Eximbank: Chủ tịch Yasuhiro Saitoh "trách" Cổ đông chiến lược?

18:24 | 28/04/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngay sau liên tiếp hai ĐHĐCĐ thường niên Eximbank được tổ chức trong hai ngày 26, 27/4 vừa qua tại Hà Nội vẫn bất thành, Chủ tịch Yasuhiro Saitoh xuất hiện trên báo chí gây chú ý với gương mặt buồn, tâm trạng buồn và những lời nói buồn về cổ đông chiến lược mà vị này từng gắn bó…
"Nội chiến" chưa có hồi kết, Chủ tịch Eximbank nói gì?
Eximbank: Liên tiếp 2 đại hội bất thànhEximbank: Liên tiếp 2 đại hội bất thành
Eximbank: “Kỷ lục” khó tin và câu hỏi trách nhiệm?Eximbank: “Kỷ lục” khó tin và câu hỏi trách nhiệm?

“Tôi thật sự rất buồn về cổ đông SMBC…"

“Tôi cũng không biết ý định của đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là gì. Thực tế là tôi không còn làm việc ở SMBC nữa nên không biết được chiến lược, ý định của bên đó như thế nào. Với vai trò là ngân hàng tầm cỡ toàn cầu như SMBC, tôi thực sự rất buồn khi họ không tham dự vào ĐHCĐ hôm 27/4”, Chủ tịch Yasuhiro Saitoh nói với báo chí vào ngày 27/4/2021.

Như đã biết, sau gần 3 năm Eximbank vẫn chưa tổ chức được ĐHĐCĐ, ngày 26/4, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 diễn ra với số cổ đông tham dự “kịch trần” 94,51% nhưng lại bất thành do gần 55% không thông qua Quy chế đại hội. Hôm sau, 27/4, ĐHĐCĐ thường niên 2021 lại bất thành do tỷ lệ cổ đông tham dự chỉ còn 41,65%.

Eximbank: Chủ tịch Yasuhiro Saitoh
Chủ tịch HĐQT Eximbank Yasuhiro Saitoh (bên trái)/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Chia sẻ sau phiên họp, ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, thời gian qua, việc tổ chức ĐHĐCĐ của Eximbank liên tục bất thành là do không có sự thống nhất của các nhóm cổ đông.

Ông Saitoh cho biết: “Ngày hôm qua 26/4, tỷ lệ tham dự rất cao nhưng hôm nay lại rất thấp. Qua đó có thể thấy ngân hàng đang bị chi phối bởi thiểu số một số nhóm cổ đông - nhóm cổ đông này sở hữu một lượng lớn cổ phần Eximbank”. Rồi liền đó, ông Saitoh đã có những lời gây chú ý về SMBC như đã dẫn.

Nội dung gây chú ý thứ 2 là việc giải thích 2 nghị quyết có nội dung trái ngược nhau của Eximbank trong ngày 13/4. Nghị quyết thứ nhất, chấp thuận Đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ngày 13/4 “vì lý do cá nhân” của ông Saitoh. Nghị quyết này được ký bởi ông Nguyễn Quang Thông, giữ chức Chủ tịch đúng 55 phút. Nghị quyết thứ hai, bầu chính ông Saitoh trở lại làm Chủ tịch.

Tuy nhiên, nội dung này ông Saitoh lại không chia sẻ. Người giải thích lại là ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT: “Ông Saitoh xin rời vị trí là có lý do cá nhân chính đáng, điều này đã được HĐQT phê duyệt và chấp thuận. Còn chuyện bầu ông Thông làm Chủ tịch là bởi theo điều lệ, người chủ tọa cuộc họp HĐQT phải là chủ tịch. Theo điều lệ, luật là sẽ bầu một người tạm thời, giữ chức chủ tọa hôm đó. Nhưng rồi HĐQT cũng đã thảo luận rất nhiều và quyết định mời ông Saitoh tiếp tục làm. Ông Saitoh cũng hy sinh lắm mới chịu ngồi vào ghế đó”.

