Trà Vinh: Phát triển kinh tế biển - Cơ hội và thách thức

09:35 | 24/12/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình số 21-CTr/TU ngày 11/11/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh về phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trà Vinh: Phát triển kinh tế biển - Cơ hội và thách thức
Ảnh: Nhà máy Điện gió Đông Hải 1, https://dulich.petrotimes.vn

Quan điểm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025: “tập trung huy động các nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, tận dụng lợi thế để Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Để Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển của Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới tỉnh Trà Vinh xác định 07 nhiệm vụ mang tính chiến lược cụ thể như sau: (1) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; (2) Công nghiệp biển; (3) Nuôi trồng, chế biến và khai thác thủy sản; (4) Du lịch biển; (5) Hoàn thiện một số hạng mục kết cấu hạ tầng quan trọng về kinh tế biển và logistics; phát triển giao thông vận tải biển (6) Đẩy mạnh phát triển giáo dục, tiếp tục đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; (7) Bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế biển với quốc phòng - an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với điều kiện về vị trí chiến lược, tỉnh Trà Vinh có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế biển:

Trà Vinh là tỉnh ven biển và nằm phía Đông khu vưc̣ đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ ra biển Đông, có chiều dài bờ biển 65 km, cảnh quan khí hậu thuận lợi cho việc phát triển du lịch, nhất là phát huy thế mạnh khu du lịch Biển Ba Động. Tỉnh có 03 huyện và 01 thị xã tiếp giáp biển (Huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và thị xã Duyên Hải). Vùng biển Khu Kinh tế biển Định An với diện tích quy hoạch 39.020 ha, là 01 trong 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư; có luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu, bến cảng tổng hợp Định An là tiền đề thúc đẩy phát triển cảng nước sâu và trở thành trung tâm giao thương của khu vực; Trung tâm Điện lực Duyên Hải với công suất 4.490 MW; 05 dự án điện gió đã đóng điện và chuẩn bị đóng điện; 04 dự án điện gió đang triển khai; 13 dự

án điện gió đang chờ bổ sung Quy hoạch điện VIII và 01 nhà máy điện năng lượng mặt trời với công suất 165 MWp với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú để phát triển các công trình năng lượng tái tạo… là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển.

Trà Vinh: Phát triển kinh tế biển - Cơ hội và thách thức
Ảnh: Dự án Nhà máy Điện gió Hàn Quốc Trà Vinh 1, https://dulich.petrotimes.vn

Kinh tế biển tăng trưởng bình quân 10,5%/năm; giá trị sản xuất của các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 70% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh; giá trị tăng thêm ngành thủy sản bình quân khoảng 3,6%/năm; thu nhập bình quân đầu người các huyện, thị xã ven biển gấp khoảng 1,1 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh. Công tác quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển được triển khai đồng bộ, bước đầu đạt kết quả nhất định. Kết cấu hạ tầng các huyện, thị xã ven biển được quan tâm đầu tư: Cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; các tuyến giao thông kết hợp đê bao ven biển; công trình thủy lợi; khu dân cư, tái định cư; trường học; bệnh viện, trạm y tế; tỷ lệ hộ dân vùng ven biển sử dụng điện đạt 98,33%; nước sạch nông thôn đạt 66,44%; nước hợp vệ sinh nông thôn đạt 99,78%; đời sống nhân dân vùng ven biển từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới biển được bảo vệ vững chắc.

Vùng biển Trà Vinh đa dạng sinh học, có nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú và có nhiều loài có giá trị kinh tế, sản lượng khai thác hải sản bình quân hàng năm khoảng 65.000 tấn. Nuôi trồng thủy sản có tiềm năng phát triển mạnh, nhất là nuôi tôm công nghệ cao gắn với chế biến thủy sản, với khoảng 37.500 ha đất nuôi trồng thủy sản, sản lượng hàng năm đạt khoảng 127.000 tấn (trong đó sản lượng nuôi nước mặn, nước lợ chiếm khoảng 95%).

Trong tương lai, khi cầu Đại Ngãi được khánh thành, kết nối hai tỉnh là Trà Vinh và Sóc Trăng, giúp hoàn thiện chuỗi công trình kết nối toàn Đồng bằng sông Cửu Long thì khoảng cách di chuyển từ các tỉnh phía Nam của Đồng bằng sông Cửu Long đi Thành phố Hồ Chí Minh qua Quốc lộ 60 sẽ được rút ngắn đáng kể. Ngoài ra, toàn tỉnh có 06 bến cảng 01 cảng sông và 05 cảng biển, là điều kiện thuận lợi vai trò xuất nhập khẩu hàng hoá cho toàn vùng.

