Yêu cầu xử lý nghiêm 2 vụ vi phạm cổ phần hóa, thoái vốn thuộc Bộ Xây dựng

13:50 | 09/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng. Trong đó, cơ quan này kiến nghị chuyển hồ sơ 2 vụ vi phạm trong cổ phần hóa liên quan đến các công ty con của Tổng công ty Coma và Tổng công ty Viwaseen sang Bộ Công an điều tra.
Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn tại những doanh nghiệp nào?Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn tại những doanh nghiệp nào?
Gần 30 doanh nghiệp được phê duyệt đề án cơ cấu lạiGần 30 doanh nghiệp được phê duyệt đề án cơ cấu lại

Vụ thứ nhất, vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai của Công ty TNHH MTV sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ phát triển nông thôn (Decoimex thuộc Tổng công ty Coma) tại dự án nhà ở Decoimex mở rộng phường 6, phường 9, TP Vũng Tàu, trong đó có diện tích đất khoảng 1.137m2 có dấu hiệu vi phạm Điều 228, 229 Bộ luật Hình sự 2015 về quản lý, sử dụng đất đai.

Yêu cầu xử lý nghiêm 2 vụ vi phạm cổ phần hóa, thoái vốn thuộc Bộ Xây dựng
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý đất đai tại Tổng công ty Coma

Kết luận thanh tra cho biết, Công ty Decoimex là một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Tổng công ty Coma tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty đã nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất 1.137m2 tại phường 9, TP Vũng Tàu từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mục đích sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, công ty đã tự ý thực hiện phân lô và ký hợp đồng chuyển nhượng 7 lô đất cho khách hàng để xây dựng nhà ở mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Các hợp đồng chuyển nhượng đã được ký từ năm 2003-2005, tổng giá trị hợp đồng là trên 3 tỷ đồng, đã thu được khoảng 1,5 tỷ đồng và còn lại khoảng 1,567 tỷ đồng chưa thu. Đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa phê duyệt phương án sử dụng đất cũng như phương án điều chỉnh quy hoạch cho diện tích đất này.

Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện Công ty Decoimex đã ký hợp đồng góp vốn 91 lô đất có diện tích 18.960m2. Hầu hết các hợp đồng góp vốn đã được ký từ năm 2009-2012. Tuy nhiên, công ty chưa nộp tiền sử dụng đất và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích này. Decoimex đã thu được khoảng 144 tỷ đồng từ khách hàng, chi phí cho cơ sở hạ tầng là 50,8 tỷ đồng. Chênh lệch tiền thu chi còn lại (tạm tính) là trên 93 tỷ đồng và đến thời điểm thanh tra, một số lô biệt thự đã được khách hàng hoàn thiện để ở.

Sau khi kết thúc thanh tra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho dự án này, nhưng Decoimex vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất cho dự án mở rộng.

"Các vi phạm nêu trên đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán kết luận, kiến nghị xử lý, đến thời điểm thanh tra Decoimex đã thực hiện một số nội dung, tuy nhiên còn nhiều vi phạm vẫn chưa được thực hiện, xử lý triệt để, cần phải được kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", thanh tra kết luận.

Vụ thứ hai, vi phạm quy định trong việc thoái vốn đầu tư của Tổng công ty Viwaseen tại Công ty CP Đầu tư và xây dựng Viwaseen Huế (Viwaseen Huế), có dấu hiệu vi phạm Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo kết luận thanh tra, Công ty này có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó góp vốn của Tổng công ty Viwaseen chiếm 35,98%. Tổng công ty Viwaseen đã thoái toàn bộ vốn đầu tư của mình tại Viwaseen Huế theo đề nghị của Bộ Xây dựng và quyết định tái cơ cấu Tổng công ty Viwaseen.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ nhận thấy rằng quyết định của Bộ Xây dựng cho phép thoái vốn của Tổng công ty Viwaseen tại Viwaseen Huế không đúng với quyết định của Bộ Xây dựng và có nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Công ty Viwaseen Huế đã bị hủy niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội do thua lỗ trong 3 năm liên tiếp từ 2011-2013. Cổ phiếu của công ty được đăng ký trên sàn giao dịch UPCom từ ngày 17/6/2014.

Tổng công ty Viwaseen đã tư vấn và định giá cổ phiếu của Viwaseen Huế thông qua Công ty cổ phần chứng khoán Đại Dương (OCS). Tuy nhiên, Hội đồng quản trị của Tổng công ty đã không áp dụng mức giá tham chiếu và đã bán chuyển nhượng cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần, không đảm bảo nguyên tắc thị trường và vi phạm quy định của pháp luật.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, cả hai vụ vi phạm trên đã được cơ quan thanh tra và kiểm toán xác nhận. Thực tế, một số nội dung đã được thực hiện và xử lý, nhưng vẫn còn nhiều vi phạm chưa được giải quyết triệt để. Do đó, cần tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)