Chung sống với biển cả: Bài 1: Đối mặt với siêu bão Rai

13:55 | 19/05/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Việt Nam là một quốc gia biển. Trong những năm qua, nhiều cơn bão mạnh càn quét qua miền Trung, nếu theo sát tình hình, sẽ nhận thấy rằng, có rất nhiều ngư dân dày dạn kinh nghiệm biển cả, chấp nhận sống chung với thiên tai, bão lụt… Người trong đất liền chỉ nghe qua thấy rợn người lo sợ nhưng với người lính Biên phòng ở các vùng biển họ thấu hiểu những gian nan của người dân biển, để tìm cách sẻ chia, hỗ trợ nhân dân bằng “mệnh lệnh trái tim”.

Siêu bão Rai (cuối tháng 12-2021) giật cấp 17, càn quét qua Philippines khiến 375 người thiệt mạng, 56 người mất tích, 500 người bị thương. Khi bão bắt đầu đi vào Biển Đông đã khiến một số người lo sợ viễn cảnh tan hoang ở các làng chài. Nhưng đi vào từng thôn xóm, các đài canh Icom thì thấu hiểu được, mọi người dân đang sẵn sàng đối mặt với siêu bão, đó là kinh nghiệm của những con người cả đời quen với giông bão.

Chung sống với biển cả: Bài 1: Đối mặt với siêu bão Rai
Mỗi khi có bão, người dân thường đến các đồn Biên phòng để tránh trú bão (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Văn Chương, https://dulich.petrotimes.vn

Chinh phục thiên nhiên

“Siêu bão Rai có sức gió giật cấp 16-17...”, tiếng đài phát thanh, truyền hình liên tục văng vẳng từ vài ngôi nhà nằm sát bờ biển ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Trong bóng đêm, nhiều người vẫn hì hục che chắn nhà cửa, dồn bao cát lên mái, neo mái tôn xuống dưới đất bằng dây thừng hoặc lưới bện thành cuộn dây khá chắc chắn, sau đó, quàng vào các góc mái nhà để gió khỏi tốc mái.

Đi qua nhiều tỉnh ở miền Trung trong mùa bão, từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, tôi dễ dàng so sánh và nhận ra rằng, người dân ở tỉnh Quảng Nam có tính cách lo xa, sau đó là Quảng Ngãi, rồi đến Bình Định. Những cụ già ngoài 80 tuổi được phỏng vấn để rút ra điều chiêm nghiệm rằng, vùng đất của 3 tỉnh này chịu rất nhiều bão, vì vậy, cứ bão chưa vô thì mọi người đã tranh thủ chèn, chống để bảo vệ nhà cửa.

Ở xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, mỗi khi có bão thì người dân làng cùng BĐBP không chỉ đưa bao cát lên mái nhà, mà còn che chắn trước ngõ, trong sân, vì ngôi làng này nằm giáp với biển. Sau khi phòng, chống bão cho ngôi nhà xong, người già, phụ nữ và trẻ em được đưa sâu vào trong làng chài để ở nhờ những gia đình có nhà kiên cố.

Còn tại thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bà con có cách neo mái nhà xuống đất khá thú vị, đó là quàng dây lên mái, sau đó, buộc vào những bao cát giống như quả tạ treo lơ lửng, hoặc ghim chặt dưới đất. Vì làng chài nằm giáp với biển nên người dân đã nghĩ ra nhiều cách thức để sống chung với biển cả. Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi thường đến giúp bà con trước khi bão ập tới.

Khoanh vùng dự báo

“Tình hình thời tiết ở tọa độ 18 độ 63 phút vĩ Bắc - 117 độ 30 phút kinh Đông ra sao, có gió giật cấp 8 kéo dài 2 ngày”, đó là thông tin được truyền đi, lan tỏa ở làng chài Tân Thạnh, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi trong 3 ngày 17, 18 và 19-12-2021. Khi siêu bão Rai từ từ tiến vào Biển Đông, mọi người đều nhận được bản tin thời tiết, dự báo cả một vùng rộng lớn. Nhưng ở các đài canh Icom cộng đồng làng biển thì tự khoanh vùng nhỏ để đưa ra dự báo riêng. Vì nơi đó thường có những chiếc tàu còn thả trôi, không thể vào bờ. Tọa độ mà ngư dân xã Nghĩa An đề cập là nơi có 13 tàu cá với hơn 100 ngư dân đang đánh bắt.