Trong bối cảnh ông Saitoh và ông Quốc nằm trong nhóm HĐQT bị cổ đông liên tục đòi bãi nhiệm, EIB từ năm 2019 đến nay chưa tổ chức được ĐHĐCĐ nào, nên những thông tin về EIB kể cả tích cực lẫn tiêu cực, vốn dĩ đã khó được cổ đông tin cậy, hơn nữa ngay trong nội dung thông tin lại hàm chứa mâu thuẫn…

SMBC và ông Saitoh…

Ông Saitoh vốn là nhân sự của SMBC. Cùng hai cổ đông khác (Mirae Asset Exim Investments Limited và VOF Investment Limited), cổ đông chiến lược SMBC đã đồng đề cử ông Saitoh tham gia HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Nhưng 4 năm sau, cụ thể là ngày 17/5/2019, SMBC đã có văn bản gửi HĐQT Eximbank thông báo: “Từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy nhiệm hay đại diện của SMBC”.

Xuất phát từ bản chất của mối quan hệ pháp lý giữa SMBC và Ông Yasuhiro Saitoh, trong bất kỳ trường hợp nào, SMBC không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động hoặc bỏ sót không hành động nào của Ông Yasuhiro Saitoh với tư cách là thành viên của HĐQT hay bất kỳ chức vụ nào mà Ông Yasuhiro Saitoh nắm giữ tại EIB” - văn bản nêu rõ.

Như vậy, sau 4 năm, cổ đông chiến lược SMBC đã không còn sự tín nhiệm với người mà họ từng tin tưởng đưa vào HĐQT Eximbank.

Thời điểm này, ông Saitoh cũng đã có Đơn từ nhiệm thành viên HĐQT Eximbank.

SMBC gửi Thông báo khi trước đó, tại Eximbank đã xảy ra cuộc tranh chấp “ghế nóng” Chủ tịch giữa ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú, quyết liệt tới mức sau đó HĐQT chia thành 2 nhóm 5/9 và 3/9 rõ rệt với 2 Nghị quyết 112 và 231 xuất phát từ nội dung 2 cuộc họp diễn ra đầy sai phạm mà Thanh tra Ngân hàng đã kết luận và yêu cầu EIB rà soát tài liệu để thu hồi, hủy bỏ.

Tuy nhiên, với tình trạng chia bè nhóm, mất đoàn kết kéo dài đến tận bây giờ, việc kiến nghị của Thanh tra là không có ý nghĩa.

Chính từ thực trạng này, với vai trò cổ đông chiến lược, SMBC đã liên tục kiến nghị 3 nội dung để đưa vào chương trình nghị sự của ĐHĐCĐ 2019 sau đó tiếp tục kiên trì cho đến hiện nay: Nhận định các vấn đề tồn tại của EIB, HĐQT và kiến nghị giải pháp khắc phục tương ứng của Ủy ban chỉ đạo độc lập; Xem xét, cắt giảm quy mô HĐQT, bỏ phiếu tín nhiệm từng thành viên HĐQT, giảm số lượng từ 10 xuống 7 thành viên; Xem xét việc từ chức của ông Saitoh.

Kiến nghị hợp pháp của SMBC đã bị nhóm 6/9 thành viên HĐQT liên tục từ chối.

Kết quả là, ngày 5/12/2019, Thanh tra NHNN đã phải ra 6 quyết định xử lý vi phạm đối với 6 thành viên HĐQT Eximbank về hành vi “Tổ chức hoặc không tổ chức ĐHĐCĐ theo đúng quy định của pháp luật” khi từ chối kiến nghị của SMBC. Trong 6 người đó, có ông Saitoh và Lê Minh Quốc.

Cần nói thêm, ông Saitoh sau khi có Đơn từ nhiệm, đã được nhóm 5/9 thông qua Nghị quyết là chưa xem xét, nên tiếp tục ở lại, hình thành nên nhóm 6/9 trong HĐQT.

Với lợi thế đa số, đến ngày 25/6/2020, ông Saitoh được đưa lên làm Chủ tịch HĐQT Eximbank trong sự phản đối của nhóm còn lại và của cả SMBC.

Ở vị trí Chủ tịch, ông Saitoh tiếp tục ký các văn bản từ chối kiến nghị của SMBC và SMBC lại khiếu nại việc từ chối đó nhưng chưa được kết luận.

Rõ ràng, SMBC chính là chiếc cầu nối đưa ông Saitoh đến với Eximbank, để rồi chính ông Saitoh lại vi phạm quyền cổ đông của SMBC.