Bên cạnh đó, thì hiện nay việc phát triển kinh tế biển cũng như hoạt động dịch vụ Logistic còn nhiều khó khăn, thách thức:

Nội lực về tài chính, ngân sách chưa đủ để đầu tư cho phát triển kinh tế biển, chỉ dừng lại là tiềm năng; công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng biển; hạ tầng logistics còn nhiều yếu kém; chưa kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics chưa thực sự gắn phát triển nguồn nhân lực với các thế mạnh tiềm năng của tỉnh và vùng trong lĩnh vực logistics, quản lý chuỗi cung ứng và kinh tế biển.

Tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão, sạt lở bờ sông, bờ biển ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nhân dân vùng biển. Ngành dịch vụ cảng biển, vận tải biển, hậu cần nghề cá chậm phát triển; chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch biển chưa hấp dẫn du khách; tỷ lệ hộ nghèo các huyện vùng ven biển còn cao so với bình quân chung của tỉnh.

Mặc dù Khu kinh tế Định An đang được chú trọng đầu tư, công tác lập quy hoạch đã tập trung triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa đạt so với định hướng, diện tích quy hoạch chỉ đạt 31,2% so với tổng diện tích quy hoạch giai đoạn năm 2011-2020. Các đồ án quy hoạch phân khu chức năng xây dựng chỉ dừng lại ở bước công bố đồ án quy hoạch được duyệt, hạ tầng kỹ thuật giao thông Khu kinh tế Định An chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hạ tầng thiết yếu nhà đầu tư cần thì lại còn thiếu, chưa được đầu tư như.

Để khai thác tốt các tiềm năng, tận dụng lợi thế hiện có để phát triển kinh tế biển, là trung tâm logistic, tỉnh xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện như sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của kinh tế biển được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Trà Vinh sẽ sớm ban hành Kế hoạch Phát triển kinh tế biển Trà Vinh, giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phân công thật sự cụ thể trách nhiệm của từng Sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện để triển khai thực hiện.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhiệm vụ lập Quy hoạch của tỉnh đảm bảo các quy hoạch được tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trong đó trọng tâm là phát triển bền vững kinh tế biển, tăng cường liên kết vùng.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách: rà soát, bãi bỏ thủ tục bất cập, rườm rà, gây khó khăn doanh nghiệp; đề xuất cơ chế riêng biệt để phát triển hạ tầng kinh tế biển, giao thông vận tải; phát triển du lịch sinh thái biển, năng lượng tái tạo, phát triển đô thị ven biển gắn với nghỉ dưỡng, du lịch, đầu tư.

Trà Vinh: Phát triển kinh tế biển - Cơ hội và thách thức
Ảnh: Mô hình cột mốc Trường Sa tại Khu du lịch biển Ba Động, https://dulich.petrotimes.vn

Cần xây dựng chiến lược phát triển logistics dựa trên chiến lược phát triển hệ thống cảng biển, vì cảng biển và dịch vụ logictics luôn có mối quan hệ hữu cơ gắn kết, có cảng biển thì phải có dịch vụ logictics đi kèm để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả khai thác và ngược lại, hoạt động khai thác cảng biển được xem như nền tảng để hình thành và phát triển dịch vụ logictics.Thành lập bộ phận chuyên trách để quản lý phát triển kinh tế biển, logistic gắn với đào tạo nguồn nhân lực; cơ chế thu hút người có tài, đãi ngộ tiền lương, khả năng phát triển, môi trường và điều kiện làm việc.

Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp cận nguồn tài chính; cải tạo, thay mới công nghệ sản xuất, dịch vụ chuyên nghiệp; nguồn nhân lực hỗ trợ; tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu…

Phát triển mạnh và đa dạng loại hình dịch vụ: hoàn thiện đưa vào sử dụng cảng biển, bến nội địa; thu hút đầu tư, phát triển loại hình dịch vụ vệ sinh, sửa chữa, đóng tàu; kho bãi chuyên nghiệp, cảng biển, hậu cần cảng, kho ngoại quan, kho lạnh bảo quản mặt hàng nông sản thông minh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Sở, Ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế biển Trà Vinh, giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm cụ thể hóa Chương trình số 21-CTr/TU ngày 11/11/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh.

https://dulich.petrotimes.vn

tnmttravinh.gov.vn