Doanh nghiệp Việt Nam ứng phó ra sao với thuế quan mới nhất của Mỹ?
Theo Tiến sĩ Scott McDonald, Tổng thống Donald Trump đã công bố một khuôn khổ thuế quan mới toàn diện vào ngày 2/4 trong tuyên bố mà Nhà Trắng gọi là "Ngày giải phóng" của nước Mỹ. Kế hoạch này thiết lập mức thuế nhập khẩu cơ bản ban đầu là 10% đối với hầu hết các quốc gia từ ngày 5/4, sau đó các mức thuế đối ứng bổ sung theo từng quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4. Đối với Việt Nam, các mức thuế này có khả năng lên tới 46% theo thông báo của chính quyền Mỹ.
Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế thông qua Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế, đồng thời tuyên bố rằng các mức thuế bổ sung cho từng quốc gia được tính toán dựa trên những gì chính quyền của ông mô tả là rào cản thuế quan và phi thuế quan.
![]() |
Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thách thức lớn do có thể bị Mỹ áp mức thuế mới. |
Đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, mức thuế quan mới đặt ra thách thức rõ ràng. Các mặt hàng mà họ xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sớm phải đối mặt với bất lợi do giá cao hơn 46% so với hàng hóa nội địa của Mỹ hoặc các sản phẩm từ các quốc gia chịu thuế quan thấp hơn. Các ngành công nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm: điện tử, dệt may, đồ nội thất, giày dép và thủy hải sản – những ngành đóng vai trò trung tâm trong thành công xuất khẩu của Việt Nam.
Theo phân tích của Evercore ISI được báo chí trích dẫn, sắc lệnh mới khi được triển khai hoàn toàn có thể khiến mức thuế trung bình có trọng số của Mỹ tăng lên 29% – mức cao nhất trong hơn 100 năm. Điều này tạo ra một tình huống chưa từng có đối với doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược tăng trưởng dựa trên khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.
![]() |
Tiến sĩ Scott McDonald cho rằng, để duy trì khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng xem xét lại thị trường, chuỗi cung ứng và chiến lược của mình. |
Tiến sĩ Scott McDonald cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này.
Trong đó, có thể đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Mỹ. Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do mang lại những giải pháp thay thế tiềm năng.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đánh giá sản phẩm của mình có thể được phân loại lại theo các mã thuế quan khác, hoặc có thể điều chỉnh nguồn cung ứng linh kiện để giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ hay không.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu và thiết lập quan hệ đối tác sản xuất ở các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn hoặc được miễn khỏi khuôn khổ thuế quan mới.
Chính quyền Mỹ mô tả cách tiếp cận của mình là “có đi có lại” ở mức độ vừa phải, và tuyên bố rằng mức thuế được tính toán hiện tại chỉ bằng một nửa so với mức độ bất công thương mại mà họ cho là các nước khác đang áp dụng với Mỹ. Điều này thể hiện mối quan ngại sâu sắc của chính quyền Mỹ, đồng thời cũng để ngỏ khả năng đối thoại ngoại giao.
Những doanh nghiệp biết xây dựng các chiến lược cân bằng – kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất và quản lý tài chính cẩn thận – sẽ có khả năng điều hướng giai đoạn này thành công hơn so với những doanh nghiệp chỉ tập trung duy trì các cách tiếp cận thị trường Mỹ hiện tại bất kể chi phí thuế quan mới.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang phản ứng với những thay đổi chính sách quan trọng này, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với cả thách thức lẫn cơ hội để chứng minh khả năng phục hồi và thích ứng, vốn đã định hình sự phát triển kinh tế của đất nước trong những thập kỷ gần đây.
Phương Ngân
- Bảo hiểm tín dụng thương mại: Giải pháp thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu
- Chứng khoán tuần mới (từ 31/3 đến 4/4): Điều chỉnh là cơ hội?
- Chứng khoán tuần mới (từ 24 đến 28/3): Nhịp điều chỉnh lành mạnh?
- Dòng tiền đảo chiều, các quỹ đầu tư đang chọn chiến lược mới?
- Chứng khoán tuần mới (từ 17 đến 21/3/2025): Tích luỹ trong xu hướng uptrend