Tin ngân hàng ngày 30/4: Gian lận giao dịch điện tử gia tăng “chóng mặt” sau đại dịch

10:30 | 30/04/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Quý 1/2022, SHB lãi trước thuế hơn 3.227 tỷ đồng, tăng gần 94%; BHXH Việt Nam đã giải quyết chế độ bảo hiểm cho trên 2 triệu lượt người; Nam A Bank sẽ tăng vốn lên hơn 10.500 tỷ đồng trong năm 2022... là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Tin ngân hàng ngày 29/4: Hệ sinh thái ngân hàng số - Lợi thế cạnh tranh của các nhà băngTin ngân hàng ngày 29/4: Hệ sinh thái ngân hàng số - Lợi thế cạnh tranh của các nhà băng

Tin ngân hàng ngày 28/4: VietABank báo lãi quý 1/2022 gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoáiTin ngân hàng ngày 28/4: VietABank báo lãi quý 1/2022 gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái

Gian lận giao dịch điện tử gia tăng “chóng mặt” sau đại dịch

Với sự tiện lợi và dễ dàng, các kênh giao dịch thương mại điện tử đã trở thành kênh mua sắm hàng đầu của giới trẻ, cùng với đó là sự khuyến khích cho phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại nhiều quốc gia, khiến cho giao dịch điện tử và giao dịch thẻ tín dụng trực tuyến trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, điều đó kéo theo lượng tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là qua giao dịch điện tử và giao dịch thẻ, có xu hướng tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Tin ngân hàng ngày 30/4: Gian lận giao dịch điện tử gia tăng “chóng mặt” sau đại dịch
Gian lận giao dịch điện tử gia tăng “chóng mặt” sau đại dịch/Ảnh minh họa/nguồn: internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại Việt Nam, số vụ việc gian lận giao dịch điện tử cũng ghi nhận kỷ lục trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Lợi dụng việc người dân phải ở nhà trong các đợt giãn cách xã hội, các đối tượng lừa đảo đã tiếp cận người dùng và giới thiệu các chương trình hỗ trợ lãi suất vay, hỗ trợ rút tiền dư trong thẻ tín dụng, đóng hoặc kích hoạt thẻ tín dụng… từ đó chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng của người dùng để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, một phương thức gian lận phổ biến khác mà các tổ chức tín dụng liên tục phát đi cảnh báo thời gian vừa qua là thủ đoạn giả danh nhà mạng yêu cầu khách hàng nâng cấp Sim 4G nhằm chiếm đoạt Sim của khách hàng bằng cách nhắn mã USSD hoặc làm giả giấy tờ của khách hàng, sau đó đăng ký với nhà mạng để chiếm đọat Sim và thực hiện các giao dịch gian lận như rút tiền khỏi tài khoản, mua sắm và thanh toán online với các thiết bị điện tử đắt tiền…. sau khi nhận mã OTP từ Sim.

Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn mới đánh cắp OTP để thực hiện lấy dữ liệu rồi kết nối ví điện tử từ đó thực hiện rút tiền qua các ví điện tử. Cụ thể, lợi dụng việc thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của khách hàng liên kết với hầu hết các ví điện tử như Momo, ZaloPay, MOCA…, kẻ gian lợi dụng mời chào khách hàng vay vốn trực tuyến (online), rồi yêu cầu cung cấp các thông tin, hình ảnh như chứng minh nhân dân, số thẻ ngân hàng, ngày đến hạn, số CVV, mật khẩu OTP… Sau khi lấy được những thông tin này, chúng thực hiện mở ví điện tử đối với khách hàng chưa từng mở ví, rồi thực hiện mua sắm, thanh toán online chuyển qua ví điện tử khác để chiếm đoạt…

Quý 1/2022, SHB lãi trước thuế hơn 3.227 tỷ đồng, tăng gần 94%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt hơn 3.227 tỷ, tăng 93,9% (~ gấp 2 lần), hoàn thành 28% kế hoạch năm 2022. Trong đó, hầu hết các mảng kinh doanh của ngân hàng đều có lãi và ghi nhận sự tăng trưởng trong quý I/2022.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quý đạt 4.223 tỷ, tăng trưởng 89,7% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận ngân hàng.

Về các khoản thu ngoài lãi, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 24,3%, đạt 157 tỷ; Lãi thuần từ hoạt động chứng khoán đầu tư đạt 66 tỷ, tăng 27,1%; hoạt động kinh doanh khác lãi 209 tỷ, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Ngược lại, lãi thuần của hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm gần một nửa xuống còn 28 tỷ đồng.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của SHB trong quý I đạt 4.694 tỷ, tăng gần 84% so với quý I/2021. Sau khi trừ 995 tỷ chi phí hoạt động, ngân hàng lãi thuần gần 3.700 tỷ, tăng hơn 122%.

Trong 3 tháng đầu năm, ngân hàng cũng đã chi ra 472 tỷ để dự phòng rủi ro trong khi cùng kỳ năm trước không xuất hiện chi phí này.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của SHB đạt 515,5 nghìn tỷ, tăng 1,8% so với cuối năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 371,7 nghìn tỷ, tăng trưởng 2,6%. Tiền gửi khách hàng đạt 333,6 nghìn tỷ, tăng 2%.

Về chất lượng tài sản, tính đến 31/03/2022, nợ xấu ngân hàng ở mức 6.483 tỷ, tăng 370 tỷ so với cuối năm trước. Qua đó kéo ỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,69% lên 1,74%.

Theo kế hoạch được đại hội cổ đông đề ra, SHB dự kiến lợi nhuận trước thuế tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; tổng tài sản tăng trưởng trên 12%; vốn điều lệ tăng trưởng 36% so với năm 2021; chia cổ tức tối thiểu 18%.

BHXH Việt Nam đã giải quyết chế độ bảo hiểm cho trên 2 triệu lượt người

Mới đây, tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) quý 1/2022. Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu nhập và việc làm của người lao động (NLĐ), gây khó khăn nhất định cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của ngành BHXH Việt Nam.

Tuy nhiên, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức và cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí toàn ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, quyết tâm, “biến khó khăn, thách thức thành động lực”, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục đảm bảo kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Tính đến hết quý 1/2022 đã có trên 16,4 triệu người tham gia BHXH đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,77% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021); trên 13,4 triệu người tham gia BHTN đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2021; trên 85,3 triệu người tham gia BHYT đạt 87,44% dân số.

Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu, trong quý 1/2022, nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực phối hợp cùng với các Bộ, ban, ngành liên quan, kịp thời có những giải pháp tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Kết quả, trong quý 1/2022, toàn Ngành đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho trên 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021; trên 308 nghìn lượt người hưởng chế độ thai sản; gần 199 nghìn lượt người hưởng mới các chế độ BHTN; gần 27,8 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT…

Nam A Bank sẽ tăng vốn lên hơn 10.500 tỷ đồng trong năm 2022

Ngày 29/04/2022, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank ) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022. Đại hội đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng, đồng thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên đến gần 29%, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.250 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ mức hơn 10.500 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán…

Tin ngân hàng ngày 30/4: Gian lận giao dịch điện tử gia tăng “chóng mặt” sau đại dịch
Nam A Bank sẽ tăng vốn lên hơn 10.500 tỷ đồng trong năm 2022/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, các cổ đông đã đồng thuận thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 với lợi nhuận đạt 2.250 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên mức hơn 10.500 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ nhằm góp phần tăng cường năng lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung – dài hạn, mở rộng kinh doanh và đầu tư cho chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, các cổ đông đồng thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ lên đến gần 29%. Đây là mức chia cổ tức top cao trong ngành.

Liên quan đến vấn đề niêm yết, hiện cổ phiếu NAB của Nam A Bank đang được giao dịch trên hệ thống UPCoM, cổ đông cũng thông qua phương án niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành tại sàn HoSE hoặc HNX.

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, năm 2022 Nam A Bank tiếp tục đặt trọng tâm kinh doanh phát triển bền vững, ổn định, chú trọng chiến lược công nghệ hướng song song với xanh hóa tài chính nhằm nâng tầm mô hình tài chính toàn diện và tăng cường trách nhiệm xã hội.

Ngân hàng sẽ chú trọng củng cố hoạt động, tạo những bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi số với mục tiêu quản trị, điều hành trên nền tảng số, tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và giữ đà tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, Ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện Hệ sinh thái Ngân hàng số: Robot OPBA, Open Banking và ONEBANK, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi, 365+, kể cả dịp Lễ Tết.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto