Bến Tre: Nhân rộng phát triển ngành tôm theo mô hình công nghệ cao

10:12 | 10/07/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Những năm gần đây, nhiều mô hình nuôi tôm được xem là “điểm sáng” trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Bến Tre. Trong đó, có nuôi tôm thẻ chân trắng (tôm biển) theo hướng hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây được xem là một trong những giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với chủ trương phát triển Bến Tre về hướng Đông.
Bến Tre: Ban Chỉ đạo tổ chức các hoạt động và lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu họp thông qua khen thưởngBến Tre: Ban Chỉ đạo tổ chức các hoạt động và lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu họp thông qua khen thưởng
Bến Tre kiến nghị giải cứu trái dừa khôBến Tre kiến nghị giải cứu trái dừa khô

Được biết, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình nuôi tôm CNC, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Có thể kể đến như mô hình nuôi tôm CNC kết hợp sản xuất điện mặt trời, mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh và bán thâm canh toàn đực, mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng CNC...

Bến Tre: Nhân rộng phát triển ngành tôm theo mô hình công nghệ cao
Bến Tre: Nhân rộng phát triển ngành tôm theo mô hình công nghệ cao/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Điển hình như mô hình nuôi tôm chân trắng theo hướng CNC tại 3 huyện biển, dưới sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Mô hình này đã xây dựng nhiều điểm trình diễn trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú được phát triển từ năm 2016, với diện tích ban đầu 250ha. Đến năm 2020, diện tích nuôi CNC tăng lên 1.680ha. Năng suất bình quân từ 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ tư vấn nông nghiệp tỉnh Châu Hữu Trị, trong giai đoạn 2016 - 2021, trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và hội thảo về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, xây dựng các mô hình trình diễn cho nông dân. Các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao đã được triển khai và khuyến khích nhân rộng ở các huyện như: Mô hình nuôi tôm càng xanh đơn tính tại 2 xã Lương Phú và Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm năm 2016. Mô hình cánh đồng nuôi tôm an toàn dịch bệnh, với diện tích 65ha, tại xã An Đức, huyện Ba Tri năm 2016. Mô hình chuỗi giá trị tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh trên địa bàn xã Hưng Lễ và Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm năm 2017. Mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh và bán thâm canh với tôm toàn đực. Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, tại huyện Thạnh Phú...

Theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025; xác định phát triển 4 ngàn héc-ta nuôi tôm biển CNC là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Đến nay, 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đã phát triển cơ bản đạt 2 ngàn ha. Nhiều hộ nuôi thành công trước đó mạnh dạn phát triển diện tích nuôi đến hàng chục ha. Điển hình như mô hình của bà Phan Thị Mỹ Linh, ông Đặng Văn Bảy, ông Lê Văn Sấm (huyện Thạnh Phú)...

Nhằm giúp lan tỏa mô hình nuôi tôm thẻ CNC trên địa bàn huyện Thạnh Phú nói riêng và 3 huyện biển nói chung “Vua tôm” Đặng Văn Bảy, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú đã chia sẻ rằng ông là người tiên phong trong việc thích nghi và thay đổi mô hình nuôi trồng tôm từ trước năm 2000 đến nay ông đã chuyển đổi sang nuôi ao trải bạt và nuôi 3 - 4 giai đoạn, với tỷ lệ thành công trên 92%, mô hình đem lại cho người nuôi đạt lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với mô hình truyền thống.

“Khoảng 2 - 3 năm nay, người dân đẩy mạnh nuôi CNC rất nhanh. Đối với 1ha nuôi bình thường, người nuôi làm được 2 ao, với 3 ngàn m2/ao, thu hoạch trung bình 6 - 8 tấn tôm/năm. So với nuôi CNC, với 1ha đất, người nuôi đầu tư 2 ao, 1 ngàn m2/ao, thu hoạch 5 - 7 tấn/ao/vụ nuôi. Mỗi năm có thể nuôi 2 - 3 vụ. Như vậy, so với nuôi truyền thống cao gấp 5 - 6 lần...”, ông Đặng Văn Bảy cho hay.

Theo chia sẻ của ông Đặng Duy Vinh - Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần CP Việt Nam, lợi thế của nuôi tôm CNC là có tính an toàn, ít rủi ro, bền vững rất cao. Đặc biệt, nuôi CNC theo hướng an toàn sinh học. Hiện Bến Tre có nhiều hộ nuôi tôm đạt size từ 15 - 25 con/kg. Với tôm 15 con/kg, giá ổn định trên 310 ngàn đồng/kg. Tỷ lệ lợi nhuận càng nuôi về size lớn thì đạt 100 - 140% so với bình thường. Với chi phí đầu tư nuôi CNC, người nuôi có khả năng hoàn vốn sau 1 năm hoặc 1 năm rưỡi.

So với nuôi tôm truyền thống, ao đất, size tôm đạt dưới 40 con/kg và trở về nhỏ hơn, biên độ lợi nhuận người nuôi rất nhỏ, thậm chí không có lời khi thị trường có biến động giá giảm. Đó là chưa kể trường hợp người nuôi gặp rủi ro về dịch bệnh.

Dự định đến năm 2030 tỉnh Bến Tre tích cực bám sát kế hoạch số 2203 của UBND tỉnh về việc xây dựng vùng nuôi tôm tập trung, gắn với giá trị giai đoạn 2021 - 2025, đã đề ra các mục tiêu cụ thể như: Xây dựng 4 ngàn héc-ta vùng nuôi tôm ứng dụng CNC tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, phát triển ít nhất 3 hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng CNC tham gia vào chuỗi tôm biển.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho hay, đến năm 2025, sản phẩm nuôi tôm biển ứng dụng CNC được sản xuất dưới hình thức hợp tác xã, chiếm tỷ lệ liên kết đạt trên 60%, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, ASC, GlobalGAP...) chiếm tỷ lệ trên 70%, thực hiện đăng ký nuôi để cấp mã nhận diện đạt tỷ lệ 100%. Để đạt được những mục tiêu này, việc ứng dụng khoa học công nghệ đóng một vai trò quan trọng.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm 36 ngàn héc-ta, sản lượng đạt 306.600 tấn, trong đó tôm CNC là 5 ngàn ha, sản lượng 216.000 tấn. Diện tích nuôi tôm tập trung (thâm canh, siêu thâm canh) đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ hoặc các chứng nhận tương (GlobalGAP, ASC, BAP…) đạt khoảng 100%.

Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các vùng nuôi tôm công nghệ cao. Đến năm 2030, hình thành 5 vùng nuôi tôm CNC do doanh nghiệp đầu tư như: vùng nuôi tôm CNC Thạnh Phước, Đại Hòa Lộc (huyện Bình Đại) 1,9 ngàn héc-ta; vùng nuôi tôm CNC Bình Thắng (Bình Đại) 300ha; vùng nuôi tôm CNC Bảo Thuận (Ba Tri) 300ha; vùng nuôi tôm CNC Giao Thạnh, Thạnh Phong (Thạnh Phú) 430ha; vùng nuôi tôm CNC Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú) 420ha.

Bên cạnh đó, tỉnh còn quy hoạch chế biến tôm, nhằm nâng cao giá trị con tôm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tôm tại Khu công nghiệp Phú Thuận. Sản lượng tôm chế biến các loại đến năm 2025 đạt trên 100 ngàn tấn cho giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD. Năm 2030 đạt trên 150 ngàn tấn cho giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thùy Dung (T/h)