Điện mặt trời áp mái và những nguy cơ
![]() |
Vụ cháy tại số nhà 207 Định Công Hạ (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã cướp đi sinh mạng của 4 người vô tội, trong đó có 3 trẻ em. |
Tiềm ẩn nguy cơ cao
Ngày 16/6/2024 vừa qua Hà Nội đã xảy ra vụ cháy tại số nhà 207 Định Công Hạ (quận Hoàng Mai) để lại hậu quả để lại vô cùng lớn. Không chỉ là tài sản, mà còn có 4 nạn nhân xấu số đã thiệt mạng.
Được biết, ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn cao 6 tầng, 1 tum, mặt tiền khoảng 5-6m2. Tầng dưới là nơi kinh doanh các loại hàng hóa vật liệu dễ cháy như: Sơn, keo, máy bơm, vật liệu xây dựng. Khu vực tầng bị cháy và tầng tum hàn kín không có lối thoát hiểm.
Cụ thể, trên tầng thượng ngôi nhà có một hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời, có dấu hiệu bị cháy và ám khói đen kịt. Sân thượng trước tum nhà được quây chuồng cọp, bên trên là hệ thống điện mặt trời áp mái.
Hình ảnh hiện trường cho thấy, hệ thống điện mặt trời trên mái không bị ám khói do được ngăn cách với lớp trần bê tông, song nó cũng khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ cháy nổ đối với loại thiết bị này, song nó cũng khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ cháy nổ đối với loại thiết bị này và nếu xảy ra cháy nổ thì hậu quả sẽ như thế nào?.
Trước đó, vào ngày 20/6/2023 gia đình chị Nguyễn Thị Hoa Mỹ ở số 6, đường Sen Hồ (thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đang ngủ thì nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn liên tiếp, khói đen tỏa ra từ tầng 3. Chạy lên kiểm tra, vợ chồng chị Mỹ phát hiện thiết bị lưu trữ điện năng lượng mặt trời bị cháy nổ, khí độc lan xuống các tầng và sang nhà bên cạnh.
Theo chị Hoa Mỹ, hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà mới được lắp đặt cách đấy 4 ngày, trị giá gần 170 triệu đồng, do một đơn vị ở tỉnh Hà Nam cung cấp. Thiết bị này bố trí ở khu vực tầng 3 của căn nhà. Khu vực lắp đặt thiết bị lưu trữ điện là gian thờ, không có nhiều chất gây cháy nên không xảy ra cháy lan.
Dù đám cháy sau đó được cơ quan chức năng nhanh chóng dập tắt, sự cố đã được xử lý, không có thiệt hại về người, tuy nhiên, đây tiếp tục là một cảnh báo cho các hộ dân đang lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời.
Cuối năm 2022, một vụ cháy nghiêm trọng cũng xảy ra tại TP Đà Nẵng. Vào khoảng hơn 8 giờ ngày 31/12, khu nhà xưởng rộng 1.000 m2 của Công ty Nhựa ABC bất ngờ bốc cháy. Công ty Nhựa ABC, tại đường số 6, khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Một số công nhân dùng thiết bị chữa cháy tại chỗ để dập lửa nhưng bất thành.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TP Đà Nẵng đã phải điều hàng chục xe chữa cháy chuyên dụng và hơn 100 cán bộ, chiến sĩ có mặt tại hiện trường để dập lửa. Nguyên nhân được xác định là do hệ thống điện mặt trời áp mái của nhà xưởng bị sự cố dẫn đến chập cháy. Ngọn lửa tiếp tục cháy mạnh khi tiếp xúc các hạt nhựa chứa trong kho khiến cả kho chứa hàng rộng 1.000 m2 bị phát hỏa.
Qua những vụ việc trên cho thấy, việc lắp điện mặt trời áp mái không đạt chuẩn không chỉ gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn mà còn có thể xảy ra những thiệt hại khôn lường.
Cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ cấp điện sinh hoạt, sản xuất cần tuân thủ nghiêm biện pháp an toàn phòng cháy. Thiết bị phải được cơ sở có uy tín sản xuất, lắp đặt theo đúng thiết kế, chấp hành yêu cầu an toàn phòng cháy; kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên. Khi sử dụng, chủ hộ, cơ quan, đơn vị cần có nội quy, quy định bảo đảm an toàn phòng cháy; được tập huấn việc sử dụng cũng như nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do các sự cố cháy, nổ gây ra.
