Điểm tin ngân hàng ngày 3/5: Nhiều ngân hàng chốt thời hạn ngừng giao dịch thẻ từ ATM
Nhiều ngân hàng chốt thời hạn ngừng giao dịch thẻ từ ATM
Hàng loạt ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank... đã đồng loạt công bố thời điểm ngừng hỗ trợ giao dịch thẻ từ ATM, thực hiện theo lộ trình chuyển đổi sang thẻ chip nội địa của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng cường bảo mật và an toàn giao dịch.
![]() |
Ảnh minh họa |
Vietcombank thông báo từ ngày 1/7/2025 sẽ tạm ngừng tất cả giao dịch qua dải từ trên thẻ ghi nợ nội địa do ngân hàng phát hành. Khách hàng được khuyến khích đến các điểm giao dịch hoặc sử dụng VCB Digibank để đổi sang thẻ chip hoàn toàn miễn phí.
BIDV cũng sẽ ngừng hỗ trợ giao dịch thẻ từ từ ngày 30/6, với hình thức chuyển đổi miễn phí qua ứng dụng SmartBanking hoặc trực tiếp tại chi nhánh. Trong khi đó, Agribank thông báo từ ngày 1/7 sẽ ngừng xử lý giao dịch dải từ cả trên thẻ nội địa do ngân hàng phát hành lẫn các thẻ từ của ngân hàng khác.
Nhiều ngân hàng thương mại khác đang gấp rút thông báo đến khách hàng để chuyển đổi thẻ, tránh gián đoạn giao dịch qua ATM, POS hay ngân hàng điện tử. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ hệ thống ngân hàng phải hoàn tất việc loại bỏ thẻ từ và thay thế bằng thẻ chip trong năm 2025.
Việc chuyển đổi này nhằm nâng cao khả năng bảo mật, giảm nguy cơ gian lận và bảo vệ dữ liệu khách hàng tốt hơn trong bối cảnh các hình thức lừa đảo công nghệ ngày càng tinh vi.
Samland tiếp tục thua lỗ trong quý I/2025, cách xa mục tiêu lợi nhuận cả năm
Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom (Samland - mã chứng khoán SLD) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi tiếp tục ghi nhận lỗ hơn 4,79 tỷ đồng, trong bối cảnh không phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, trong quý đầu năm, Samland không ghi nhận doanh thu, trong khi cùng kỳ năm trước đạt gần 3,88 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lỗ 4,79 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 tỷ đồng so với mức lỗ 3,27 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024. Việc không có doanh thu khiến doanh nghiệp cũng không ghi nhận lợi nhuận gộp, trong khi quý I năm trước đạt hơn 1,24 tỷ đồng.
Dù doanh thu tài chính tăng nhẹ lên gần 269 triệu đồng, chi phí tài chính và chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 3,8% lên hơn 2,34 tỷ đồng, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 0,7% lên 2,2 tỷ đồng.
Với kết quả thua lỗ này, Samland đang đứng trước nhiều thách thức trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2025. Theo kế hoạch đã đề ra, công ty đặt mục tiêu doanh thu 18.548 triệu đồng (tăng 6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 825 triệu đồng (giảm 41%). Tuy nhiên, kết quả quý I cho thấy doanh nghiệp còn cách rất xa mục tiêu có lãi.
Tính đến ngày 31/3/2025, lỗ lũy kế của Samland đã nâng lên 51,44 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% vốn điều lệ. Tổng tài sản của công ty đạt 837,17 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tài sản dở dang dài hạn chiếm phần lớn với 695,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hai dự án trọng điểm là khu dân cư Nhơn Trạch (559,7 tỷ đồng) và chung cư Samland Riverside (135,92 tỷ đồng).
Được biết, cả hai dự án trên đã được Samland nhiều lần nhấn mạnh sẽ đẩy nhanh tiến độ pháp lý, song vẫn chậm triển khai qua nhiều kỳ kế hoạch.
Loạt ngân hàng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP trong năm 2025
Trong năm 2025, hàng loạt ngân hàng như Techcombank, VIB, Nam A Bank, OCB và SeABank đã và đang triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP nhằm tăng vốn điều lệ và giữ chân nhân sự chủ chốt.
![]() |
Loạt ngân hàng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP trong năm 2025 |
Techcombank dự kiến phát hành gần 21,4 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 214 tỷ đồng để bổ sung vốn hoạt động. VIB cũng lên kế hoạch phát hành 7,8 triệu cổ phiếu ESOP, đồng thời chia cổ tức tiền mặt 7% và phát hành cổ phiếu thưởng 14%, nâng vốn điều lệ lên hơn 34.000 tỷ đồng.
Nam A Bank đặt mục tiêu tăng vốn thêm hơn 4.200 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 343 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và 85 triệu cổ phiếu ESOP. Trong khi đó, OCB dự kiến phát hành gần 197,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn 26.600 tỷ đồng.
SeABank đã hoàn tất phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP trong năm 2024, và sẽ chuyển giao trong năm 2025, giúp tăng vốn điều lệ lên 28.450 tỷ đồng. Nhiều lãnh đạo cấp cao ngân hàng này như bà Nguyễn Thị Nga và bà Khúc Thị Quỳnh Lâm đã mua vào số lượng lớn cổ phiếu trong đợt phát hành.
