Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Hơn 700.000 tỷ đồng được "bơm" ra nền kinh tế trong 4 tháng

10:15 | 01/05/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Eximbank tăng trưởng lợi nhuận cao nhất quý 1, lãi gấp gần 4 lần cùng kỳ; Bảo hiểm xã hội đã chi hơn 1.900 tỷ đồng hỗ trợ người mắc Covid-19; Sacombank đóng góp thêm 2 tỷ đồng giúp trẻ em ung thư khó khăn có cơ hội chữa lành; Vietinbank dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 54.000 tỷ đồng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.

Tin ngân hàng ngày 30/4: Gian lận giao dịch điện tử gia tăng “chóng mặt” sau đại dịchTin ngân hàng ngày 30/4: Gian lận giao dịch điện tử gia tăng “chóng mặt” sau đại dịch

Tin ngân hàng ngày 29/4: Hệ sinh thái ngân hàng số - Lợi thế cạnh tranh của các nhà băngTin ngân hàng ngày 29/4: Hệ sinh thái ngân hàng số - Lợi thế cạnh tranh của các nhà băng

Hơn 700.000 tỷ đồng được "bơm" ra nền kinh tế trong 4 tháng

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 14%. Tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, tăng trưởng tín dụng đến ngày 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Hơn 700.000 tỷ đồng được
Hơn 700.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế trong 4 tháng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Điều này đặt ra bài toán với NHNN điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm, vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa không chủ quan với lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Được biết, cuối năm 2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế là hơn 10,44 triệu tỷ đồng. Như vậy, ước tính từ đầu năm đến 25/4/2022, hệ thống tổ chức tín dụng đã "bơm" ra nền kinh tế hơn 700.000 tỷ đồng tín dụng.

Cũng theo thông tin tại phiên họp, tình hình kinh tế tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2017-2022); các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.

Hoạt động khởi sự doanh nghiệp nở rộ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15 nghìn doanh nghiệp; trong 4 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng kỳ.

Eximbank tăng trưởng lợi nhuận cao nhất quý 1, lãi gấp gần 4 lần cùng kỳ

Theo báo cáo tài chính vừa được Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) công bố, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I đạt hơn 809 tỷ, gấp hơn 3,77 lần cùng kỳ 2021. Trong đó, lãi thuần từ nhiều hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần đóng góp nhiều nhất vào nguồn thu của ngân hàng với hơn 1.244 tỷ, gấp hơn 1,5 lần so với quý I/2021. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 153,3 tỷ, tăng trưởng 60,9%; hoạt động đầu tư chứng khoán báo lãi 126 tỷ, gấp hơn 3 lần.

Ở chiều ngược lại, hoạt động dịch vụ và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần giảm 25,1% và 49,7% so với cùng kỳ.

Tổng hợp, thu nhập hoạt động Eximbank trong quý I đạt gần 1.668 tỷ đồng, tăng hơn 50%. Sau khi trừ chi phí hoạt động hơn 700 tỷ, ngân hàng lãi thuần 967 tỷ đồng, tăng gần 82%.

Bên cạnh sự tăng trưởng tại các mảng kinh doanh, việc giảm được hơn một nửa chi phí dự phòng cũng là nhân tố quan trọng giúp lợi nhuận quý I bứt tốc.

Tính đến 31/03/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 172,3 nghìn tỷ, tăng 3,9% so với cuối năm ngoái; dư nợ cho vay khách hàng ở mức 122,5 nghìn tỷ, tăng 6,9%. Tiền gửi khách hàng đạt hơn 139 nghìn tỷ, tăng 1,2%.

Về chất lượng tài sản, nợ xấu nội bảng của ngân hàng ở mức 2.421 tỷ, tăng nhẹ 7,7%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,96% vào cuối năm trước lên 1,98%.

Kế hoạch kinh doanh của ngân hàng trong năm nay vẫn chưa đại hội cổ đông thông qua. Tuy nhiên, theo tờ trình của HĐQT, ngân hàng ước lãi 2.500 tỷ trong năm 2022, tăng 107,5% so với mức thực hiện năm 2021. Tổng tài sản đạt đến cuối năm dự kiến đạt 179.000 tỷ, tăng 7,9%; huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư 147.600 tỷ, tăng 7,4%; dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp đạt 127.149 tỷ, tăng 10%; nợ xấu nội bảng khống chế dưới 1,7%.

Bảo hiểm xã hội đã chi hơn 1.900 tỷ đồng hỗ trợ người mắc Covid-19

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ngày 28/4 thông tin, trong tháng 4/2022 (ước đến ngày 27/4), toàn Ngành đã giải quyết chế độ ốm đau cho 805.706 lượt người hưởng do mắc Covid-19 với số tiền gần 957 tỷ đồng.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Hơn 700.000 tỷ đồng được
Bảo hiểm xã hội đã chi hơn 1.900 tỷ đồng hỗ trợ người mắc Covid-19/Ảnh minh họa//https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022 đã giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho 1.453.718 lượt người hưởng do mắc Covid-19 với số tiền trên 1.900 tỷ đồng. Mức hưởng bình quân một người bị ốm đau do mắc Covid-19 là hơn 1,5 triệu đồng; thời gian hưởng bình quân là 8,5 ngày.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp nhận các hồ sơ giấy tờ để giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 theo đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.

