Giải bài toán chiến lược nuôi cá biển bằng công nghệ cao

Bài 2: Nông dân “chơi lớn” trên vùng biển khơi

09:20 | 08/02/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Giữa vùng biển Tây Nam rộng lớn, có một nông dân đã thế chấp ngân hàng toàn bộ tài sản của mình để vay nhiều tỷ đồng đầu tư nuôi cá biển theo quy mô công nghiệp. Đây là mô hình do người dân trong nước tự bỏ tiền ra làm lớn nhất Việt Nam. Ông đã rút ra được nhiều bài học thất bại từ thực tiễn, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi trồng, hình thành chuỗi khép kín, từ nuôi trồng đến xuất khẩu.
Giải bài toán chiến lược nuôi cá biển bằng công nghệ caoGiải bài toán chiến lược nuôi cá biển bằng công nghệ cao

Đó là câu chuyện của ông Thái Bảo Trấn, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú, đang nuôi cá biển quy mô công nghiệp tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. “Tôi mới nhập 8 lồng nuôi cá từ Na Uy, trị giá mỗi lồng gần 1 tỷ đồng, chưa tính tiền neo cố định giữ lồng. Nâng tổng số 12 lồng nuôi cá quy mô công nghiệp, sản lượng đạt 200 tấn/năm. Mấy năm nay, tôi phải mua cá giống ở ngoài Nha Trang (Khánh Hòa) chở vào Phú Quốc nuôi cá thịt. Làm kiểu này quá cực, tăng chi phí sản xuất, khó kiểm soát chất lượng con giống. Công ty đang đầu tư làm cơ sở sản xuất giống cá biển tại Phú Quốc, trước mắt cho đẻ giống cá chim để phục vụ nuôi tại cơ sở của mình” - ông Trấn chia sẻ.

Bài 2: Nông dân “chơi lớn” trên vùng biển khơi
Ông Thái Bảo Trấn (ngoài cùng bên trái) và chuyên gia nuôi cá người Na Uy (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Hải Luận, https://dulich.petrotimes.vn

Xuất ngoại học nghề nuôi biển

Ông Thái Bảo Trấn, quê ở tỉnh An Giang là một nông dân nuôi cá tra chính hiệu ở vùng miền Tây, sản lượng hàng trăm tấn/năm. Ông đã 3 lần sang Na Uy tham quan “cái nôi” nuôi cá biển công nghệ cao đứng đầu thế giới, để mở tầm nhìn lớn, tìm hiểu công nghệ, mô hình nuôi, thị trường tiêu thụ cá biển. “Mình có đủ căn cứ mới dám đầu tư tiền tỷ mua công nghệ nuôi biển tốt nhất. Năm 2022, tôi nhập tiếp 10 lồng nuôi cá và đã ký hợp đồng với phía Na Uy chuyển giao quy trình sản xuất giống cá biển có giá trị kinh tế cao nuôi tại Phú Quốc, đang giữ “bí mật”, nuôi ngon lành sẽ báo cho anh hay” - ông Trấn hào hứng kể.

Câu chuyện anh nông dân đang nuôi cá nước ngọt ở ao (đìa) đất, nhảy ra “chơi lớn” vùng biển khơi và “tiến thẳng” lên hiện đại, công nghiệp, được xếp vào diện “độc đáo”. Ông Trấn thấy tình cảnh nuôi cá tra không có lãi, lên mạng “lang thang” tìm kiếm mô hình mới, tình cờ gặp mô hình trình diễn nuôi cá biển theo quy mô công nghiệp của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đồng ý chuyển giao công nghệ nuôi cá biển cho ông Trấn.

“Từ mô hình nuôi cá lồng lớn ở vịnh Vân Phong, Viện đã chuyển giao công nghệ cho anh Trấn nuôi tại đảo Phú Quốc. Giai đoạn đầu, Viện cử chuyên gia vào hướng dẫn cách làm lồng, lưới nuôi, cung cấp nguồn cá giống, kỹ thuật nuôi. Mới khởi sự, anh Trấn làm 4 cái lồng lớn và 1 cụm bè nuôi cá nhỏ” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I nhớ lại ngày đầu hợp tác.

Năm 2017, ông Trấn đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua lồng, tàu và thả trên 160.000 con cá chim giống. 2 năm đầu, ông Trấn bị thua lỗ khá nhiều. “Tôi bị thua lỗ, do thiếu kinh nghiệm nuôi cá ở vùng biển khơi quy mô công nghiệp. Hai khoản “học phí” phải trả khá đắt: Thứ nhất, toàn tuyển dân làm ruộng tại tỉnh An Giang, đưa ra vùng biển nước sâu Phú Quốc nuôi cá công nghiệp. Mấy ông đâu có giỏi lặn, lưới rách cũng không biết, cá chạy thoát ra ngoài nhiều cũng không thấy. Thứ hai, do ban đầu không cập nhật thông tin, mà chỉ nghe và tin theo nhân viên nói: “Loại cá chim có trọng lượng 1kg/con sẽ xếp vào loại 1, bán giá cao”. Ai ngờ nuôi cá đạt 1kg, bán ít người mua, có mua thì giá rẻ. Cá loại 1 là kích cỡ trên dưới 8 lạng/con, dân mới mua nhiều. Hiện nay, tôi tuyển lao động 100% người dân sống tại đảo Phú Quốc, họ giỏi lặn biển, chịu được sóng gió” - ông Trấn nhớ đời bài học thất bại.

