Tin ngân hàng tuần qua: Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN

10:11 | 03/12/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhiều ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt trong năm 2024; Ngân hàng không thiếu vốn; Ngân hàng thương mại được làm đại lý phân phối trái phiếu Chính phủ; Sacombank tăng nguồn vốn và giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng dịp cuối năm… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 2/11: NHNN hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng trong 3 phiên liên tiếpTin ngân hàng ngày 2/11: NHNN hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng trong 3 phiên liên tiếp
Tin ngân hàng ngày 1/12: Vietcombank giảm lãi suất tiết kiệm về dưới 3%Tin ngân hàng ngày 1/12: Vietcombank giảm lãi suất tiết kiệm về dưới 3%

Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Theo Quyết định 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.

Tin ngân hàng tuần qua: Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Quyết định này quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền (Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ).

Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, bao gồm:

Tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: Nhận tiền gửi; Cho vay; Cho thuê tài chính; Dịch vụ thanh toán; Dịch vụ trung gian thanh toán; Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính;

Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Đổi tiền.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;

Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; Kinh doanh kim khí quý, đá quý; Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

Quyết định 11/2023/QĐ-TTg thay thế Quyết định 20/2013/QĐ-TTg ngày 18-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nhiều ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt trong năm 2024

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) vừa ra thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo VIB cho biết, năm 2024, nếu không có sự giới hạn của Ngân hàng Nhà nước thì VIB có thể chia cổ tức trên 30% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2023.

VPBank mới đây cũng đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. Đáng chú ý, lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Các đợt chia cổ tức bằng tiền trong các năm tiếp theo dự định sẽ được ngân hàng thực hiện sớm hơn trong nửa đầu năm, đáp ứng sự mong mỏi của cổ đông đối với kế hoạch phân chia lợi nhuận của ngân hàng.

Techcombank đã không chia cổ tức bằng tiền mặt trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2023 hồi tháng 4/2023, Chủ tịch Techcombank đã đề cập đến việc "có thể sẽ có thay đổi".

"Tôi nhớ năm 2013, cũng tại ĐHCĐ, tôi đã nói Ngân hàng trong 10 năm tới sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay đã là năm thứ 10 và tôi cho rằng đây sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Mọi việc đều có thể xảy ra nhưng Ngân hàng sẽ luôn đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đồng thời, cũng phải đảm bảo hoạt động của ngân hàng", Chủ tịch Techcombank nói.

Với TPBank, ngân hàng này hồi tháng 4 đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. Trong Đại hội cổ đông vừa qua, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú nhấn mạnh, nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu trong các năm tới. Tỷ lệ chia cổ tức sẽ được HĐQT cân nhắc theo từng thời điểm, nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể.

Sau nhiều năm tập trung nguồn lực để tăng cường sức khỏe tài chính và hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã triển khai lại hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt.

Ngân hàng không thiếu vốn

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, tính đến ngày 23/11, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm (14,5%). Theo đó, dư địa còn lại của toàn hệ thống để mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, khoảng 6,2%, tương đương khoảng 735.000 tỉ đồng để cấp cho nền kinh tế. Theo Phó Thống đốc, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế còn yếu…

Tin ngân hàng tuần qua: Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đại diện các NH thương mại Tiên Phong, Sacombank, Techcombank, VPBank, MB Bank… cho biết trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù NHNN điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu, các NH thương mại đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn. Từ nay tới cuối năm, các NH sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, rà soát các khách hàng, nỗ lực đẩy mạnh cho vay, nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra.

Đại diện các NH khẳng định không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room (hạn mức) tín dụng mà còn ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. "Làm NH, nhất là NH thương mại thì "ai cũng thích cho vay", không cho vay được là "thất nghiệp". Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là bài toán khó" - đại diện một NH thương mại phân trần.

