Vingroup thêm trụ cột năng lượng xanh trong chiến lược kinh doanh để 'xanh hoàn toàn'

12:13 | 25/04/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) ngày 24/4, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết Tập đoàn sẽ bổ sung thêm trụ cột năng lượng trong chiến lược kinh doanh.
Vingroup thêm trụ cột năng lượng xanh trong chiến lược kinh doanh để 'xanh hoàn toàn'
Vingroup đề nghị bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện LNG tại Hải Phòng vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh

Cụ thể, Vingroup đăng ký đến năm 2030 phát triển 25,5 GWh điện năng lượng tái tạo và LNG, đến năm 2035 có thể đạt 52,5 GWh.

Chia sẻ về lý do đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết quyết định tham gia mạnh mẽ vào phát triển năng lượng vì Việt Nam đang thực sự thiếu năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh. Nhiều người nói Vingroup làm xe điện nhưng không xanh vì còn dùng nhiệt điện, vì vậy Tập đoàn sẽ làm điện xanh để xanh hoàn toàn. Cũng có người bảo càng dùng xe điện thì Việt Nam sẽ thiếu điện, thế nên Vingroup sẽ làm điện để không thiếu điện.

Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đang kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam làm những dự án lớn chung tay xây dựng đất nước, Vingroup có trách nhiệm chung tay và sẽ làm lớn. Tập đoàn đã cân đối vốn và lập kế hoạch đầy đủ cho các dự án mới.

Theo thông tin được công bố trước đó, trong bản đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh gửi lãnh đạo Chính phủ hồi tháng 3, Vingroup đề xuất thực hiện các dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 47.500 MW trong giai đoạn 2025 - 2035, trong đó giai đoạn 2025 - 2030 sẽ triển khai khoảng 20.500 MW với tổng mức đầu tư ước tính từ 20 - 25 tỷ USD. Các dự án được tập trung triển khai tại các địa phương có tiềm năng cao về gió và bức xạ mặt trời như: Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng, Khánh Hòa…

Bên cạnh đó, Vingroup đề nghị bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện LNG tại Hải Phòng vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Dự án này có công suất 5.000 MW, tổng mức đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD, thời gian triển khai từ 2025 đến 2030.

Tập đoàn cho biết các dự án được đề xuất đã căn cứ theo các tiêu chí chỉ đạo của Bộ Công Thương (theo Công văn số 1649/BCT-ĐL ngày 5/3). Ngoài ra, Vingroup còn nghiên cứu thêm một số tiêu chí bổ sung để đảm bảo tính hiệu quả, như: Các tỉnh còn có tiềm năng về quỹ đất, khả năng đầu nối và gần trung tâm phụ tải lớn đề xây dựng dự án có công suất lớn, trở thành các trung tâm năng lượng quốc gia (>5.000MW); tiềm năng về gió và bức xạ tốt; lựa chọn loại hình công nghệ và vị trí để tối ưu về thời gian phát triển dự án, hiệu suất sản xuất điện và hiệu quả tài chính.

Diệu Phương