Tin ngân hàng tuần qua: Thủ tướng yêu cầu báo cáo xử lý các ngân hàng yếu kém trong tháng 9

10:00 | 10/09/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hơn 103.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong 4 tháng cuối năm; Ngân sách nhà nước bội chi hơn 50 nghìn tỷ đồng trong tháng 8; OCB nhận khoản vay 55 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp SME; Nhiều ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức những tháng cuối năm… là những tin tức tài chính nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 9/9: VIB tổ chức sự kiện “Săn deal hot, chốt giá hời”Tin ngân hàng ngày 9/9: VIB tổ chức sự kiện “Săn deal hot, chốt giá hời”
Tin ngân hàng ngày 8/9: Ngân hàng Nhà nước sẽ không giảm tiếp lãi suất điều hànhTin ngân hàng ngày 8/9: Ngân hàng Nhà nước sẽ không giảm tiếp lãi suất điều hành

Thủ tướng yêu cầu báo cáo xử lý các ngân hàng yếu kém trong tháng 9

Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để cho vay tín chấp với giá trị phù hợp, góp phần giảm tín dụng đen.

Tin ngân hàng tuần qua: Thủ tướng yêu cầu báo cáo xử lý các ngân hàng yếu kém trong tháng 9
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu báo cáo xử lý các ngân hàng yếu kém trong tháng 9

Phát biểu kết luận phiên họp, đánh giá chung về tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 8 và 8 tháng, kết quả quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục tiêu tổng quát đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên. Ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác, "trong tôi có anh, trong anh có tôi" để xử lý công việc.

Thủ tướng cũng lưu ý NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để cho vay tín chấp với giá trị phù hợp, góp phần giảm tín dụng đen. Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách (trong đó có 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 15.000 tỷ đồng cho ngành hàng đồ gỗ, thuỷ sản…).

Đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, mua bắt buộc theo chủ trương được cấp có thẩm quyền đồng ý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023.

Hơn 103.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong 4 tháng cuối năm

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 31/8, có 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong tháng 8 với tổng giá trị 25.055 tỷ đồng nhưng không có đợt phát hành ra công chúng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 9,4%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,7 năm.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 132.358 tỷ đồng, gồm 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành) và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 115.882 tỷ đồng (chiếm 87,6% tổng số).

Trong đó, ngành ngân hàng chiếm đa số với 53.931 tỷ đồng (chiếm 40,7%), theo sau là nhóm bất động sản với 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%). Trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 17.489 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các TCPH và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực. Trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 17,489 tỷ đồng, giảm27% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 24/8 đã có 44 TCPH đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị TPDN được gia hạn là hơn 58.803 tỷ đồng, theo số liệu của Công ty Chứng khoán VNDirect.

Trong 4 tháng cuối năm 2023, VBMA ước tính sẽ có khoảng 103.022 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. VNDirect cho rằng áp lực TPDN riêng lẻ đáo hạn trong tháng 9 vẫn lớn, trong khi doanh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX vẫn tăng lên.

VNDirect thông tin trong tháng 9 sẽ có khoảng hơn 25.800 tỷ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn. Tháng 9 vẫn là một trong những tháng có giá trị đáo hạn lớn nhất trong năm 2023 mặc dù tổng giá trị đáo hạn trong tháng này giảm khoảng 7,3% so với tháng 8.

Theo tổng hợp của VNDirect, tính đến ngày 24/8 có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 173.680 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành (TCPH) này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Ngân sách nhà nước bội chi hơn 50 nghìn tỷ đồng trong tháng 8

Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8 ước đạt 88,1 nghìn tỷ đồng, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 139 nghìn tỷ đồng. Ngân sách nhà nước bội chi hơn 50 nghìn tỷ đồng.

Tin ngân hàng tuần qua: Thủ tướng yêu cầu báo cáo xử lý các ngân hàng yếu kém trong tháng 9
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 8 ước đạt 88,1 nghìn tỷ đồng, bằng 5,4% dự toán, bằng 59,5% (giảm 60 nghìn tỷ đồng) mức thu bình quân 7 tháng đầu năm.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 71,8 nghìn tỷ đồng, bằng 5,4% dự toán, giảm khoảng 50,9 nghìn tỷ đồng so với mức thu bình quân 7 tháng.

