Điểm tin ngân hàng ngày 30/4: Viet A Bank giảm lãi suất huy động nhiều kỳ hạn
Viet A Bank giảm lãi suất huy động nhiều kỳ hạn
Ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) đã tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn, trong đó mức giảm phổ biến là 0,1 điểm %/năm tại các kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng. Động thái này cho thấy ngân hàng đang tiếp tục điều chỉnh theo xu hướng mặt bằng lãi suất giảm trên thị trường.
![]() |
Viet A Bank giảm lãi suất huy động nhiều kỳ hạn |
Theo cập nhật mới nhất, lãi suất tiết kiệm trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân lĩnh lãi cuối kỳ tại Viet A Bank giữ nguyên ở các kỳ hạn ngắn từ 1–5 tháng, dao động từ 3,7%–4,1%/năm. Tuy nhiên, từ kỳ hạn 6 tháng trở đi, lãi suất đã giảm nhẹ. Cụ thể, kỳ hạn 6–8 tháng hiện là 5,1%/năm, 9–11 tháng là 5,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12–13 tháng được điều chỉnh xuống 5,6%/năm; kỳ hạn 15 tháng ở mức 5,7%/năm; và kỳ hạn 18–24 tháng chỉ còn 5,8%/năm. Đặc biệt, lãi suất kỳ hạn 36 tháng - trước đây từng lên đến 6%/năm - đã giảm về 5,9%/năm.
Ở kênh gửi tại quầy, mức chênh lệch so với gửi trực tuyến hiện lên tới 0,5–0,6 điểm % tại nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tại quầy hiện là 3,2%/năm với kỳ hạn 1 tháng, tăng dần lên mức 3,6%/năm cho các kỳ hạn 4–5 tháng. Các kỳ hạn từ 6–11 tháng được niêm yết ở mức 4,5%/năm; 12–13 tháng là 5,3%/năm; 15 tháng là 5,4%/năm; 18 tháng là 5,5%/năm. Mức lãi suất cao nhất tại quầy hiện là 5,6%/năm cho các kỳ hạn từ 24–36 tháng.
Việc điều chỉnh lãi suất này của Viet A Bank diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính đang tiếp tục xu hướng lãi suất thấp, nhằm hỗ trợ nhu cầu vay vốn và kích thích tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn nửa đầu năm 2025.
ABBANK báo lãi quý 1/2025 tăng gấp hơn 2 lần, đẩy mạnh chuyển đổi số
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 407 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực này phản ánh hiệu quả trong chiến lược tăng trưởng bền vững, kiểm soát nợ xấu và đẩy mạnh chuyển đổi số của ABBANK.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của ABBANK đạt gần 184.000 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm và đạt 92% kế hoạch năm. Huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 112.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 100.000 tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,44%, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 10,46%, cao hơn mức tối thiểu quy định.
Cùng với kết quả kinh doanh khả quan, ABBANK tiếp tục ghi dấu ấn trong chuyển đổi số. Trong quý 1/2025, ngân hàng ra mắt nền tảng ngân hàng số mới dành cho khách hàng cá nhân với nhiều tính năng nổi bật, trong đó có thông báo biến động số dư bằng giọng nói. Đối với khách hàng doanh nghiệp, nền tảng ABBANK Business được nâng cấp với các tiện ích như chuyển tiền quốc tế online, cập nhật sinh trắc học, mua bán ngoại tệ trực tuyến… giúp giao dịch số chiếm 56% tổng lượng giao dịch, riêng chuyển tiền quốc tế online đóng góp 24% giao dịch chuyển tiền quốc tế.
Phát biểu về kết quả đạt được, ông Phạm Duy Hiếu – Tổng Giám đốc ABBANK cho biết: “ABBANK đã có một khởi đầu tích cực trong năm 2025. Ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển ổn định và đẩy mạnh các tiện ích số nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.” Trong quý 1, ABBANK cũng triển khai gói vay ưu đãi dành cho người trẻ mua nhà và nhiều chương trình hấp dẫn khác, thể hiện cam kết đồng hành cùng khách hàng và cộng đồng.
Hơn 90 doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu, dư nợ vượt 200.000 tỷ đồng
Tính đến ngày 15/4/2025, theo dữ liệu từ HNX và phân tích của VNDIRECT, đã có hơn 90 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc hoặc lãi trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, với tổng dư nợ ước tính hơn 200.000 tỷ đồng, tương đương 16,5% tổng dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, trong quý I/2025, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chậm thanh toán cả nợ gốc đối với các trái phiếu đã được gia hạn tối đa 2 năm (đáo hạn gốc ban đầu vào năm 2023). Tổng nợ gốc đến hạn chưa được thanh toán trong quý là hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng giá trị đáo hạn quý I. Nếu tính cả các trái phiếu đã được gia hạn nhưng đến hạn trả trong quý I, con số này lên tới 11.000 tỷ đồng – tương đương 45,4% tổng giá trị đáo hạn.
