Chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Cư Jút đang làm ăn ra sao?

10:14 | 09/09/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
6 tháng đầu năm 2024, CTCP Thủy điện Miền Trung (mã: CHP) - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút lãi hơn 71 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Tổng tài sản thu hẹp 7%, xuống còn hơn 2.773 tỷ đồng.

Thủy điện Miền Trung đang kinh doanh ra sao?

Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung (mã: CHP) là chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Cư Jút công suất 52 MWp tại tỉnh Đăk Nông. Dự án được triển khai từ tháng 6/2017, chính thức vận hành thương mại vào tháng 4/2019.

Ngoài ra, CTCP Thủy điện Miền Trung còn là chủ đầu tư của Nhà máy thủy điện A Lưới. Dự án này được khởi công xây dựng vào ngày 30/6/2007 và vận hành phát điện vào ngày 21/5/2012. Công trình này có công suất 170MW, tại Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, với sản lượng điện lượng bình quân 649 triệu kWh/ năm.

Chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Cư Jút đang làm ăn ra sao?
Nhà máy điện mặt trời Cư Jút

Mở rộng trong giai đoạn 3 năm gần nhất (2020-2022), Thủy điện Miền Trung ghi nhận tốc độ tăng trưởng "bất thường" cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Theo đó, năm 2022, Thủy điện Miền Trung ghi nhận doanh thu vượt nghìn tỷ, đạt hơn 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 510 tỷ đồng. Giai đoạn trước đó, doanh thu tại Thủy điện Miền Trung chỉ dao động quanh mức dưới 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mỗi năm không quá 500 tỷ đồng, thậm chí có năm chỉ vài chục tỷ đồng.

Sau năm thắng lớn, đến năm 2023, kết quả kinh doanh tại Thủy điện Miền Trung sụt giảm mạnh khi ghi nhận doanh thu hơn 881 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 337 tỷ đồng.

Phía doanh nghiệp giải trình, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về hồ thủy điện A Lưới thấp nên năm 2023 sản lượng điện thương phẩm của nhà máy thủy điện A Lưới chỉ đạt 85% (tương ứng 723/845 triệu kwh)so với năm 2022, đóng góp doanh thu 703,6 tỷ đồng cho Thủy điện Miền Trung, giảm 24% so với năm 2022.

Còn nhà máy điện mặt trời Cư Jút vận hành ổn định đóng góp sản lượng điện thương phản hơn 77,9 triệu kwh trong năm 2023, mang lại doanh thu hơn 174 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh doanh tại doanh nghiệp này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan khi doanh thu thuần chỉ đạt hơn 287 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ 2023; lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 48% xuống còn hơn 71,3 tỷ đồng.

Theo giải trình, về doanh thu tại Nhà máy A Lưới, do 6 tháng đầu năm 2024, thời tiết nóng nóng kéo dài, lưu lượng nước về hồ thấp, bình quân khoảng 9,44 m³/s, thấp hơn so với lưu lượng trung bình nhiều năm và lưu lượng tính toán kế hoạch (10,84 m³/s). Do đó, tổng sản lượng điện sản xuất đạt 158 triệu kwh, bằng 58% cùng kỳ năm 2003.

Đối với Nhà máy điện mặt trời Cư Jút, trong sáng tháng đầu năm bức xạ cao hơn so với thiết kế, thiết bị nhà máy vận hành ổn định, theo đó sản lượng điện sản xuất 6 tháng đầu năm đạt 47 triệu kwh, bằng 107% cùng kỳ 2023.

Chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Cư Jút đang làm ăn ra sao?

Về tình hình tài chính, theo báo cáo tài chính Soát xét 6 tháng đầu năm 2024, tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản tại Thủy điện Miền Trung thu hẹp 7% so với đầu năm, xuống còn hơn 2.773 tỷ đồng gồm hơn 501 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và hơn 2.272 tỷ đồng là tài sản dài hạn.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả ghi nhận hơn 778 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm; Vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 1.995 tỷ đồng.