Thu từ dầu thô ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng; giá dầu thanh toán bình quân trong tháng khoảng 85 USD/thùng, tăng 15 USD/thùng so với giá dự toán.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 27 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán, bằng 88,8% mức thu bình quân 7 tháng đầu năm.

Lũy kế 8 tháng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán, giảm 8,8% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 72,8% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 65,5% dự toán); không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 69,6% dự toán, giảm 0,3% so với cùng kỳ.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng đạt trên 68% dự toán; 9/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 54 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Trong tháng 8, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 8 khoảng 132 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 42,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 89,7 nghìn tỷ đồng).

OCB nhận khoản vay 55 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp SME

Vừa qua, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã nhận khoản vay 55 triệu USD từ định chế tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức (DEG).

Khoản vay kỳ hạn 5 năm nhằm hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của OCB, trong đó tối thiểu 50% giá trị khoản vay sẽ dành cho doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ, giúp thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh, từ đó nâng cao năng suất và cải thiện mức sống của các gia đình ở Việt Nam.

Với gần 50 năm hoạt động, nằm trong nhóm 15 thành viên hàng đầu của của Tổ chức Tài chính Phát triển châu Âu (EDFI), có mặt tại 19 quốc gia, đang quản lý danh mục đầu tư có giá trị 8,6 tỷ Euro gồm các khoản hợp tác tài chính cùng các tập đoàn tư nhân lớn và uy tín trên toàn cầu; DEG đã và đang cung cấp tài chính cho hơn 1.600 công ty tại nhiều quốc gia với tổng giá trị các khoản tài chính/cam kết cung cấp tài chính lên đến 11 tỷ Euro.

Việc DEG cung cấp khoản vay cho OCB đợt này trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát đi tín hiệu cảnh báo về khả năng suy thoái, thị trường vốn quốc tế nhiều biến động, đặc biệt những phát sinh trong hoạt động ngân hàng tại Mỹ và châu Âu gần đây, đã khẳng định năng lực và giá trị tín nhiệm của OCB. Vì các định chế tài chính nước ngoài khi chấp thuận cấp tín dụng, đòi hỏi ngân hàng Việt phải trải qua quá trình kiểm duyệt, thẩm định cực kỳ gắt gao về chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo quá trình phát triển an toàn, minh bạch và hiệu quả.

Ngoài ra, trong suốt quá trình duy trì khoản vay, ngân hàng phải nghiêm túc tuân thủ cam kết các chỉ số “sức khỏe” tài chính về an toàn vốn, chất lượng tài sản, thanh khoản...

Với nền tảng quản trị rủi ro vững chắc, hiện đại, phát triển an toàn, minh bạch và hiệu quả, OCB liên tục được các định chế tài chính lớn trên thế giới tin tưởng và đồng hành trong thời gian vừa qua.

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức những tháng cuối năm

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh thực hiện các thủ tục cuối cùng để tiến hành trả cổ tức cho cổ đông theo kế hoạch đã đề ra trong 4 tháng còn lại của năm tài chính 2023.

Tin ngân hàng tuần qua: Thủ tướng yêu cầu báo cáo xử lý các ngân hàng yếu kém trong tháng 9
Ảnh minh họa/nguồn: Internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Mới đây nhất, ngân hàng OCB thông báo 20/9/2023 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành, tỷ lệ 50%.

Tỷ lệ thực hiện là 2:1 tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền và cứ 2 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới. OCB thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với số lượng gần 685 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 50%. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022, xác định theo BCTC riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ theo quy định.

Tương tự, trong tuần qua ngân hàng Eximbank cũng đã thông báo ngày 25/9/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông phát hành gần 265,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức. Tỷ lệ phát hành 18%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 18 cổ phiếu mới.

Giá trị phát hành theo mệnh giá 2.656 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.

Trước đó, HĐQT ngân hàng Vietinbank đã phê duyệt việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành gần 564,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7415% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới). Thời gian phát hành dự kiến là trong quý III - quý IV/2023.

Ngoài các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, VPBank là ngân hàng hiếm hoi còn lại có kế hoạch chia tiền mặt trong năm nay.

Ngân hàng này dự kiến chi gần 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận của năm 2022 để trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Theo bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng giám đốc thường trực VPBank, muộn nhất là quý III/2023, ngân hàng sẽ hoàn tiến hành việc trả cổ tức cho cổ đông.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)