Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%

10:40 | 17/07/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Agribank góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; Ngân hàng nắm giữ hơn 154.000 tỷ trái phiếu bất động sản, xây dựng; Quỹ dự phòng Bảo hiểm tiền gửi đạt 83.000 tỷ đồng; Không siết cho vay bất động sản nhưng phải kiểm soát… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 16/7: Điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua nhàTin ngân hàng ngày 16/7: Điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua nhà
Tin ngân hàng ngày 15/7: 6 tháng đầu năm, lợi nhuận SHB tăng 84% so với cùng kỳTin ngân hàng ngày 15/7: 6 tháng đầu năm, lợi nhuận SHB tăng 84% so với cùng kỳ

Ngân hàng Nhà nước: Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2022, diễn ra ngày 15/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng phấn đấu điều hành giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%; ổn định tỷ giá khi giá cả hàng hoá tăng cao, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; kiểm soát lạm phát bình quân 4% trong bối cảnh lạm phát trên thế giới tăng cao, nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát hiện hữu.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%
Ngân hàng Nhà nước: Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều biến động trong thời gian qua cũng sẽ tác động đến ngành ngân hàng.

Do đó, những tháng cuối năm ngành sẽ có nhiều thách thức, đòi hỏi sự điều hành khéo léo của chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế; theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Về điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục linh hoạt điều hành, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động mua bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, về điều hành tín dụng chung đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngân hàng nắm giữ hơn 154.000 tỷ trái phiếu bất động sản, xây dựng

Thông tin tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản ngày 14/7, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống đến cuối tháng 5/2022 đạt 309.506 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,74% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong đó, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 154.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống, tăng 18,7% so với cuối tháng 12/2021.

Theo Thống đốc, với vai trò bảo lãnh cho các chủ thể tham gia thị trường, tổ chức tín dụng thực hiện cấp bảo lãnh cho các chủ thể tham gia thị trường như bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán...

Ngoài ra, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Do đó, tổ chức tín dụng còn thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Đến 31/5/2022, số dư bảo lãnh là 685.495 tỷ đồng, trong đó, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 18.304 tỷ đồng, tăng 5,96% so với cuối năm 2021.

Thống đốc cho biết, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp như mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dung; cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng; nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay.

Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định. Do vậy, có thể nói các tổ chức tín dụng rất hạn chế trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản.

Agribank góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Cùng với toàn ngành Ngân hàng, Agribank đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ, chức năng, tiện ích mới trong thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, như: Mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử ePIN, thanh toán vé xe buýt VinBus, chuyển tiền liên ngân hàng bằng mã VietQR, ATM đa chức năng (CDM) với chức năng nạp tiền tự động và gửi tiền trực tuyến,...

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%
Agribank góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Agribank hiện có gần 20 triệu khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 16 triệu khách hàng sử dụng thẻ ATM, gần 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh E-Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking. Phương thức thanh toán tự động chiếm khoảng 81% tổng số giao dịch thanh toán của khách hàng tại Agribank. Những con số trên cho thấy người dùng ít mặn mà với tiền mặt còn thanh toán số ngày càng giàu sức hút.

Trong năm 2021, Agribank đã triển khai dịch vụ thu hộ với gần 2000 đơn vị, nhà cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, điện nước, viễn thông, bảo hiểm, bệnh viện, công ty tài chính. Tích hợp các tiện ích đối với dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ lên Cổng thông tin dịch vụ Quốc gia; tích hợp các dịch vụ thanh toán thuế, phí, lệ phí thông qua Ví điện tử, trên ứng dụng Ngân hàng điện tử Agribank E-Mobile Banking; triển khai dịch vụ thu hộ học phí cho các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý trường học của SSC, MISA… Doanh số dịch vụ thanh toán hóa đơn tăng gần 50% so với năm 2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán đạt hơn 54 triệu giao dịch với gần 20 triệu tỷ đồng.

Xác định ứng dụng công nghệ mới để hạn chế thanh toán dùng tiền mặt là mục tiêu quan trọng của mình, Agribank đã ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để thanh toán qua xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt... Cùng với đó, triển khai ký kết thỏa thuận với các đơn vị để cung ứng dịch vụ thu tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, góp phần thúc đẩy thanh toán dịch vụ công không tiền mặt.

