Nghị quyết 68-NQ/TW:

Bước đột phá trong cải cách kinh tế tư nhân

07:10 | 14/05/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
“Việc khẳng định nguyên tắc ‘không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự’ trong Nghị quyết 68-NQ/TW là bước tiến quan trọng trong tư duy xây dựng pháp luật. Đồng thời, Nghị quyết này cũng mở ra cơ hội lớn cho vực tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định.

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định rõ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân với tư cách là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” – nhằm thiết lập môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Bước đột phá trong cải cách kinh tế tư nhân
Nghị quyết 68 không chỉ là một điều chỉnh kỹ thuật, mà là bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy lập pháp...

PV: Nghị quyết 68 nhấn mạnh nguyên tắc “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”. Theo ông, nguyên lý này xuất phát từ thực tiễn nào và có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Chủ trương “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” bắt nguồn từ thực tiễn phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình đổi mới. Khi chúng ta chuyển sang mô hình kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt với sự trỗi dậy của kinh tế tư nhân, thì hệ thống pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, còn nhận thức pháp luật trong xã hội và doanh nghiệp vẫn hạn chế. Để bảo đảm tính nghiêm minh, chúng ta từng có xu hướng sử dụng các biện pháp hình sự nhằm tăng tính răn đe, nhưng về bản chất, đây không phải là cách tiếp cận phù hợp trong môi trường kinh tế thị trường.

Việc lạm dụng hình sự hóa trong xử lý các quan hệ dân sự – kinh tế không chỉ khiến doanh nghiệp bất an mà còn làm triệt tiêu tinh thần đổi mới, sáng tạo. Doanh nhân có thể bị xử lý hình sự dù chỉ mắc sai sót kỹ thuật hay do rủi ro kinh doanh, điều vốn phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Điều này tạo ra môi trường đầu tư méo mó, làm chùn bước cả những người dám nghĩ, dám làm.

Trên thực tế, nhiều sai phạm kinh tế có thể và nên được xử lý bằng biện pháp kinh tế như bồi thường, khắc phục hậu quả. Nếu doanh nghiệp có thể bù đắp thiệt hại, thậm chí vượt mức, thì nên coi đó là rủi ro đầu tư, không nên xử lý hình sự. Đó là cách tiếp cận nhân văn, phù hợp thông lệ quốc tế.

Khẳng định lại nguyên tắc này trong Nghị quyết 68 không chỉ là một điều chỉnh kỹ thuật, mà là bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy lập pháp từ “pháp luật kiểm soát” sang “pháp luật kiến tạo”. Đây chính là nền tảng để xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch, khơi dậy khát vọng phát triển của khu vực tư nhân động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế hiện đại.

PV: Thực tế chủ trương “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” đã được đề cập từ lâu nhưng khó đi vào thực tế cuộc sống. Ông có thể nói rõ vì sao lại như vậy? Và theo ông, cần cải cách gì để khắc phục điều này?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Đúng vậy, từ giữa những năm 1990, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhấn mạnh không hình sự hóa quan hệ kinh tế nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, chủ trương này chưa được triển khai hiệu quả vì một số lý do sâu xa.

Trước hết là tư duy pháp lý nặng về hành chính, thiên về kiểm soát, thay vì phục vụ và kiến tạo. Trong cách tiếp cận đó, pháp luật bị vận dụng như công cụ cai trị, dẫn đến tình trạng “hình sự hóa” các rủi ro trong kinh doanh vốn là một phần tất yếu của sáng tạo.

Bước đột phá trong cải cách kinh tế tư nhân
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, chủ trương để khu vực tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia là hoàn toàn đúng đắn. Nhà nước có thể đóng vai trò kiến tạo thị trường thông qua đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu miễn là minh bạch, công bằng.

Thứ hai, hệ thống pháp luật trước đây thiếu tính khoa học, còn chồng chéo, mơ hồ, tồn tại nhiều “vùng xám” dễ bị lợi dụng cho các mục đích ngoài pháp luật như trù dập doanh nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí là tham nhũng...