Vì sao các ngư dân không chạy ngay vào bờ khi dự báo bão hiện nay được thông tin khá sớm? Chị Nguyễn Thị Ẩm, người gác đài canh Icom cùng chồng ở xã Nghĩa An cho biết, đoàn tàu làm nghề lưới chuồn ở địa phương xuất hành ra khơi, khi nghe thông tin bão Rai thì tàu nào mới đi 3 ngày đều quay trở về; riêng các tàu đã đánh bắt trên 10 ngày thì đang ở xa, ngư dân chạy vô bờ có khi mất 5 ngày 5 đêm, vì vậy, bà con neo lại ngoài đó, thả dù nổi để canh bão, sẵn sàng chạy né bão ra hướng Đông.

Chung sống với biển cả: Bài 1: Đối mặt với siêu bão Rai
Người dân ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam sử dụng lưới quàng lên nóc nhà để neo chống bão. Ảnh: Văn Chương, https://dulich.petrotimes.vn

Đến đài canh của ông Huỳnh Văn Minh, cũng ở xã Nghĩa An, ông Minh cho biết, trong nhóm tàu 11 chiếc đang thả neo dù và né bão Rai giữa biển, có chiếc tàu QNg92488TS của ngư dân Đặng Võ, là thành viên trong tổ đoàn kết đánh bắt trên biển.

Trong những ngày bão Rai tiến vào Biển Đông, ông Minh liên tục cập nhật tình hình thời tiết, sau đó, rút ra nhận định riêng cho khu vực đoàn tàu đang thả trôi ngay eo của bão Rai, đó là: “Chỗ đó có gió thổi xuôi nhưng nước biển chảy ngược, vì vậy, nếu thả neo dù, tàu sẽ bị gió đẩy ra hướng Bắc, nhưng nước biển kéo tàu về hướng Nam, nhờ đó mà tàu sẽ chịu đựng được, không bị đẩy trôi nhanh theo bão”.

Những người dân trên đất liền, mỗi khi nghe tin bão thì thường nói tới sức gió cấp mấy, tàn phá ra sao. Nhưng đối với những người có kinh nghiệm, nhiều năm bám biển như ông Minh thì bên cạnh việc nắm được sức gió, phải tính toán kỹ tới con nước.

Chiếc dù nổi là một loại neo được thả xuống nước, dù sẽ bung rộng, chứa đầy nước, giúp cho chiếc tàu cá giống như được ghì xuống đáy biển ở khu vực có độ sâu hơn 1.000m (nơi không thể thả móc neo). Hiện nay, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thường nhắc đến cấp độ gió, không đề cập dòng chảy, trong khi dòng chảy được các ngư dân xem như là thần cứu tinh mỗi khi có bão.

Bão rượt tàu

Chiều 18-12-2021, tôi nói chuyện trực tiếp với các ngư dân trên biển thông qua máy Icom tầm xa tại xã Nghĩa An, ngư dân Trần Hải, thuyền trưởng tàu QNg97698TS cho biết, tình hình là cả đoàn tàu 4 chiếc neo gần nhau (chiều hôm đó, 9 chiếc tiếp tục tập trung tới tọa độ này), trên biển có gió cấp 8, anh em vẫn giữ liên lạc với nhau, đề phòng có sự cố thì hỗ trợ.

Qua câu chuyện thì các ngư dân dự báo rằng, bão đi sát bờ nên bà con chạy né bão, ra khỏi vùng ảnh hưởng, sau khi bão tan thì quay lại đánh lưới ngay. Nhưng rồi sáng hôm sau, cơn bão liên tục chuyển hướng. Bão không áp sát bờ tàn phá nhà cửa, mà chạy dọc biển, băng qua quần đảo Trường Sa, tiến về quần đảo Hoàng Sa. Nơi các ngư dân neo tàu là ngoài quần đảo Hoàng Sa về hướng Đông. Từ Bình Định điện về các đài canh cộng đồng ở Quảng Ngãi, tôi được người nhà của các ngư dân thông báo, “vẫn tiếp tục di chuyển để ra ngoài vùng ảnh hưởng của bão”.

Đến lúc đó, tôi mới hiểu được sát nghĩa của cụm từ “chinh phục thiên nhiên, sống chung với biển”, không rơi vào cảnh cứ nghe báo có bão là rời làng ra đi, bỏ lại nhà cửa; khi ra biển đánh cá ở vùng rất xa bờ, không phải cứ nghe bão thì vội vã quay về mà ngư dân phải sáng tạo ra những cách chống chịu để nhịp sống vẫn diễn ra bình thường khi thiên tai vừa đi qua.

Bài 2: Muôn kiểu chống bão

https://dulich.petrotimes.vn

Lê Văn Chương

bienphong.com.vn