Trong bối cảnh đó, hoạt động gia hạn trái phiếu vẫn diễn ra sôi động. Có 118 doanh nghiệp đạt thỏa thuận gia hạn với nhà đầu tư, tổng giá trị trái phiếu được gia hạn là hơn 178.000 tỷ đồng. Riêng lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2025 đã được gia hạn lên tới 20.000 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng giá trị TPDN đáo hạn trong năm.
Một số doanh nghiệp bất động sản lớn đã gia hạn thành công các lô trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng như: TNL (2.900 tỷ đồng), TNR Holdings (2.800 tỷ đồng), Công ty Phát triển Kinh doanh Xây dựng 3 (2.250 tỷ đồng), Biển Đông (1.300 tỷ đồng)...
Ngược lại, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn đang chững lại với tổng giá trị đạt 27.012 tỷ đồng trong quý I/2025, giảm mạnh 61,7% so với quý IV/2024. Tuy nhiên, nhóm bất động sản vẫn là lĩnh vực thực hiện mua lại nhiều nhất. Các doanh nghiệp mua lại trái phiếu đáng chú ý gồm Novaland, Sovico, OCB và Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận.
VPBank tiếp tục chia cổ tức tiền mặt, không mua cổ phiếu quỹ
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Hội đồng Quản trị VPBank trình kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt 5%, tiếp tục thực hiện cam kết chia cổ tức tiền mặt liên tục trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2022. Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cho biết, mỗi năm ngân hàng dành khoảng 4.000 tỷ đồng cho hoạt động này, nhằm hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng dài hạn và lợi ích cổ đông. Trong giai đoạn 2010–2022, VPBank đã không chia cổ tức để tập trung toàn lực cho tăng trưởng.
Năm 2025 đánh dấu năm thứ ba ngân hàng thực hiện chính sách chia cổ tức tiền mặt, và sẽ tiếp tục duy trì trong hai năm tới, với mức chia cụ thể phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và vốn. Trước đề xuất của cổ đông về việc mua lại cổ phiếu quỹ trong bối cảnh giá thấp, ông Dũng cho rằng việc này cần thận trọng do ảnh hưởng đến vốn tự có, trong khi ngân hàng đang ưu tiên tăng vốn để phục vụ tăng trưởng tín dụng theo đề án tái cơ cấu với GPBank. Ông nhấn mạnh: “Tăng trưởng quy mô là ưu tiên số một của VPBank, nên không thể vừa chia cổ tức, vừa mua cổ phiếu quỹ.”
Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận gần 5.200 tỷ đồng
Ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, thông qua nhiều nội dung quan trọng. Năm 2024, Eximbank ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước. Tổng tài sản đạt gần 240.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng gần 20%, chất lượng nợ xấu cải thiện rõ rệt, tỷ lệ CIR giảm mạnh xuống 39,73%.
![]() |
Năm 2025, Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên 5.188 tỷ đồng, tăng 23,8%, tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng và tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ tập trung phát triển nền tảng khách hàng, tái cấu trúc tài chính và danh mục tài sản, nâng cao hiệu quả hoạt động và kiểm soát chất lượng tín dụng.
Đại hội cũng đã bầu HĐQT nhiệm kỳ 2025–2030 gồm 5 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập để đáp ứng yêu cầu từ Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Đồng thời, 5 thành viên Ban Kiểm soát cũng được tín nhiệm thông qua.
Dù không chia cổ tức năm 2025, lãnh đạo Eximbank khẳng định đây là quyết định chủ động nhằm củng cố nền tảng tài chính, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững, ứng phó với biến động kinh tế và thúc đẩy chuyển đổi số. Đại hội cũng thống nhất giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 6%.
Huy Tùng (T/h)
-
Điểm tin ngân hàng ngày 21/5: Mua bán USD trái phép có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
-
Điểm tin ngân hàng ngày 20/5: Tỷ giá USD thế giới giảm mạnh, “chợ đen” quay đầu tăng
-
Điểm tin ngân hàng ngày 19/5: Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong quý I/2025
-
Điểm tin ngân hàng tuần qua: Mua bán, mở hộ thẻ ngân hàng có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
- Điểm tin ngân hàng ngày 21/5: Mua bán USD trái phép có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
- Điểm tin ngân hàng ngày 20/5: Tỷ giá USD thế giới giảm mạnh, “chợ đen” quay đầu tăng
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Mua bán, mở hộ thẻ ngân hàng có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
- Điểm tin ngân hàng ngày 17/5: Lãi suất huy động chạm đáy, liệu có sớm đảo chiều?
- Sức hút từ “Gói vay mua nhà cho người trẻ” lớn nhất, tốt nhất thị trường
- BIDV triển khai “Nâng hạng ưu tiên - Đặc quyền đẳng cấp” dành cho khách hàng cá nhân
- Điểm tin ngân hàng ngày 16/5: Tăng quyền xử lý nợ xấu, sửa quy định cho vay đặc biệt lãi suất 0%
- Điểm tin ngân hàng ngày 15/5: Giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội
- Điểm tin ngân hàng ngày 14/5: Vietcombank rao bán 5 bất động sản tại Quảng Ninh
- Điểm tin ngân hàng ngày 13/5: Tăng tốc cuộc đua Private Banking phục vụ giới siêu giàu