6 tháng đầu năm 2023, ABBank kinh doanh ra sao?

13:45 | 25/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã:ABB) đã tăng dự phòng rủi ro tín dụng lên gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nợ xấu và nợ cần chú ý có xu hướng ngày càng tăng cao.
Sở Tài chính Khánh Hòa: ABBank Khánh Hòa nhận thế chấp tài sản Công viên Phù Đổng là saiSở Tài chính Khánh Hòa: ABBank Khánh Hòa nhận thế chấp tài sản Công viên Phù Đổng là sai
Quý 1/2023, tỷ lệ nợ xấu của ABBANK là 2,81%Quý 1/2023, tỷ lệ nợ xấu của ABBANK là 2,81%

Lãi tiền gửi tại ABBank tăng nhanh

Sau cuộc đua tăng mạnh lãi suất huy động cuối năm ngoái, ABBank và các ngân hàng khác đang phải "gồng mình" trả lãi tiền gửi.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 cho thấy, chi phí trả lãi tiền gửi tại ABBank trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng tới 109% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 3.273 tỷ đồng, chiếm tới 90% tổng chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự.

Không chỉ chi phí cho lãi tiền gửi tăng lên, nhiều loại chi phí khác cũng tăng. Cụ thể, chi phí trả lãi tiền vay cũng tăng tới 136% so với cùng kỳ, lên mức hơn 100 tỷ đồng và chi phí trả lãi phát hành giấy tờ có giá cũng tăng 23%, ghi nhận gần 257 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2023, ABBank kinh doanh ra sao?
Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2023 tại ABBank/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Từ đó thu nhập lãi thuần trong quý II/2023 của ngân hàng giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 776 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần giảm 13% còn hơn 1.566 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập lãi thuần là khoản thu đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của ngân hàng.

Trong quý II/2023, hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về cho ngân hàng 237 tỷ đồng, giảm một nửa so với quý II/2022. Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng gần 80% lên 155 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh cũng ghi nhận có lãi trong khi khi cùng kỳ lỗ lần lượt 7 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

Cộng với việc tăng chi phí dự phòng rủi ro gấp 4 lần so với cùng kỳ (từ 174 tỷ đồng lên gần 698 tỷ đồng) khiến lợi nhuận sau thuế tại ABBank trong quý II/2023 giảm tới 94% so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn 52 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, ABBank trích gần 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, cao gấp 3,7 lần cùng kỳ. Ngân hàng lý giải việc tăng nợ xấu dẫn tới phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh quý II, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 678 tỷ đồng và lãi sau thuế ghi nhận 541 tỷ đồng, cùng giảm 59% so với cùng kỳ.

Như vậy, so với kế hoạch 2.826 tỷ đồng lãi trước thuế được đặt cho cả năm, ABBank thực hiện được 24% sau nửa đầu năm.

6 tháng đầu năm 2023, ABBank kinh doanh ra sao?

Mạnh tay trích dự phòng

Tính đến 30/6/2023, tổng nợ xấu của ABBank (nhóm 3 đến nhóm 5) tăng 61,5% so với cuối năm trước lên 3.820 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 156% so với đầu năm, lên mức 1.385 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng tới 212%, lên mức 1.311 tỷ đồng. Riêng chỉ có nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 20% so với đầu năm, ghi nhận 1.123 tỷ đồng. Do đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,88% cuối năm 2022 lên 4,55%.

Tuy vậy, trong thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của ABBank có ghi chú rằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank tại ngày 30/6/2023 ở mức 2,86%, theo hướng dẫn của NHNN tại Thông tư 11.

Đáng nói, bên cạnh nợ xấu tăng thì nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tại ABBank tăng tới 85% so với đầu năm, từ 1.659 tỷ đồng lên mức gần 3.071 tỷ đồng.

Nợ nhóm 2 dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.

6 tháng đầu năm 2023, ABBank kinh doanh ra sao?

Trong bối cảnh nợ xấu và nợ cần chú ý tăng mạnh buộc ABBank phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng như tấm đệm chống đỡ. Như đã trình bày phía trên, trong 6 tháng đầu năm, ABBank cũng đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước (216 tỷ đồng).

Trước đó, Phó thống đốc Đào Minh Tú cảnh báo, 6 tháng đầu năm, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. “Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống", Phó thống đốc nhấn mạnh.

Chưa kể, lãi dự thu (các khoản lãi và phí phải thu) tại ABBank tính đến 30/6/2023 tăng nhẹ 14% so với đầu năm, ghi nhận hơn 1.197 tỷ đồng. Có thể thấy, chất lượng tín dụng của ABBank đang bắt đầu đi xuống khi lãi dự thu và nợ xấu đồng loạt tăng.

Mặc dù kết quả lợi nhuận không đạt như kỳ vọng nhưng tổng tài sản của ngân hàng tính đến 30/6/2023 ghi nhận tăng trưởng hơn 18% đạt 154.447 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng khiêm tốn 2,5% đạt 84.020 tỷ đồng.

Số dư tiền gửi của khách hàng tăng 4% đạt 87.482 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết mức tăng trưởng đến chủ yếu từ phân khúc khách hàng cá nhân (KHCN), giúp tỷ trọng huy động bán lẻ tăng từ 60% lên 70%. Số lượng KHCN cũng được mở rộng đáng kể, tăng 56% so với cùng kỳ 2022.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương - Huy Tùng