Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng

10:48 | 04/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sắp cổ phần hóa 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam; Áp lực lớn với ngân hàng từ nợ xấu và trích lập dự phòng; Ông Phạm Toàn Vượng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Agribank; Giá USD giảm mạnh trong tuần qua… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 3/12: Các ngân hàng được nới room tín dụng thêm hàng nghìn tỷ đồngTin ngân hàng ngày 3/12: Các ngân hàng được nới room tín dụng thêm hàng nghìn tỷ đồng
Tin ngân hàng ngày 2/12: Ngân hàng Bản Việt tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,8 - 1,1%/nămTin ngân hàng ngày 2/12: Ngân hàng Bản Việt tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,8 - 1,1%/năm

Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng

Mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) thông báo Nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh 2023 để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng
Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Hội đồng Quản trị Eximbank đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ.

Ban điều hành Eximbank cũng ước tính tổng tài sản đến cuối năm 2023 ở mức khoảng 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ, tăng 14%. Với số dư nợ tín dụng kể trên, ban điều hành Eximbank dự kiến kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%, thấp hơn so với mức 1,7% vào cuối năm nay. Huy động vốn ước tính tăng 11,8% lên khoảng 165.000 tỷ đồng.

Mặt khác, Eximbank đang cho thấy sự trở lại mạnh mẽ về kết quả kinh doanh khi ghi nhận lãi trước thuế 9 tháng đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 2.542 tỷ đồng, tăng 228%.

Theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng năm 2022. Như vậy, sau 9 tháng, ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm.

Mới đây, Eximbank đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/11 để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 16/1/2023. Đồng thời, HĐQT Eximbank cũng ban hành Nghị quyết thông qua việc đề xử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025). Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền đề xử là 11/11/2022. Số lượng thành viên dự kiến bầu bổ sung sẽ được nêu và công bố thông tin tại thông báo gửi cổ đông.

Eximbank dự kiến ngày 6/12 sẽ trình hồ sơ cho NHNN Việt Nam xem xét chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến.

Sắp cổ phần hoá 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam sẽ được cổ phần hóa.

Nội dung quyết định do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký nêu rõ, duy trì 195 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giai đoạn 2022 - 2025 (danh mục doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025).

Thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn 141 doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025; giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 doanh nghiệp.

21 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng giai đoạn 2022 - 2025.

Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc: Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp chưa được quy định tại Quyết định này (không thuộc diện chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) thực hiện sắp xếp theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó,  Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thuộc danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, tỷ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là từ 65% vốn trở lên.

Trong khi đó, Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 64,46% cổ phần tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chính phủ sẽ thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ kế hoạch sắp xếp và tỷ lệ vốn dự kiến Nhà nước nắm giữ tại 2 ngân hàng. Nhà nước đang nắm giữ 80,9% vốn tại BIDV và 74,8% vốn tại Vietcombank.

Áp lực lớn với ngân hàng từ nợ xấu và trích lập dự phòng

Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng bước siết tín dụng với lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có bất động sản. Báo cáo tình hình hoạt động quý III/2022 của Bộ Xây dựng, tín dụng đối với kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 8 giảm hơn 7.340 tỷ đồng so với tháng 6, còn 777.235 tỷ đồng.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng
Áp lực lớn với ngân hàng từ nợ xấu và trích lập dự phòng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Còn về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu phát hành khoảng 323.000 tỷ đồng, trong đó đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản 93.000 tỷ đồng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, huy động vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi vốn cho bất động sản là dài hạn, nên mở rộng tín dụng lĩnh vực này sẽ tiềm ẩn rủi ro.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2020-2022 là trái phiếu bất động sản. Trong đó, công ty chưa niêm yết chiếm trên 80%. Trong giai đoạn này, trái phiếu doanh nghiệp đa số do các ngân hàng thương mại phát hành và mua lại với lượng lớn từ các công ty bất động sản - chiếm hơn 40% lượng trái phiếu phát hành và giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI giữ quan điểm, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực khá lớn. Trong thời gian gần đây, các công ty bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu nợ cho hoạt động kinh doanh của mình, dẫn đến gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ.

Một số doanh nghiệp đã yêu cầu hoãn thanh toán gốc và thanh toán lãi. Tổng số trái phiếu sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành đang lưu hành khoảng 945.000 tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 - 2024 và 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025.