Tổng nợ vay tại Thủy điện Miền Trung tính đến 30/6/2024 ghi nhận hơn 700 tỷ đồng, chiếm tới gần 90% tổng nợ phải trả.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính Soát xét 6 tháng đầu năm 2024, ngân hàng BIDV - CN Phú Yên hiện đang là chủ nợ lớn nhất tại Thủy điện Miền Trung với hơn 258,7 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Tiếp đến là TPBank-CN Bến Thành cũng cho vay dài hạn hơn 168,6 tỷ đồng.

Chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Cư Jút đang làm ăn ra sao?
Nguồn: Báo cáo tài chính Soát xét 6 tháng đầu năm 2024 tại Thủy điện Miền Trung.

Mục đích vay tại BIDV nhằm tài trợ các chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến việc thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút. Tài sản đảm bảo là tài sản hình thành sau đầu tư từ vốn tự có và vốn vay của Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút.

Tương tự, mục đích vay tại TPBank nhằm thực hiện tạm ứng, thanh toán các chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến việc đầu tư xây dựng Dự án nhà máy điện mặt trời Cư Jút. Tài sản đảm bảo là tài sản hình thành sau đầu tư từ vốn tự có và vốn vay của Dự án nhà máy điện mặt trời Cư Jút.

Theo tìm hiểu, CTCP Thủy điện miền Trung có địa chỉ tại KCN Đà Nẵng, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Năm 2004, công được thành lập trên cơ sở Hợp đồng liên danh giữa 4 đơn vị: Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện Lực Hà Nội (EVNHaNoi) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nay chuyển giao cho Tổng Công ty phát điện 1 (EVNGENCO1), với tổng vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng.

Đến thời điểm 30/6/2024, công ty này còn ba cổ đông lớn là: Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Trung và Công ty TNHH năng lượng REE (REE Energy) - công ty con của Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) với tỷ lệ sở hữu 100% vốn.

Trong đó, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) nổi danh là “cá mập” chuyên đi săn những doanh nghiệp điện tiềm năng. Đến cuối 2022, tập đoàn đã trở thành ông lớn trong lĩnh vực năng lượng khi đầu tư sở hữu cổ phần danh mục nhà máy điện tổng công suất 2.763 MW, chiếm khoảng 3,3% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện Việt Nam; nếu xét theo tỷ lệ sở hữu thì đạt 1.023 MW.

Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung chỉ là đơn vị liên kết của REE. Tính đến thời điểm 30/6/2024, REE đầu tư vào Thủy điện Miền Trung hơn 702,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 24%. 6 tháng đầu năm 2024,

Lộ nhiều sai phạm tại Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút

Nhà máy điện mặt trời Cư Jút được triển khai trên diện tích trên 62ha, lắp đặt 187.890 tấm pin, điện lượng bình quân năm 94,71 triệu kWh; tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời quy mô lớn đầu tiên được triển khai tại Đắk Nông.

Theo Thủy điện Miền Trung, điện mặt trời Cư Jút đi vào vận hành phát điện, với sản lượng hơn 90 triệu kWh/năm, doanh thu hàng năm gần 200 tỷ đồng, dự kiến trong 9 năm sẽ thu hồi 100% vốn đầu tư.

Tuy nhiên, hồi đầu năm 2024, tại thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm tại Đắk Nông, trong đó có dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời Cư Jút khi vị trí khu đất thực hiện dự án chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Cư Jút và quy hoạch xây dựng nông thôn mới thị trấn Ea Ting, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút là vi phạm điểm c khoản 6 Điều 33 Luật Đầu tư 2014.

Tổ giúp việc không lấy ý kiến tham gia của các sở/ngành có liên quan trong việc thẩm định dự án là vi phạm điểm a, điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.

Đáng chú ý, năng lực tài chính của nhà đầu tư dự án điện mặt trời Cư Jút không được thẩm định, đánh giá theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014; chủ đầu tư chưa thực hiện việc báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hạng mục đường dây 110kV là vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Nông cho chủ đầu tư thuê đất để đầu tư dự án NMĐMT Cư Jút diện tích 59,96ha nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng công trình năng lượng.

Đồng thời, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút đã khởi công xây dựng các dự án trong khi đất xây dựng dự án chưa được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê là vị phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng 2014, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút vận hành thương mại trước khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu công trình hoàn thành là vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 31 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và điểm c khoản 5 Điều 17 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Huy Tùng - Lê Thanh

vietinbank
thaco