Việc phát hành cổ phiếu ESOP đang trở thành xu hướng phổ biến trong hệ thống ngân hàng, góp phần tăng vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính và giữ chân nhân sự chiến lược.
Ngân hàng tăng tốc đầu tư công nghệ, cắt giảm nhân sự để giảm chi phí
Trước áp lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm nhân sự nhằm tối ưu chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Lãnh đạo các ngân hàng như TPBank, Sacombank, VietinBank cho biết chi phí nhân sự – khoản chi lớn thứ hai sau chi phí vốn – đang được thu hẹp nhờ ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). TPBank cho biết năm 2024 đã bổ sung 500 robot để tự động hóa quy trình, qua đó tiết kiệm hàng trăm vị trí việc làm. Ngân hàng này dự kiến tiếp tục giảm thêm 300-500 nhân sự trong năm 2025 dù vẫn đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.
Sacombank và VietinBank cũng đẩy mạnh số hóa, thu hẹp phòng giao dịch truyền thống và tái cơ cấu lực lượng lao động. VietinBank đang thử nghiệm trung tâm dịch vụ khách hàng ứng dụng AI có thể thay thế tới 70% nhân sự hiện tại, đồng thời tăng mạnh tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin, nâng số lượng nhân sự mảng này lên gần 1.000 người.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, gần 30% ngân hàng niêm yết đã cắt giảm nhân sự trong năm 2024, và hơn 21% tiếp tục cắt giảm trong quý I/2025.
Cùng với việc tiết giảm chi phí, các ngân hàng cũng dịch chuyển trọng tâm kinh doanh sang kênh số. TPBank hiện có hơn 4,5 triệu khách hàng vay vốn qua kênh số, với lợi nhuận đủ bù đắp chi phí đầu tư công nghệ. VietinBank cho biết 99% giao dịch hiện thực hiện qua kênh số, với 60% sản phẩm được cung cấp trực tuyến.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các ngân hàng đang đổ hàng ngàn tỷ đồng vào công nghệ, AI và big data để mở rộng hệ sinh thái số, nâng cao năng lực quản trị và chống gian lận, bảo vệ khách hàng trên môi trường số.
ABBANK ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 407 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 407 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 128% so với cùng kỳ năm 2024.
![]() |
ABBANK ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 407 tỷ đồng |
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của ABBANK đạt 183.659 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm và hoàn thành 92% kế hoạch năm. Dư nợ tín dụng đạt 100.352 tỷ đồng. Trong quý I, ngân hàng đã trích lập 340 tỷ đồng cho công tác dự phòng rủi ro tín dụng và mua lại nợ từ VAMC, đồng thời kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 2,44%, đảm bảo dưới ngưỡng 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Chỉ số an toàn vốn (CAR) của ABBANK đạt 10,46%, vượt ngưỡng tối thiểu 8% theo quy định, góp phần đảm bảo nền tảng vốn an toàn và bền vững cho hoạt động kinh doanh.
Trong mảng ngân hàng số, ABBANK tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan. Nền tảng ABBANK Business dành cho khách hàng doanh nghiệp được nâng cấp thêm nhiều tiện ích như chuyển tiền quốc tế online, cập nhật sinh trắc học trực tuyến, mua bán ngoại tệ online… giúp nâng cao trải nghiệm người dùng. Tỷ lệ giao dịch qua kênh số chiếm 56% tổng lượng giao dịch của khách hàng doanh nghiệp, trong đó riêng tính năng chuyển tiền quốc tế online chiếm đến 24% tổng giao dịch chuyển tiền quốc tế trong quý.
Đối với khách hàng cá nhân, ABBANK đã triển khai ứng dụng ngân hàng số mới mang tên ABBANK, tích hợp nhiều tính năng hiện đại. Đáng chú ý, tính năng "Thông báo biến động số dư bằng giọng nói" – có thể phát tiếng ngay cả khi màn hình thiết bị tắt – đã giúp ứng dụng nhanh chóng thu hút sự quan tâm và đánh giá tích cực từ người dùng, đặc biệt là nhóm hộ kinh doanh cá thể.
Với kết quả tích cực trong quý đầu năm, ABBANK đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và nỗ lực chuyển đổi số hiệu quả trong bối cảnh thị trường tài chính – ngân hàng tiếp tục nhiều biến động.
Huy Tùng ( T/h)
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 2/5: Dự án bến du thuyền trăm tỉ của Vũ "nhôm" đối diện nguy cơ thu hồi
- Điểm tin ngân hàng ngày 2/5: Vietcombank có vốn chủ sở hữu vượt 200.000 tỷ đồng
- Điểm tin ngân hàng ngày 1/5: HDBank báo lãi hơn 5.350 tỷ đồng quý I/2025
- Điểm tin ngân hàng ngày 30/4: Viet A Bank giảm lãi suất huy động nhiều kỳ hạn
- Vietcombank tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường ngoại hối với danh hiệu “Best FXall Taker” năm 2024