Về giải quyết vướng mắc trong hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc Covid-19 điều trị tại nhà, ngày 2/3/2022, Bộ Y tế đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 279/TTr-BYT về việc giải quyết cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc Covid-19 và đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có công văn, chỉ đạo bảo hiểm xã hội các địa phương bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về nguồn kinh phí, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi đối với người lao động bị mắc Covid-19 có đủ hồ sơ theo quy định.

Trong thời gian tới, khi cấp có thẩm quyền ban hành quy định mới về hồ sơ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc Covid-19, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tổ chức ngay việc tiếp nhận và giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động theo quy định mới này.

Sacombank đóng góp thêm 2 tỷ đồng giúp trẻ em ung thư khó khăn có cơ hội chữa lành

Vừa qua, Sacombank tiếp tục trao tặng thêm 2 tỷ đồng cho chương trình Mặt trời Hy vọng thuộc Quỹ Hy vọng nhằm tiếp tục góp phần mang đến hy vọng và cơ hội chữa lành cho trẻ em ung thư Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn. Sacombank là đơn vị đầu tiên đồng hành cùng dự án từ năm 2020, đến nay, Ngân hàng đã đóng góp tổng cộng 6 tỷ đồng vào Quỹ.

Với mong muốn nâng cao cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhi ung thư khó khăn, chương trình Mặt trời Hy vọng ra đời với nhiều hoạt động nhằm giúp các gia đình bệnh nhi giảm bớt gánh nặng về kinh tế cũng như được chăm sóc tốt hơn về tinh thần.

Tính đến tháng 4/2022, Chương trình Mặt trời Hy vọng đã tài trợ chi phí điều trị cho 485 bệnh nhi với tổng giá trị gần 16 tỷ đồng. Trong đó, nhiều bệnh nhi được hỗ trợ ghép tế bào gốc, phẫu thuật, thay xương nhân tạo với chi phí 100 -150 triệu đồng/ca. Nhờ được tiếp cận các phương pháp y khoa hiện đại, nhiều em đã khỏi bệnh, sức khoẻ ổn định.

Việc Sacombank đồng hành cùng chương trình Mặt trời Hy vọng không chỉ minh chứng cho cam kết trách nhiệm của Sacombank đối với xã hội, cộng đồng; mà còn thể hiện sự quan tâm, đồng hành lâu dài của Sacombank đối với dự án. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Sacombank đã triển khai các hoạt động vì cộng đồng giàu ý nghĩa như: Hiến máu nhân đạo “Sacombank chia sẻ từ trái tim”, trao học bổng “Ươm mầm cho những ước mơ” cho các em học sinh, sinh viên vượt khó có thành tích cao trong học tập; xây nhà văn hóa cộng đồng cho đồng bào dân tộc ít người thông qua quyên góp từ chuỗi chạy bộ “Những bước chân vì cộng đồng”; đóng góp hiện vật hiện kim xây dựng nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng, phòng chống dịch bệnh COVID-19…

Vietinbank dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 54.000 tỷ đồng

Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông 2022, ngân hàng VietinBank đã trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Hơn 700.000 tỷ đồng được
Vietinbank dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 54.000 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%. Số vốn tăng thêm dự kiến được dùng toàn bộ để phục vụ kinh doanh, được phân bổ vào các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng với cơ cấu hợp lý trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2021 của VietinBank là 13.622 tỷ đồng. Sau khi trích các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng phúc lợi, lợi nhuận còn lại của ngân hàng là 9.624 tỷ đồng. VietinBank cũng muốn dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại này để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Nói thêm về việc tăng vốn, ông Trần Bình Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, ngân hàng sẽ dành toàn bộ lợi nhuận thu được để tăng vốn. Về tỷ lệ cụ thể bao nhiêu, ngân hàng cần xin ý kiến Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Nhưng theo quan điểm của Quốc hội dành cho ngành ngân hàng, việc lợi nhuận dành trọn vẹn cho việc tăng vốn sẽ khiến tỷ lệ cổ tức tốt trong thời gian tới.

Năm 2022, dựa trên nền tảng tiềm lực và những thành tựu đạt được giai đoạn trước, lãnh đạo Vietinbank tin tưởng sẽ hoàn thành các mục tiêu doanh thu năm 2022.

Nhìn kết quả kinh doanh năm 2021, lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm của ngân hàng đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm trước. Quy mô tổng tài sản tại thời điểm ngày 31/12/2021 đạt con số 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank đạt 1,13 triệu tỷ đồng, tăng trưởng ở mức vừa phải do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu tín dụng sụt giảm.

Đặc biệt, trong năm 2021, VietinBank đã trích lập hơn 90% số dự phòng phải trích lập theo Thông tư 03, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện tích cực ở mức 180%, cao hơn 37% so với năm 2020. Từ đó giúp VietinBank nâng cao năng lực tài chính, khả năng chống chịu trước các rủi ro có thể có từ nền kinh tế. VietinBank chủ động cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank năm 2021 đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2020.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/H)