Mong ngân hàng sớm vào cuộc

Đến tháng 11-2021, ông Thái Bảo Trấn đã đầu tư vào nuôi biển trên 10 tỷ đồng vốn cố định, còn vốn lưu động từ 20-25 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 30%. Sang năm 2022, ông tiếp tục rót vào gần 10 tỷ đồng mua thêm lồng của Na Uy. Toàn bộ tài sản của ông Trấn ở quê nhà An Giang đã thế chấp ngân hàng để vay thương mại, bán bớt mấy ao nuôi cá tra lấy tiền đầu tư nuôi cá biển quy mô công nghiệp. Thế nhưng ông chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào từ Nhà nước đối với loại hình nuôi mới này.

Bài 2: Nông dân “chơi lớn” trên vùng biển khơi
Cơ sở nuôi cá theo quy mô công nghiệp của ông Trấn tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Hải Luận, https://dulich.petrotimes.vn

“Toàn bộ số lồng, lưới, tàu trị giá nhiều tỷ đồng, phía ngân hàng không chấp nhận dùng tài sản đó để làm thế chấp đảm bảo khi vay vốn. Họ e ngại công nghệ này quá đặc thù, quá mới. Nếu gặp sự cố gì không sử dụng được sẽ trở thành đồ phế thải” - ông Trấn dẫn chi tiết khá éo le.

- Vì sao ống dẫn nước sản xuất trong nước nhiều, anh không chọn làm lồng, mà phải ký hợp đồng mua công nghệ nuôi của Na Uy giá đắt đỏ, tăng nguồn vốn đầu tư? - tôi hỏi.

- Lịch sử nuôi cá biển quy mô công nghiệp của Na Uy đã phát triển mấy chục năm rồi, họ sản xuất vật liệu chuyên nuôi biển. Sức hấp dẫn ở đây, các lồng nuôi được công ty Na Uy mua bảo hiểm thời hạn 20 năm, trong điều kiện gió đến cấp 10, bị hư hại gì, họ sẽ đền cho mình. Nếu sử dụng ống nước do Việt Nam sản xuất vào làm lồng nuôi cá biển dễ bị gãy, không chịu được sóng to, gió lớn.

- Sản lượng cá thịt đạt 200 tấn/năm, anh tiêu thụ như thế nào cho hết?

- Chủ yếu bán ở thị trường Trung Quốc, Mỹ, gia đình tôi mở chi nhánh phát triển thị trường ở Mỹ, có cơ sở sơ chế tại Việt Nam.

- Từ thực tiễn, bài học kinh nghiệm của bản thân, anh có đề xuất gì cho chiến lược nuôi biển ở vùng biển khơi?

- Các địa phương nên lấy bài học nuôi con cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long để rút kinh nghiệm, lập quy hoạch không theo kịp với tốc độ phát triển của người nuôi cá. Bây giờ đụng đến đâu cũng bị ô nhiễm nguồn nước, dễ sinh ra dịch bệnh trên diện rộng, cá nuôi chậm phát triển, chi phí lên cao.

Chính phủ đã có chiến lược nuôi cá biển vùng xa bờ, ngay từ bây giờ phải lập quy hoạch vùng nuôi rõ ràng, quy định mỗi hộ nuôi phải cách nhau từ 500-1.000m. Hiện giờ ở vùng Bắc đảo Phú Quốc chỉ có một mình tôi nuôi cá quy mô lớn, nước biển sạch, cá phát triển nhanh. Thời gian tới, mô hình này sẽ tăng lên hàng chục, hàng trăm hộ nuôi, nếu không có quy hoạch sẽ “vỡ trận”, nghề nuôi biển không thể phát huy hiệu quả.

“Tôi mong rằng, Nhà nước ban hành những quy định nuôi cá, chế biến, xuất khẩu và các dịch vụ logistics nghề nuôi biển đúng chuẩn quốc tế, tạo ra tính thống nhất, buộc người nuôi và người bán phải thực hiện nghiêm ngặt. Đây mới gọi là cùng “nắm tay” nhau phát triển bền vững” - ông Thái Bảo Trấn kiến nghị.

https://dulich.petrotimes.vn

bienphong.com.vn