Tin nhanh ngân hàng ngày 13/11: Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

06:52 | 13/11/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
TPBank thay đổi vốn điều lệ mới trên giấy phép kinh doanh; Viet Capital Bank lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ mới…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Tin nhanh ngân hàng ngày 12/11: VPBank chính thức ra mắt ứng dụng VPBank NEOBizTin nhanh ngân hàng ngày 12/11: VPBank chính thức ra mắt ứng dụng VPBank NEOBiz

Tin nhanh ngân hàng ngày 11/11: VietinBank miễn phí đặt Alias cho tài khoản từ ngày 11/11Tin nhanh ngân hàng ngày 11/11: VietinBank miễn phí đặt Alias cho tài khoản từ ngày 11/11

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký 2 quyết định bổ nhiệm 2 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, ông Phạm Tiến Dũng (Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN) được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ông Phạm Tiến Dũng có 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngân hàng. Từ năm 1991, ông Dũng công tác tại phòng Phát triển Phần mềm – Cục Công nghệ Tin học, tham gia phát triển các phần mềm thanh toán bù trừ, thanh toán liên ngân hàng... Ông cũng từng tham gia triển khai hệ thống CA cho Ngân hàng Nhà nước áp dụng cho các Tổ chức tín dụng; triển khai Tuxedo cho hệ thống Ngân hàng Nhà nước.

Từ tháng 4/2014, ông được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chuyển mạch tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn). Ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Banknetvn nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Từ tháng 6/2017, ông Phạm Tiến Dũng giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tin nhanh ngân hàng ngày 13/11: Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Tân Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng và Phó thống đốc Phạm Thanh Hà.

Bên cạnh ông Phạm Tiến Dũng, Thủ tướng cũng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Phạm Thanh Hà 48 tuổi, là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh - Đại học George Washington - Mỹ. Ông được tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước từ ngày 21/8/2017.

Trước đó, ông Hà đã công tác tại Vietcombank 23 năm, trong đó từng giữ các chức vụ trưởng phòng các đề án công nghệ, phòng kinh doanh ngoại tệ, phòng quản lý và kinh doanh vốn trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank năm 2010.

TPBank thay đổi vốn điều lệ mới trên giấy phép kinh doanh

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ra quyết định số 1776/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Theo đó, Thống đốc NHNN quyết định sửa đổi nội dung ghi tại điều 2 Giấy phép thành lập và hoạt động số 123/GP-NHNN ngày 5/5/2008 thành "Vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Tiên Phong là 11.716.717.220.000 đồng (Mười một nghìn bảy trăm mười sáu tỷ bảy trăm mười bảy nghìn hai trăm hai mươi nghìn đồng)".

Được biết, số vốn tăng thêm 1.000 tỷ đồng này được TPBank thực hiện thông qua phương án phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua vào tháng 4/2021.

Việc được phê chuẩn về số vốn điều lệ mới lên mức 11.716 tỷ đồng này sẽ giúp TPBank củng cố thêm hệ số an toàn vốn CAR, nâng cao năng lực doanh nghiệp và tăng khả năng đề kháng của ngân hàng trước những khó khăn của nền kinh tế trong và sau thời kỳ dịch bệnh. Tính đến hết quý III năm 2021, tổng tài sản của TPBank đạt 260.328 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch cả năm. Hệ số an toàn vốn (CAR) được ghi nhận ở mức 13,43%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 75,76% kế hoạch lợi nhuận của cả năm và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức rất thấp, chỉ 1,02%.

Trong suốt thời gian qua, TPBank đã chủ động tiên phong, đi trước đón đầu nhiều xu hướng trong đổi mới số. Ngân hàng cũng có những kế hoạch nhằm chủ động kiểm soát hoạt động trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Là một trong Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín, TPBank cũng là ngân hàng đầu tiên công bố đáp ứng hoàn toàn tuân thủ Basel III và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9 - hai chuẩn mực quản trị rủi ro và báo cáo tài chính khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới.

Viet Capital Bank lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ mới

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, UPCoM: BVB) dự kiến sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ.

Tin nhanh ngân hàng ngày 13/11: Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Viet Capital Bank lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ mới/tin nhanh ngân hàng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, kế hoạch tăng vốn mới sẽ thực hiện đồng thời cả 3 phương án, thay vì 2 phương án đã được phê duyệt trước đây đã được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua.

(i) Phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ dự kiến 15% với tổng giá trị phát hành 550.6 tỷ đồng.

(ii) Tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng (phát hành cho cổ đông hiện hữu) theo tỷ lệ 4:1 với tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá 917.7 tỷ đồng.

(iii) Tăng vốn điều lệ theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong Ngân hàng (ESOP) với tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá 150 tỷ đồng.

Tổng vốn điều lệ tăng thêm theo kế hoạch mới là hơn 1,618 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên mức 4,789 tỷ đồng.

Trước đó, theo kế hoạch được phê duyệt tại ĐHĐCĐ, phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ tối đa 1,052 tỷ đồng trong năm 2021 và năm 2022. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 4,221 tỷ đồng, từ phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15%. Giai đoạn 2 ngân hàng tiếp tục tăng vốn điều lệ tối đa theo 02 phương thức: (i) tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng (phát hành cho cổ đông hiện hữu), (ii) tăng vốn điều lệ theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong ngân hàng (ESOP).

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được Ngân hàng dùng để bổ sung vốn kinh doanh, phát triển mạng lưới, tăng cường xây dựng nền tảng công nghệ đẩy mạnh lộ trình số hóa, từ đó tăng tốc về quy mô lợi nhuận của ngân hàng. Việc phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng cũng sẽ được cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích của cổ đông.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/H)