Tin ngân hàng ngày 2/11: NHNN hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng trong 3 phiên liên tiếp

10:00 | 02/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sacombank thông tin về sự việc một khách hàng vay vốn và tham gia bảo hiểm nhân thọ; Đã hỗ trợ hơn 190.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ lãi suất 2%; VietinBank tặng tới 100 triệu đồng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 1/11: Đề xuất không dùng tiền mặt khi giao dịch bất động sảnTin ngân hàng ngày 1/11: Đề xuất không dùng tiền mặt khi giao dịch bất động sản
Tin ngân hàng ngày 31/10: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB đạt hơn 20.000 tỷ đồngTin ngân hàng ngày 31/10: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB đạt hơn 20.000 tỷ đồng

NHNN hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng trong 3 phiên liên tiếp

Trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu, lượng tín phiếu phát hành của NHNN đã tăng lên 20.000 tỷ trong phiên 30/10 - mức cao nhất trong nửa tháng qua. Đồng thời, lãi suất trúng thầu tín phiếu cũng tăng trở lại mức 1,5% - cao nhất từ đầu chu kỳ.

Tin ngân hàng ngày 2/11: NHNN hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng trong 3 phiên liên tiếp
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đến phiên 31/10, Nhà điều hành tiếp tục chào thầu thành công 11.950 tỷ đồng tín phiếu cho 4 thành viên thị trường với lãi suất duy trì ở mức 1,5%.

Như vậy, NHNN đã có 3 phiên hút ròng liên tiếp trên thị trường mở, sau 6 phiên bơm ròng trước đó. Tổng cộng 3 phiên giao dịch vừa qua, Nhà điều hành đã phát hành mới 46.950 tỷ đồng tín phiếu trong khi chỉ có 20.700 tỷ đồng đáo hạn.

Tính chung, NHNN đã hút ròng ra khỏi hệ thống 26.250 tỷ đồng. Đồng thời lượng tín phiếu lưu hành cũng tăng lên mức 204.800 tỷ, tương ứng với lượng tiền được NHNN hút về từ đầu chu kỳ.

Trong bối cảnh cuộc họp chính tháng 11 của Fed đang tới gần (31/10 - 1/11) và NHTW Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa, giới phân tích cho rằng NHNN sẽ tiếp tục phát hành thêm tín phiếu mới thay thế lượng tín phiếu cũ đáo hạn nhằm kiểm soát mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, duy trì chênh lệch lãi suất USD - VND trong "vùng an toàn". Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng NHNN có thể phải sử dụng thêm các công cụ điều hành khác để ổn định tỷ giá nếu đồng bạc xanh tiếp tục leo thang trên thị trường quốc tế.

Trước đó, NHNN mở lại kênh phát hành tín phiếu 28 ngày nhằm hút bớt lượng tiền VND dư thừa trên thị trường liên ngân hàng, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND, qua đó gián tiếp giảm áp lực lên tỷ giá.

Sau hơn 1 tháng áp dụng phương án này, dù lãi suất VND liên ngân hàng đã cao hơn khá nhiều so vùng thấp lịch sử nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục xu hướng tăng, với giá bán tại Vietcombank - ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống - hiện đang được niêm yết ở mức 24.730 VND/USD, tăng khoảng 4,2% từ đầu năm và tăng 1,1% so với cuối tháng 9.

Sacombank thông tin về sự việc một khách hàng vay vốn và tham gia bảo hiểm nhân thọ

Sacombank vừa phát đi thông tin liên quan đến sự việc của 1 khách hàng tham gia bảo hiểm ở Nam Định.

Theo đó, tháng 9/2022, ông Đinh Văn C. phát sinh khoản vay tại Sacombank Chi nhánh Nam Định. Trong quá trình vay vốn, ông C. có tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại Sacombank. Sau khi hợp đồng bảo hiểm được phát hành, Sacombank đã gửi thư cảm ơn đến khách hàng. Cuối tháng 9/2023, khoản vay được tái thẩm định và đánh giá khách hàng không đủ điều kiện để tái cấp tín dụng.

Khách hàng Đinh Văn C. đã phản ánh đến báo chí về quá trình thực hiện khoản vay này và cho rằng khách hàng bị ép tham gia bảo hiểm. Một số ý kiến trên truyền thông cho rằng thư cảm ơn của Sacombank là sự bảo chứng cho việc vay vốn và tiếp tục được tái cấp tín dụng cho khách hàng.

Trên cơ sở sự việc trên, Sacombank có phản hồi như sau:

Khách hàng Đinh Văn C. là khách hàng vay tại Sacombank Chi nhánh Nam Định. Khoản vay của khách hàng đã được Sacombank Chi nhánh Nam Định thực hiện thẩm định và cấp tín dụng theo đúng quy định.

Trong quá trình giao dịch, nhân viên Sacombank đã giới thiệu thêm về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Dai-ichi Life Việt Nam. Sacombank đã tư vấn đầy đủ cho khách hàng, gói bảo hiểm được thiết kế theo nhu cầu và khả năng tài chính của chính khách hàng. Sacombank khẳng định không ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm và đây không phải là điều kiện để giải ngân khoản vay.

