lượng dòng vốn FDI trong các tháng qua tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng.

Trong thời gian tới, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, chất lượng, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn... và kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Nguồn: Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Nguồn: Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Vốn đầu tư ra nước ngoài giảm một nửa

Ở chiều ngược lại, trong 7 tháng đầu năm 2024 có 64 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn phía Việt Nam là 122 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 28,6 triệu USD, giảm 83,3%.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 150,7 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam được phân bổ vào 12 ngành, đứng đầu là khai khoáng với số vốn đầu tư lên đến 58,6 triệu USD, chiếm 38,9%. Đứng thứ hai là công nghiệp chế biến, chế tạo với 28,9 triệu USD, chiếm 19,2%.

Ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đứng thứ 3, đạt 24,7 triệu USD, chiếm 16,4%. Các ngành dịch vụ khác đạt 10 triệu USD. Nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí đạt 6,8 triệu USD, chiếm 4,5%.

Trong 23 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam tiến hành rót vốn đầu tư trên thế giới, Hà Lan là nước nhận được đầu tư nhiều nhất với 54,6 triệu USD, chiếm tới 36,2% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ hai là Lào với 36,7 triệu USD, chiếm 24,3%; Mỹ ở vị trí thứ ba với 18,7 triệu USD, chiếm 12,4%. Campuchia đứng thứ tư với 12,4 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 20/7/2024, Việt Nam đã có 1.750 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 22,3 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng, chiếm 31,6%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,5%.

Phương Thảo

vietinbank
thaco