Trung hòa carbon: Nhiệm vụ đầy khó khăn và thử thách

16:20 | 27/09/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thứ Ba (ngày 26/9), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nước giàu cũng như các nước đang phát triển sẽ phải thúc đẩy đáng kể các mục tiêu trung hòa carbon vốn đã đầy tham vọng, đồng thời nhấn mạnh rằng sự phát triển của "năng lượng sạch" là đòn bẩy chính giúp duy trì các mục tiêu về khí hậu trong tầm tay.
Trung hòa carbon: Nhiệm vụ đầy khó khăn và thử thách

Các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ phải đặt mục tiêu trung hòa carbon trong 5 năm, từ 2050-2045, và Trung Quốc là 10 năm, đến 2050, để duy trì mục tiêu trong khuôn khổ Hiệp định Paris và kiềm chế sự nóng lên toàn cầu không vượt ngưỡng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo ước tính của IEA trong một báo cáo mới.

Cơ quan năng lượng OECD có trụ sở tại Paris cho biết: "Ngành năng lượng đang phát triển nhanh hơn nhiều người nghĩ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và thời gian không còn nhiều".

Sự phát triển của ngành năng lượng sạch ở Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ rất ấn tượng. Các khoản đầu tư vào lĩnh vực này sẽ phải tăng từ 1.800 - 4.500 tỷ USD vào năm 2030, người đứng đầu IEA, ông Fatih Birol, nhấn mạnh.

Đây là nội dung báo cáo được IEA đưa ra vài tuần trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, nơi sẽ diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt liên quan đến năng lượng hóa thạch.

Đây là bản cập nhật của "Lộ trình Net Zero", lộ trình trung hòa carbon vào năm 2050, xuất bản năm 2021, kêu gọi thế giới từ bỏ mọi dự án dầu khí mới "ngay bây giờ".

Nhiệm vụ đầy khó khăn và thử thách

Trong 2 năm qua, "mức phát thải từ ngành năng lượng vẫn ở mức cao, đạt kỷ lục mới là 37 tỷ tấn CO2 vào năm 2022", IEA nhấn mạnh.

Nhưng bên cạnh đó vẫn có sự tiến bộ, bằng chứng là sự tăng trưởng nhanh chóng của điện mặt trời và quá trình điện khí hóa các phương tiện giao thông, giúp duy trì các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng nhất trong khuôn khổ thỏa thuận Paris năm 2015.

Theo IEA, con đường hướng đến mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng 1,5°C đã thu hẹp dần trong 2 năm qua, nhưng các công nghệ năng lượng sạch đang góp phần giúp đảo ngược xu hướng này. Bên cạnh đó, IEA còn kêu gọi tăng cường "hiệu quả năng lượng". Trong một buổi họp báo, ông Fatih Birol đã tuyên bố rằng "chúng tôi có lý do chính đáng để lạc quan" ngay cả khi nhiệm vụ này hứa hẹn sẽ đầy khó khăn, nỗ lực và thử thách.

Theo IEA, sự phát triển của năng lượng sạch là đòn bẩy chính giúp giảm hơn 25% nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ này và làm giảm 35% lượng khí thải CO2 trong năng lượng vào năm 2030.

"Trước thềm COP28, kỷ nguyên của nhiên liệu hóa thạch đang đi đến hồi kết", bà Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu châu Âu, cho biết.

Gần đây, IEA đã khẳng định rằng nhu cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt và than đá sẽ đạt đỉnh "trong những năm tới" của thập kỷ này, nhờ sự bùng nổ của năng lượng sạch và ô tô điện.

Cẩn trọng với mọi sự chậm trễ

Các "nền kinh tế tiên tiến" sẽ phải đi đầu để "tăng tốc và đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng", bà Laura Cozzi, Giám đốc triển vọng tại IEA, chia sẻ với báo chí.

Hiện nhiệt độ trung bình toàn cầu ấm hơn khoảng 1,2°C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, làm gia tăng thảm họa khí hậu, ảnh hưởng nặng nề đến người dân toàn cầu.

Theo ước tính của IEA, sự chậm trễ trong tham vọng sẽ khiến các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào những công nghệ thu hồi CO2 "đắt đỏ" và vẫn "chưa được kiểm chứng trên diện rộng". Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều chỉ trích đối với những công nghệ hứa hẹn sẽ tách CO2 từ khí quyển và lưu trữ nó một cách bền vững.

IEA cảnh báo nếu những công nghệ tương tự không đạt được quy mô yêu cầu - đặc biệt là lọc 0,1% khí quyển mỗi năm cho đến năm 2100 - thì mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng 1,5°C "sẽ không thể đạt được".

Trung hoà Carbon: Đánh tráo khái niệm hay giải pháp xanh đúng nghĩa?Trung hoà Carbon: Đánh tráo khái niệm hay giải pháp xanh đúng nghĩa?
LNG có thực sự trung hòa carbon?LNG có thực sự trung hòa carbon?
Các nước mới nổi cần nguồn vốn khổng lồ để đạt được trung hòa carbonCác nước mới nổi cần nguồn vốn khổng lồ để đạt được trung hòa carbon
Petrovietnam tổ chức tọa đàm phát triển dài hạn về phát thải thấp hướng tới trung hòa carbonPetrovietnam tổ chức tọa đàm phát triển dài hạn về phát thải thấp hướng tới trung hòa carbon

Ý Thiên

AFP