Cũng theo các NH, để thúc đẩy giải ngân tín dụng cần có giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vượt khó của các DN để nâng cao khả năng hấp thụ vốn, giống như việc "không thể vỗ tay bằng một bàn tay". Đại diện các NH thương mại đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan bất động sản; những giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư…, qua đó khơi thông "mạch máu" tín dụng.

Ngân hàng thương mại được làm đại lý phân phối trái phiếu Chính phủ

Theo quy định mới của Chính phủ, các ngân hàng muốn trở thành đại lý bán trái phiếu Chính phủ phải đáp ứng các điều kiện về mạng lưới, phân phối và thanh toán

Đại lý phân phối trái phiếu Chính phủ là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có chức năng cung cấp dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu theo quy định.

Đây là quy định mới tại Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán (Nghị định 83), có hiệu lực từ ngày 15/1/2024.

Theo Nghị định 83, điều kiện làm đại lý phân phối cần mạng lưới hoạt động đáp ứng việc phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ; Có phương án tổ chức phân phối và thanh toán trái phiếu đáp ứng được yêu cầu của chủ thể tổ chức phát hành đối với mỗi đợt phát hành.

Về quy trình lựa chọn đại lý phân phối, Nghị định 83 nêu rõ, khi có nhu cầu phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ thông qua đại lý phân phối, Kho bạc Nhà nước thông báo về kế hoạch tổ chức phát hành trên trang điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán để các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đăng ký tham gia làm đại lý phân phối.

Cũng theo quy định mới, căn cứ nhu cầu huy động của ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng đề án phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Trên cơ sở phương án phát hành riêng lẻ được Bộ Tài chính chấp thuận, Kho bạc Nhà nước tổ chức thực hiện. Trường hợp lựa chọn đại lý phân phối, việc lựa chọn và ký hợp đồng với đại lý phân phối thực hiện theo quy định.

Theo Nghị định 83, phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua.

Sacombank tăng nguồn vốn và giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng dịp cuối năm

Đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ vốn rẻ cho người dân, Sacombank triển khai nguồn vốn mới tăng tốc sản xuất kinh doanh 10,000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp với lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5.5%/năm kỳ hạn 4-12 tháng, gói vay triển khai đến hết ngày 31/01/2024.

Tin ngân hàng tuần qua: Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN
Sacombank tăng nguồn vốn và giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng dịp cuối năm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đối với gói 1,000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh trung dài hạn và mua xe ô tô dành cho doanh nghiệp, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất cố định trong 12 tháng còn 8%/năm, gói vay triển khai đến hết ngày 31/12/2023.

Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất gói 15.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn chỉ từ 6%/năm kỳ hạn 1-3 tháng, 6,5%/năm kỳ hạn 4-6 tháng, triển khai đến hết ngày 31/01/2024. Đối với gói 10,000 tỷ đồng phục vụ đời sống, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất cố định trong 6 tháng đầu xuống còn 6,5%/năm hoặc cố định trong 12 tháng đầu 7,5%/năm, triển khai đến hết ngày 31/12/2023.

Cùng với lãi suất thấp, khách hàng sử dụng sản phẩm tín dụng của Sacombank còn được vay với hạn mức cao dựa trên tài sản đảm bảo đa dạng, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Khách hàng vay vốn còn được hưởng nhiều đặc quyền, tiện ích khác như: tặng tài khoản thanh toán số đẹp theo số điện thoại, số căn cước công dân, ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm của khách hàng hoặc theo ngày thành lập, mã số thuế của doanh nghiệp; miễn phí mở thẻ tín dụng; hoàn tiền khi giao dịch thẻ…

Từ đầu năm 2023 đến nay, việc Sacombank liên tục triển khai nhiều gói ưu đãi nguồn vốn với lãi suất giảm dần thể hiện rõ trách nhiệm tuân thủ các chỉ đạo sát sao từ Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy hồi phục kinh tế cũng như sự quan tâm và tạo điều kiện tối đa để khách hàng cá nhân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)