![]() |
Hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà của chị Mỹ cháy đen. |
Quy định về PCCC đối với hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái
Theo quy định thực hiện thủ tục PCCC với hệ thống điện mặt trời áp mái, Phó trưởng phòng Thẩm định phòng cháy chữa cháy (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH) Trần Hải Nam cho biết: Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tiếp đó ngày 17/7/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 31/8/2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Trên cơ sở các quy định nêu trên, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, đặc biệt là đối với các công trình nhà xưởng trong khu công nghiệp.
Vậy với quy chuẩn về thẩm duyệt PCCC cho mô hình này sẽ được áp dụng theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 (trước đây là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP), thì hệ thống điện mặt trời mái nhà không thuộc danh mục đối tượng quản lý về PCCC, không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Tuy nhiên, do việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà làm ảnh hưởng đến các giải pháp về ngăn cháy, chống cháy lan, ảnh hưởng đến lối ra mái của công trình nên theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 (trước đây tại Điều 15 và Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014), các công trình thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC khi lắp đặt bổ sung hệ thống điện mặt trời mái nhà phải lập hồ sơ và đề nghị cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 9 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, có quy định “Tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành”.
Ông Trần Hải Nam cho hay, ngày 08/9/2020, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an cũng đã có Công văn số 3288/C07-P4 hướng dẫn Công an các địa phương về nội dung thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện. Trước tiên, cần phải làm rõ hệ thống điện mặt trời mái nhà không phải là đối tượng thẩm duyệt, không phải là đối tượng để quản lý về PCCC mà đối tượng cần bảo đảm các yêu cầu về PCCC là các nhà, công trình có bố trí hệ thống này.
Thực tế tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã có nhiều vụ cháy hệ thống điện mặt trời mái nhà, dẫn đến cháy lan, gây thiệt hại cho công trình bên dưới. Do đó, chủ đầu tư/chủ sở hữu các công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà ngoài trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC cho công trình, đồng thời phải có trách nhiệm về các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC cho hệ thống điện mặt trời.
Việc xác định đối tượng thẩm duyệt đã được quy định rõ tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP phụ thuộc vào loại hình và quy mô của nhà. Đối với các hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà thuộc diện thẩm duyệt thì chủ đầu tư/chủ sở hữu công trình phải lập hồ sơ đề nghị thẩm duyệt và gửi đến cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH để được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định.
Đối với các nhà, công trình không thuộc diện thẩm duyệt thì không yêu cầu thẩm duyệt điều chỉnh, bổ sung khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái, tuy nhiên việc lắp đặt vẫn phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu an toàn cháy theo quy định; đồng thời việc lắp đặt bổ sung này cần thông tin cho cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH trực tiếp quản lý cơ sở để được hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC theo quy định.
Các nội dung về bảo đảm an toàn PCCC cho hệ thống điện mặt trời mái nhà đều gắn với các yêu cầu về PCCC chung của nhà và công trình như: Giải pháp về bố trí lối ra mái: yêu cầu bố trí các tấm pin, thiết bị của hệ thống điện mặt trời trên mái không cản trở, ảnh hưởng các lối tiếp cận lên mái của công trình; về kết cấu mái: việc bảo đảm khả năng chịu tải trọng của mái khi lắp đặt các tấm pin do cơ quan về xây dựng kiểm tra, chấp thuận. Về an toàn cháy, khi tính toán, thiết kế phải bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; về giải pháp ngăn cháy: Cần bố trí các tấm pin tạo khoảng cách với nhau (kích thước nhóm không quá 40 m x 40 m), tạo khoảng cách với các thiết bị kỹ thuật trên mái; cần trang bị hệ thống PCCC tại các gian phòng trong nhà có bố trí thiết bị của hệ thống điện mặt trời.