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi để thay đổi. Một mặt, tư duy pháp lý đã chuyển dần sang “pháp luật phát triển” coi pháp luật là nền tảng thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ doanh nghiệp. Mặt khác, yêu cầu hội nhập, minh bạch, chuẩn hóa đang buộc chúng ta cải cách thể chế mạnh mẽ hơn.

Để chủ trương “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” thực sự đi vào cuộc sống, theo Tôi có ba cải cách cấp thiết cần làm hiện nay: Thứ nhất, đổi mới tư duy lập pháp. Chuyển mạnh từ “quản trị hành chính” sang “pháp trị phát triển”, lấy mục tiêu phát triển làm trung tâm; Thứ hai, là cải cách hệ thống pháp luật, tức cần loại bỏ quy định chồng chéo, tăng tính minh bạch, nhất quán, giảm rủi ro pháp lý; Thứ ba là thiết lập cơ chế giám sát công bằng: Bảo đảm mọi hành vi kinh tế được đánh giá đúng bản chất, không bị quy chụp hay hình sự hóa không cần thiết.

Nếu làm được ba điều đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ có niềm tin để đầu tư, đổi mới và phát triển một cách bền vững.

PV: Nhìn lại các vụ án lớn như SCB, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… nhiều doanh nghiệp lo ngại “sa bẫy pháp lý”. Vậy theo ông làm sao để khơi thông sáng tạo nhưng vẫn kiểm soát rủi ro?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Các vụ việc như SCB, FLC, Vạn Thịnh Phát… phản ánh thực trạng thể chế kinh tế - pháp lý chưa theo kịp sự phát triển nhanh và phức tạp của khu vực tư nhân. Khi đó, thay vì là “bệ đỡ”, pháp luật lại trở thành rào cản, khiến doanh nghiệp e dè, rút lui vào vùng an toàn.

Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh tỉnh để thúc đẩy cải cách. Nhiều hành vi vi phạm hoàn toàn có thể xử lý bằng biện pháp kinh tế - hành chính, thay vì hình sự hóa ngay từ đầu. Doanh nghiệp nếu có thể bồi thường, khắc phục hậu quả thì nên được tạo điều kiện phục hồi.

Pháp luật hiện hành, theo tôi, đang giống một chiếc áo quá chật so với cơ thể kinh tế đang phát triển. Nếu không “nới áo”, tức cải cách thể chế, thì xung đột là tất yếu.

Muốn doanh nghiệp yên tâm sáng tạo, Nhà nước cần chuyển từ tư duy “giám sát – trừng phạt” sang “đồng hành – kiến tạo”. Quan trọng hơn, pháp luật phải bảo đảm công bằng, minh bạch, nhất quán để doanh nhân không còn sống trong nỗi sợ thường trực.

PV: Để hình thành các doanh nghiệp tư nhân lớn, Nghị quyết yêu cầu mở rộng sự tham gia của khu vực này vào các dự án trọng điểm. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Nếu muốn có doanh nghiệp tư nhân lớn thì phải giao cho họ những “đơn hàng lớn”. Không thể kỳ vọng có “tập đoàn tầm cỡ” nếu chỉ giao các dự án nhỏ, rủi ro cao, lợi nhuận thấp.

Chủ trương để khu vực tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia là hoàn toàn đúng đắn. Nhà nước có thể đóng vai trò kiến tạo thị trường thông qua đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu miễn là minh bạch, công bằng.

Doanh nghiệp tư nhân chỉ lớn khi được “chơi sân lớn”. Đó là cách để họ tích lũy năng lực, kinh nghiệm, mở rộng chuỗi giá trị và vươn ra khu vực, quốc tế. Nếu tổng cầu của Nhà nước nhỏ giọt, thì khu vực tư nhân cũng chỉ phát triển nhỏ giọt.

Vì vậy, bên cạnh cải cách thể chế, cần thiết kế các chính sách kinh tế thị trường, tạo ra “làn sóng đơn hàng lớn” đây sẽ là cú hích quan trọng để hiện thực hóa khát vọng xây dựng các tập đoàn tư nhân Việt Nam tầm vóc khu vực và toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Đình Khương