Đối với sản phẩm bảo hiểm, khách hàng có thêm 21 ngày để cân nhắc lại hợp đồng bảo hiểm và có quyền yêu cầu hủy. Trong suốt quá trình giao dịch, khách hàng đã đồng thuận tham gia và không có bất cứ yêu cầu hủy hoặc khiếu nại nào. Khi hợp đồng bảo hiểm được phát hành, Sacombank đã gửi thư cảm ơn thể hiện sự tri ân đối với khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Thư cảm ơn này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc cam kết cấp phát tín dụng hoặc bất kỳ sản phẩm - dịch vụ nào khác của ngân hàng.

"Chúng tôi khẳng định, Sacombank luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước" - Sacombank nói rõ trong thông cáo phát đi chiều ngày 01/11.

Đã hỗ trợ hơn 190.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ lãi suất 2%

Theo Ngân hàng Nhà nước, gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đã hỗ trợ hơn 190.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Ngành ngân hàng đã tích cực hợp tác với các bộ, ngành để đảm bảo tiếp cận nhanh chóng cho các đối tượng được hỗ trợ.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/9, có 36 trong tổng số 44 ngân hàng thương mại được thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất đã phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất. Tổng số tiền hỗ trợ đã đạt hơn 190.000 tỷ đồng, với dư nợ hỗ trợ lãi suất là hơn 63.000 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 873 tỷ đồng cho hơn 2.200 khách hàng, chủ yếu là doanh nghiệp (chiếm 99%).

Các ngân hàng thương mại như VietinBank, HSBC và BIDV đã có kết quả hỗ trợ tích cực, và nhiều ngân hàng khác cũng đã tham gia vào chương trình.

Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất vẫn thấp so với mục tiêu ban đầu, với nhiều nguyên nhân như khách hàng không đáp ứng các điều kiện được hỗ trợ, tâm lý e ngại hậu kiểm, khó đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng, và sự lựa chọn của một số khách hàng vay bằng ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận hạn chế trong quá trình triển khai chính sách, bao gồm việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm, thiếu tập trung vào tập huấn và đào tạo nội bộ, và thông tin phổ biến chưa đầy đủ.

Cơ quan này cam kết thực hiện các biện pháp để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền, và hướng dẫn các ngân hàng thương mại và đối tượng thụ hưởng chính sách.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp thực hiện truyền thông, tuyên truyền đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất để các đối tượng quan tâm được tiếp cận chính sách hỗ trợ từ ngân sách; tạo thuận lợi và đẩy nhanh quá trình thanh toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

VietinBank tặng tới 100 triệu đồng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Từ nay đến ngày 31/12/2023, các doanh nghiệp (DN) có cơ hội nhận thưởng tới 100 triệu đồng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ (SPDV) Thanh toán Quốc tế và Tài trợ Thương mại (TTQT và TTTM) phục vụ hoạt động thanh toán cho hợp đồng xuất nhập khẩu (XNK) đồng ngoại tệ với giá trị giao dịch từ 200.000 USD.

Tin ngân hàng ngày 2/11: NHNN hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng trong 3 phiên liên tiếp
VietinBank tặng tới 100 triệu đồng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, với mỗi giao dịch phục vụ hoạt động thanh toán cho hợp đồng XNK đồng ngoại tệ (như: Chuyển tiền ngoại tệ đi - đến; thanh toán bao thanh toán nhập khẩu - xuất khẩu; thanh toán bộ chứng từ L/C xuất khẩu - nhập khẩu; thanh toán bộ chứng từ nhờ thu nhập khẩu - xuất khẩu; thanh toán bộ chứng từ TTR nhập khẩu - xuất khẩu…) có trị giá từ 200.000 USD/giao dịch, DN sẽ có cơ hội nhận được tiền thưởng tương ứng với số lượng giao dịch.

Bên cạnh đó, VietinBank gia tăng thêm ưu đãi dành cho DN XNK trong Chương trình Trade UP. Theo đó, DN XNK lần đầu sử dụng SP mua bán ngoại tệ, TTQT và TTTM sẽ được nhận các ưu đãi về lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, miễn/giảm phí dịch vụ và phí bảo hiểm hàng hóa vận chuyển.

Bên cạnh việc nỗ lực duy trì chất lượng dịch vụ trong việc cung ứng SPDV, đáp ứng tối đa nhu cầu DN XNK với thời gian phục vụ nhanh nhất, chi phí cạnh tranh nhất, VietinBank là đơn vị tiên phong phát triển các giải pháp về TTQT và TTTM. Việc phát triển các giải pháp này nhằm tối ưu hóa hiệu quả của các sản phẩm hiện hữu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của DN XNK và thích ứng nhanh với những biến động của thị trường. Điển hình như các giải pháp: Phát hành thư tín dụng (L/C) bằng công nghệ Blockchain tại Việt Nam; dịch vụ mua/bán và chuyển ngoại tệ trên kênh ngân hàng số VietinBank eFAST không cần hoàn hồ sơ giấy; các sản phẩm TTTM cấu trúc như Upas L/C, sản phẩm thanh toán trước hạn bộ chứng từ theo L/C, sản phẩm chiết khấu miễn truy đòi…

Các giải pháp tài chính được VietinBank xây dựng với với mục tiêu xuyên suốt là sự kết hợp tối ưu của tổng thể các SPDV mà VietinBank có thể cung cấp. Các giải pháp đáp ứng toàn diện nhu cầu của DN và hệ sinh thái của DN về: Tiền gửi, tiền vay, quản lý dòng tiền, TTQT và TTTM, bảo lãnh, dịch vụ ngân hàng số (E-Banking, Host to Host, APIs...), dịch vụ tài khoản...

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)