Những yêu cầu đảm bảo an toàn PCCC đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà: 1. Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại các công trình thuộc Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP phải thực hiện chế độ thẩm duyệt thiết kế về PCCC. 2. Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà của công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC đó là: Lựa chọn chủng loại hệ thống điện mặt trời mái nhà: Đối với tấm pin mặt trời, hiện nay phổ biến gồm hai loại chính là loại tấm pin dạng tinh thể (đơn tinh thể, đa tinh thể) và loại tấm pin dạng phim mỏng. Trong đó, các tấm pin dạng phim mỏng thường chứa nhiều thành phần có khả năng bắt cháy cao hơn so với tấm pin dạng tinh thể. Do đó, nên khuyến khích sử dụng tấm pin dạng tinh thể và ưu tiên lựa chọn các tấm pin đạt các thử nghiệm về khả năng chịu lửa để lắp đặt cho hệ thống điện mái nhà; Đối với Inverter chuyển đổi dòng điện một chiều thành xoay chiều của hệ thống điện mặt trời mái nhà khuyến cáo ưu tiên sử dụng loại hệ thống điện mặt trời sử dụng micro-inverter để hạn chế khả nặng phát sinh hồ quang điện một chiều trên hệ thống; Bố trí thiết bị của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà: Không lắp đặt tấm pin mặt trời phía trên các gian phòng thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ A,B,C cũng như các gian phòng khác mà trong quá trình hoạt động có khả năng tích tụ khí, bụi cháy; hạn chế việc bố trí tấm pin trên các gian phòng làm kho hoặc các gian phòng lưu trữ khối lượng lớn chất cháy; không lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên các công trình nguy hiểm cháy, nổ cao, độc hại như: Kho chứa xăng dầu, khí gas, kho vật liệu nổ, kho hóa chất... Các tấm pin mặt trời lắp đăt trên mái phải được chia thành các nhóm, dãy với kích thước không quá 40m x 40m cho mỗi nhóm, khoảng cách giữa 02 nhóm không được nhỏ hơn 1,5m; Đối với các mái có bố trí lan can xung quanh theo chu vi mái phải bố trí tấm pin cách lan can một khoảng 2,5m; Bố trí tấm pin, đường dây và các thiết bị của hệ thống điện mặt trời không được che chắn các quạt tăng áp, hút khói, không làm cản trở lối tiếp cận đến trạm bơm (trường hợp trạm bơm đặt trên mái) và các hệ thống PCCC khác của công trình; Không bố trí tấm pin trong phạm vi 3m xung quanh lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy, các lỗ mở qua cửa sập; Khi lắp đặt tấm pin mặt trời và các thiết bị khác của hệ thống điện mặt trời mái nhà phải tính toán tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu mái trong điều kiện thường và trong điều kiện cháy; không lắp đặt tấm pin trên các mái làm bằng vật liệu cháy hoặc có vật liệu hoàn thiện là chất cháy; Interver và các tủ đóng cắt, tủ đấu dây,… khi bố trí trong nhà phải bố trí trong một phòng, không gian riêng biệt để giám sát và bảo vệ, không được bố trí chất cháy xung quanh khu vực này và phải có giải pháp ngăn cháy với các khu vực khác của công trình. Các thiết bị của hệ thống phải được nối đất bảo đảm theo quy định. Bố trí lối tiếp cận lên mái: Công trình phải bố trí các lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy hoặc các cửa sập; các tấm pin nên bố trí tại phía mái có đường giao thông cho xe chữa cháy tiếp cận; đồng thời bố trí thiết bị trên mái phải đảm bảo khả năng tiếp cận, di chuyển từ lối ra mái đến từng nhóm, dãy pin. Vận hành và điều khiển: Hệ thống điện mặt trời phải được trang bị các thiết bị ngắt khẩn cấp; thiết bị này cần bố trí cả ở vị trí interver và vị trí tủ đóng cắt. Tại các vị trí này phải niêm yết hướng dẫn, quy trình vận hành; Tại khu vực gần lối lên mái phải bố trí các sơ đồ bố trí tấm pin trên mái và sơ đồ đấu nối hệ thống để phục vụ việc ngắt kết nối các tấm pin trên mái khi có sự cố và phục vụ công tác chữa cháy. Trang bị phương tiện PCCC: Các gian phòng trong nhà có bố trí thiết bị của hệ hống điện mặt trời mái nhà như interver, tủ đóng cắt,… phải được trang bị phương tiện, hệ thống PCCC theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hiện hành. Việc lựa chọn loại hệ thống chữa cháy, chất chữa cháy phải phù hợp với thiết bị và bảo đảm khả năng ngăn chữa cháy đối với đám cháy thiết bị mang điện. |
N.H
- Công bố kết quả PAR Index 2024: Hải Phòng dẫn đầu cả nước, toàn quốc duy trì đà tăng
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 19/4: Dự án Golden City chưa nghiệm thu, đã bán hơn 500 căn hộ
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 18/4: Thanh Hóa quy hoạch siêu dự án du lịch tâm linh hơn 1.000ha
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 17/4: Định giá đất vẫn còn nhiều vướng mắc khiến hàng loạt dự án ách tắc
- Người mua chung cư "săn hàng" tại Hanoi Melody Residences
- Ông ăn chả thì bà cũng đừng ăn nem!
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 16/4: Giá bán căn hộ tại TP.HCM gần 120 triệu đồng/m², thanh khoản sụt giảm mạnh
- Giá bất động sản tăng cao thúc đẩy xu hướng thuê nhà trong giới trẻ
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 15/4: Vĩnh Long xử phạt một công ty vì bán nhà ở xã hội khi chưa đủ pháp lý
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 14/4: Cảnh báo sốt đất ảo, nhà đầu tư cần thận trọng