6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng nào sụt giảm mạnh nhất?

11:05 | 31/08/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tình hình nợ xấu ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm so với đầu năm.
Dư nợ cho vay bất động sản tại các ngân hàng thực tế ra sao?Dư nợ cho vay bất động sản tại các ngân hàng thực tế ra sao?
Tỷ lệ nợ xấu nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 3%Tỷ lệ nợ xấu nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 3%

Rủi ro nợ xấu là một trong những thách thức lớn với ngành ngân hàng trong năm 2023, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến khả năng chống chịu của các doanh nghiệp giảm sút, cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Trên thực tế, số dư nợ xấu của nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Do đó, ngân hàng cũng đồng thời nâng bộ đệm dự phòng rủi ro.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được xem là thước đo khả năng phòng thủ của ngân hàng trước rủi ro từ nợ xấu. Với khoản dự phòng được trích lập, khi xảy ra rủi ro nợ xấu, ngân hàng có thể dùng để bù đắp, nhờ đó giúp hoạt động kinh doanh vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên, không phải lúc nào số dư dự phòng nợ xấu cũng theo kịp tốc độ tăng của nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (tính bằng Số dư dự phòng nợ xấu/Tổng dư nợ xấu) tại phần lớn ngân hàng lại sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm.

Trong tổng số 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, chỉ có vài ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu đi lên so với đầu năm.

6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng nào sụt giảm mạnh nhất?

Đơn cử tại "ông lớn" Vietcombank, ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 385,7% vào cuối quý II/2023, tăng 68,9 điểm% so với đầu năm. Vietcombank là băng ghi nhận tỷ lệ bao phủ tăng mạnh nhất, bất chấp việc số dư nợ xấu đi lên hơn 25%.

Tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng được ghi nhận tại một số ngân hàng khác. Cụ thể, tại ngân hàng SHB, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng nhẹ từ 65% hồi đầu năm lên 68,9%, tương đương tăng 4 điểm%. Tại BaoVietBank cũng tăng nhẹ 2,4 điểm% từ 29% lên 31,6%.

Thực tế, phần lớn ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm so với đầu năm. Trong đó, MBBank ghi nhận sụt giảm mạnh nhất từ 238% hồi đầu năm xuống còn 156% tính đến cuối quý II/2023, tương đương giảm đến 82 điểm%. Nợ xấu tại MBBank tăng 49% so với đầu năm, ghi nhận 7.480 tỷ đồng trong khi đó, cho vay khách hàng đạt 11.676 tỷ đồng, giảm nhẹ 3%.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại TPBank cũng ghi nhận giảm 74 điểm%, từ 135% xuống còn 61%. Tính đến cuối quý II/2023, nợ xấu tại TPBank tăng tới 188% so với đầu năm, ghi nhận 3.913 tỷ đồng.

Tương tự tại LPBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 142% xuống còn 78,4%, giảm tới 64 điểm%. Nợ xấu tại LPBank cũng đã tăng 65% so với đầu năm, ghi nhận 5.656 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn nhiều ngân hàng khác ghi nhận tỷ lệ phòng thủ giảm so với đầu năm, thậm chí dưới mức 100% như MSB còn 63,7%; Bản Việt ở mức 49%; OCB còn 47,4%; Eximbank đạt 43,5%; VIB giảm còn 39%; Nam A Bank còn 37,8%; ABBank chỉ ở mức 33,5%...

Trong nửa đầu năm 2023, tình hình nợ xấu ngân hàng trở nên trầm trọng hơn khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tín dụng chững lại, khả năng quay vòng vốn của doanh nghiệp chậm trễ cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng trả lãi vay và chuyển nhóm nợ tại ngân hàng.

Dù hiện tại nợ xấu đang được hỗ trợ bởi chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế, các số liệu vẫn cho thấy nợ xấu đang tăng trưởng vượt ngưỡng. Cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể, với thời hạn 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại.

Do vậy, khi thời hạn Thông tư hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng chắc chắc sẽ còn tăng cao.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương