Tỷ lệ nợ xấu nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 3%

09:06 | 11/08/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của các ngân hàng tính đến cuối quý II/2023 tiếp tục tăng so với đầu năm, nhiều ngân hàng vượt ngưỡng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tổng nợ xấu nội bảng của 29 ngân hàng tăng 33% so với đầu nămTổng nợ xấu nội bảng của 29 ngân hàng tăng 33% so với đầu năm
6 tháng đầu năm, Agribank lãi trước thuế trên 13 nghìn tỷ6 tháng đầu năm, Agribank lãi trước thuế trên 13 nghìn tỷ

Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay nhiều ngân hàng vượt ngưỡng

Theo số liệu từ Hiệp hội ngân hàng (VNBA), đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định nợ xấu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực gia tăng trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng.

Tỷ lệ nợ xấu nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 3%

Theo thống kê, tính đến cuối quý II/2023, có tới 7/29 ngân hàng đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay vượt ngưỡng 3%, thậm chí có ngân hàng chạm mức 25%. Trong khi hồi đầu năm chỉ có 4/29 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.

Theo đó, ba ngân hàng vừa lọt vào danh sách có tỷ lệ nợ xấu vượt 3% gồm Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank); Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã:ABB).

Tại BVBank, nợ xấu tính đến cuối quý II/2023 ghi nhận hơn 1.710 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ sụt giảm 24% nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng tới 42% so với đầu năm, lên hơn 1.227 tỷ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn tăng 15% ghi nhận gần 172 tỷ đồng. Do đó kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 2,79% hồi đầu năm lên 3,17%.

Nợ khó đòi đã xử lý tại BVBank tính đến cuối quý II là 2.127 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm.

Tại ngân hàng OCB, nợ xấu ghi nhận hơn 4.601 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Trong cơ cấu các nhóm nợ xấu, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất 104% so với đầu năm, lên mức 1.276 tỷ đồng; tiếp đến là nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 95% ghi nhận hơn 1.309 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ 7% lên hơn 1.475 tỷ đồng. Do đó kéo tỷ lệ nợ xấu tại OCB lên mức 3,18% trong khi đầu năm chỉ ghi nhận 2,23%.

Đáng chú ý tại ABBank, tính đến 30/6/2023, tổng nợ xấu tăng 61,5% so với cuối năm trước lên 3.820 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 156% so với đầu năm, lên mức 1.385 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng tới 212%, lên mức 1.311 tỷ đồng. Riêng chỉ có nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 20% so với đầu năm, ghi nhận 1.123 tỷ đồng. Do đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,88% hồi đầu năm lên 4,55%.

Tuy vậy, trong thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của ABBank có ghi chú rằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank tại ngày 30/6/2023 ở mức 2,86%, theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 11.

Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hết hiệu lực từ 30/06/2022 tiếp tục khiến các ngân hàng đối mặt với khả năng nợ xấu tăng cao, nhất là trong điều kiện tín dụng tăng trưởng thấp của quý đầu năm 2023.

Trước tình hình đó, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ ban hành, cho phép các khoản nợ đến hạn, các khoản trả lãi đến hạn của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn chưa có điều kiện trả nợ ngân hàng được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không bị chuyển nhóm nợ. Các tổ chức tín dụng xem xét trên thực tế khách hàng và năng lực tài chính của mình để cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ từ ngày 24/04/2023 đến hết 30/06/2024.

Nợ nhóm 2 tăng mạnh

Tính đến cuối quý II/2023, Bac A Bank tiếp tục là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống ở mức 0,71%, tăng khoảng 16 bps (điểm cơ bản) so với cuối năm trước. Vietcombank cũng duy trì vị trí thứ hai với tỷ lệ nợ xấu đạt 0,83% (có cải thiện so với thời điểm cuối quý 1).

Bên cạnh nợ xấu tăng thì nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tại các ngân hàng trên đều có xu hướng tăng.

Tại ABBank, tính đến cuối quý 2/2023, nợ cần chú ý tăng tới 85% so với đầu năm, từ 1.659 tỷ đồng lên mức gần 3.071 tỷ đồng; tại ngân hàng OCB tăng 25% từ 3.034 tỷ đồng lên 3.807 tỷ đồng; tại BVBank tăng 45% từ hơn 1.266 tỷ đồng lên 1.782 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 3%

Nợ cần chú ý dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn tăng cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.

Trước đó, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận: “6 tháng đầu năm 2023, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao, nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống”.

Theo khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các Tổ chức tín dụng đánh giá rằng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý II/2023 nhưng được kỳ vọng giảm trong quý III/2023.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lê Thanh - Huy Tùng