Về nội dung gây chú ý thứ hai là lời giải thích của ông Lê Minh Quốc: “Ông Saitoh xin rời vị trí là có lý do cá nhân chính đáng, điều này đã được HĐQT phê duyệt và chấp thuận. Còn chuyện bầu ông Thông làm Chủ tịch là bởi theo điều lệ, người chủ tọa cuộc họp HĐQT phải là chủ tịch. Theo điều lệ, luật là sẽ bầu một Chủ tịch tạm thời, giữ chức chủ tọa hôm đó. Nhưng rồi HĐQT cũng đã thảo luận rất nhiều và quyết định mời ông Saitoh tiếp tục làm. Ông Saitoh cũng hy sinh lắm mới chịu ngồi vào ghế đó”.

Giải thích của ông Quốc khiến cổ đông băn khoăn ở 3 điều.

Một là, còn hơn 10 ngày nữa là Eximbank sẽ bắt đầu tổ chức liền một lúc 3 đại hội. Cả một núi công việc “3 năm dồn lại” đang đè lên vai HĐQT và ông Saitoh. Vậy mà ông vẫn phải quyết định viết Đơn từ nhiệm “vì lý do cá nhân” cho thấy ông đã phải nhiều ngày đêm suy nghĩ hết sức kỹ càng và thấy là không còn cách nào khác ngoài việc xin từ chức mới giải quyết được. Rõ ràng việc viết đơn trong hoàn cảnh đó của ông Saitoh không phải là một việc nông nổi, cảm tính. Vậy tại sao chỉ trong vòng 55 phút, ông Saitoh lại có thể “vượt qua lý do cá nhân” và “hy sinh lắm” để tiếp tục làm?

Hai là, nói ông Saitoh “hy sinh lắm mới chịu ngồi vào ghế đó”, nay kết quả là 2 đại hội đều bất thành, vậy sự “hy sinh lắm” đó của ông Saitoh có còn ý nghĩa không và có cần xem lại trách nhiệm của nhóm thành viên đã “thống nhất cao” để bầu ông Saitoh quay lại ngồi ghế Chủ tịch?

Ba là, thực tế là việc thuyết phục ông Saitoh “gạt lý do cá nhân sang một bên” để ngồi lại ghế Chủ tịch trong cuộc họp thứ 2 diễn ra chỉ vài chục phút. Vậy mà HĐQT thay vì thuyết phục ông Saitoh thôi từ chức, lại gây kinh ngạc dư luận bằng 55 phút tạo ra “3 ông” Chủ tịch: Ông Saitoh đương nhiệm được từ nhiệm, ông Nguyễn Quang Thông lên làm Chủ tịch tạm thời ký cho ông Saitoh được từ nhiệm, rồi ông Saitoh lại lên làm Chủ tịch sau khi tự ký Nghị quyết bầu mình. Còn Chủ tịch Nguyễn Quang Thông thì chẳng có Nghị quyết nào cho ông thôi chức Chủ tịch? Chẳng lẽ pháp luật lại khó hiểu đến thế?

Ông Quốc nói: “Theo điều lệ, luật là sẽ bầu một Chủ tịch tạm thời, giữ chức chủ tọa hôm đó” là Điều lệ nào, Luật nào, quy định cụ thể ra sao về “Chủ tịch HĐQT tạm thời”, mới thuyết phục.

Chính vì các lẽ trên, việc ông Saitoh trách SMBC với hàm ý thiếu trách nhiệm với ĐHĐCĐ Eximbank thật khó hiểu.

Với vị thế một ngân hàng tầm cỡ toàn cầu, một cổ đông lớn nhất, góp 15% vốn điều lệ tại Eximbank từ năm 2008, cổ đông chiến lược SMBC chắc chắn có trách nhiệm cao đối với sự ổn định, phát triển của Eximbank cũng như với phần vốn góp hàng nghìn tỷ đồng của mình tại đây.

Bởi thế không thể so sánh trách nhiệm đối với Eximbank của ông Saitoh với SMBC khi mà chức Chủ tịch của ông này vẫn đang bị 2 nhóm cổ đông lớn liên tục đòi bãi nhiệm và trong danh sách đề cử HĐQT nhiệm kỳ tới không còn có tên ông.

Ông Yasuhiro Saitoh từng được biết đến trong nhiều sự kiện “lạ” gắn với Eximbank. Lần này, ông tiếp tục tạo sự lạ kỳ, khó hiểu khi trách ngược cổ đông chiến lược SMBC trên báo chí.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Vân Anh

vietinbank
ajinomoto