Gần một phần ba số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Tuy nhiên, con số này vẫn không bao gồm những trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân, nhưng có bảo lãnh thanh toán, cũng như những trái phiếu hiện không có trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Vì thế, ngân hàng vẫn sẽ chịu rủi ro tín dụng liên quan đối với những trái phiếu theo hợp đồng repo.

Ông Phạm Toàn Vượng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Agribank

Ngày 2/12, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc bổ nhiệm ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Agribank giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Agribank.

Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm Thành viên hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Phạm Toàn Vượng đã có hai tháng phụ trách ban điều hành nhà băng này sau khi cựu Tổng giám đốc Tiết Văn Thành về hưu.

Ông Vượng cũng có gần 7 năm làm Phó tổng giám đốc Agribank cho đến khi được giao điều hành vào năm nay. Tân tổng giám đốc nhà băng sinh năm 1976 là thạc sĩ kinh tế và đã bắt đầu làm việc tại Agribank từ năm 1999.

Cùng ngày, Hội đồng thành viên của Agribank cũng có thêm ba người mới gồm Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Lê Xuân Trung và bà Từ Thị Kim Thanh - Phó Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, Hội đồng thành viên nhà băng này hiện gồm ông Phạm Đức Ấn là chủ tịch và 10 thành viên hội đồng quản trị khác.

Tại hội nghị công bố các quyết định nhân sự, Phó thống đốc Đào Minh Tú giao Agribank hoàn thành toàn diện các mục tiêu kinh doanh năm nay, trong đó tập trung triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện quy trình tăng vốn điều lệ và tiếp tục lộ trình cổ phần hóa...

Giá USD giảm mạnh trong tuần qua

Giá bán USD chợ đen ngày 3/12 đồng loạt hạ hơn 200 đồng so với hôm 2/12, trong ngân hàng cũng giảm gần 400 đồng.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng
Giá USD giảm mạnh trong tuần qua/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do trong xu hướng giảm một tuần trở lại đây và ngày càng lùi xa mốc 25.000 đồng. Đầu ngày 2/12, các điểm thu đổi ngoại tệ tự do giảm mạnh giá USD hơn 200 đồng chiều mua và 100 đồng chiều bán so với hôm 2/12, về 24.620 - 24.720 đồng. Như vậy, trong một tháng qua, mỗi đôla Mỹ trên thị trường tự do đã giảm hơn 700 đồng, tương đương gần 3%.

Giá USD giao dịch tại các ngân hàng cũng giảm vài chục đồng so với hôm qua và đã thấp hơn 300-350 đồng so với mức đỉnh thiết lập đầu tháng 11, tương đương mức giảm 1,15-1,4%.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND của Vietcombank sáng ngày 3/12 là 24.290 - 24.600 đồng, giảm 40 đồng so với ngày 2/12. Tại Sacombank, giá USD cũng giảm 80 đồng về 24.325 - 24.535 đồng.

Đến chiều ngày 3/12, các ngân hàng tiếp tục giảm sâu giá đôla Mỹ về dưới 24.000 đồng. Lúc 16h, giá USD tại Vietcombank là 23.930 - 24.240 đồng, giảm thêm 360 đồng so với phiên sáng. Sacombank giảm 300 đồng hai chiều mua bán xuống 24.020 - 24.320 đồng.

Hầu hết nhà băng đều đang yết giá USD thấp hơn nhiều so với mức trần được phép. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng đang được yết tỷ giá ở mức tối thiểu 22.477 đồng và cao nhất là 24.843 đồng.

Tỷ giá trong nước đi xuống một phần do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Trước khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc nâng lãi suất, USD có dấu hiệu suy yếu khiến chỉ số USD Index giảm hơn 7% trong một tháng qua. Hiện chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh giao dịch ở vùng 104,7 điểm (10h sáng Việt Nam).

Khi đồng bạc xanh có dấu hiệu hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ba lần giảm giá bán USD cho các ngân hàng thương mại trong tháng qua. Dù bước giá điều chỉnh mỗi lần chỉ 10 đồng, đây là tín hiệu cho thấy trạng thái bình ổn tỷ giá sau thời gian nhà điều hành liên tục phải tăng giá bán.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)