Dựa trên chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, Agribank đã mang đến khách hàng những trải nghiệm số hóa vượt trội và giải pháp tài chính được cá nhân hóa theo nhu cầu. Với số lượng khách hàng sử dụng thẻ trên 16 triệu người, đây là kết quả của chặng đường dài với những nỗ lực để thu hút, thay đổi và tạo niềm tin cho người sử dụng.

Quỹ dự phòng Bảo hiểm tiền gửi đạt 83.000 tỷ đồng

Tổng nguồn vốn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt hơn 88.800 tỷ đồng, tăng 8,7% cùng kỳ trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt gần 83.000 tỷ đồng nửa đầu năm nay.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này cấp bổ sung, cấp lại 113 bản sao và cấp lại 9 chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của các tổ chức này.

Công tác thu phí triển khai dự kiến đạt kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước giao năm nay. Tổng số phí thu trong hai quý đầu năm là 4.902 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch năm, cơ quan này cũng miễn nộp phí cho một số tổ chức theo quy định.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam kết hợp đầu tư linh hoạt trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 153 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đạt 54,64% so với kế hoạch. Năm nay dù chưa phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, song cơ quan này luôn theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, sẵn sàng kịp thời chi trả khi cần thiết để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.

Cơ quan này cũng thực hiện truyền thông với hình thức đa dạng; tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI), Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương (APRC) thuộc IADI, phối hợp cùng các tổ chức quốc tế khảo sát, đánh giá định kỳ.

Trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan này là tham gia soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm tiền gửi, hoàn thiện chiến lược phát triển, đề xuất phê duyệt tăng vốn điều lệ...

Về hoạt động nghiệp vụ, tổ chức xác định 8 nhóm nhiệm vụ gồm: thực hiện cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia Bảo hiểm tiền gửi; theo dõi tình hình hoạt động của các tổ chức; tập trung mọi nguồn lực, linh hoạt thực hiện các phương án kiểm tra, đảm bảo hoàn thành kế hoạch định kỳ. Cơ quan này nỗ lực tính và thu phí theo đúng quy định, hoàn thành mục tiêu, sẵn sàng chi trả bảo hiểm khi phát sinh nghĩa vụ.

Bảo hiểm cũng chủ động chuẩn bị nguồn lực, tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém; đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn, hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu.

Không siết cho vay bất động sản nhưng phải kiểm soát

Đối với hoạt động cấp tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản; chứng khoán; trái phiếu doanh nghiệp; BOT, BT giao thông… bà Giang cho biết định hướng của NHNN là tăng cường quản lý rủi ro. Trong đó, cơ quan quản lý tiền tệ không chủ trương hạn chế tín dụng đối với bất động sản và các lĩnh vực này nhưng cần kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%
Không siết cho vay bất động sản nhưng phải kiểm soát/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Chỉ đạo tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết việc thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều biến động gần đây dự kiến cũng tác động đến ngành ngân hàng.

Vì vậy, trong những tháng cuối năm, ngành ngân hàng sẽ có nhiều thách thức, đòi hỏi sự điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.

Trước đó, số liệu được Thống đốc NHNN đưa ra cho biết tính đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã đạt 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm 2021. Đây vẫn là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng chung toàn ngành. Với mức dư nợ này, cho vay bất động sản đang chiếm khoảng 20,66% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Trong tổng số 2,33 triệu tỷ dư nợ đã cấp cho lĩnh vực bất động sản, NHNN cho biết khoảng 1,55 triệu tỷ đồng (66,3%) là dư nợ cho vay tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản, tăng 14,41% so với đầu năm. Ngoài ra, dư nợ với mục đích kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 33,7%, tương đương hơn 786.000 tỷ đồng, tăng 8,4%.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết ngoài việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nguồn vốn huy động, trong những năm qua, các ngân hàng còn thực hiện một số chương trình, tín dụng về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ. Đến ngày 31/5, dư nợ cho vay nhà ở với các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội là 3.131 tỷ đồng với hơn 129.000 khách hàng còn dư nợ.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)