Chuyên gia quốc tế gợi mở lộ trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn của Việt Nam

06:00 | 11/12/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngày 10/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức “Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024: Từ Kế hoạch đến Hành động” với sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia nhằm thảo luận về lộ trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Chuyên gia quốc tế gợi mở lộ trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn của Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại Diễn đàn

Trong những năm qua, phát triển kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta đã xác định tập trung vào mục tiêu "Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Kinh tế tuần hoàn được xem là cách tiếp cận phù hợp nhằm quản lý chất thải".

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành với sự tham gia và đóng góp ý kiến của các Bộ/ngành, địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của các quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã có bài phát biểu khai mạc nhấn mạnh việc thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân.

“Hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, đồng thời thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn”, Thứ trưởng chia sẻ.

TS. Chana Poomee, Giám đốc cấp cao Phát triển bền vững, Tập đoàn SCG cho biết xu hướng xanh đang huy động vốn 5 nghìn tỷ USD các khoản đầu tư thúc đẩy chuyển đổi bền vững. 300 tỷ USD hàng năm đến năm 2035 dành cho mục tiêu định lượng tổng thể mới về tài chính khí hậu (NCQG) cho các quốc gia đang phát triển. Quy định về cơ chế định giá carbon, CBAM ngày càng nghiêm ngặt. Thị trường cũng đang dịch chuyển sang sản phẩm xanh và tín chỉ carbon, thúc đẩy các quan hệ đối tác liên ngành.

Do đó, TS. Chana Poomee gợi ý về lộ trình giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050 của SCG. Bắt đầu từ những sản phẩm carbon thấp bằng cách đổi mới sản phẩm/quy trình theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và công nghệ carbon thấp trong chuỗi giá trị. Tiếp theo, sử dụng hiệu quả (5%) và chuyển đổi (20%) năng lượng bằng cách khai thác các công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu quả năng lượng và tăng tỷ lệ nhiên liệu thay thế và năng lượng tái tạo; lưu trữ và tái sử dụng Carbon (CCUS) từ việc phát triển và mở rộng công nghệ CCUS thông qua hợp tác quốc gia và toàn cầu. Cuối cùng, bù đắp carbon bằng cách hợp tác với cộng đồng trong các hoạt động trồng và phục hồi rừng để tăng cường trữ lượng carbon.

Chuyên gia quốc tế gợi mở lộ trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn của Việt Nam
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc

Với mục tiêu giảm gần 16% lượng phát thải khí nhà kính, đảm bảo xử lý 95% nước thải đô thị và tăng GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD. UNDP đánh giá đây là mục tiêu tham vọng và để đạt được, Việt Nam cần phải vượt qua những thách thức đáng kể như ô nhiễm rác thải, không khí và nhựa.

Phát biểu bên lề Diễn đàn, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhấn mạnh để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần ưu tiên bốn việc chính.

Thứ nhất, lồng ghép thiết kế sinh thái, thiết kế hoàn vào các chính sách và đưa các mục tiêu có thể đo lường được vào lộ trình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, thúc đẩy đổi mới và khả năng cạnh tranh. Thứ hai, ưu tiên các ngành chính như nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may và vật liệu xây dựng để giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và mở ra các cơ hội cho tăng trưởng bền vững. Thứ ba, đảm bảo các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý sẽ giảm bớt rào cản và thúc đẩy đổi mới.

“Cuối cùng, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn phải là nỗ lực của toàn xã hội, đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm trong khi thúc đẩy các quan hệ đối tác như Đối tác hành động về nhựa quốc gia và Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam để biến tầm nhìn thành hành động”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Phương Thảo

vietinbank