Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chính phủ giao ngân hàng cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế

11:00 | 13/11/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
VPBank nhận khoản vay hợp vốn 500 triệu USD từ các định chế tài chính; NHNN bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng; SMBC sẽ đầu tư 240 tỷ đồng vào SmartNet; Thanh tra ngân hàng đã chuyển giao cho cơ quan công an 701 vụ việc… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 12/11: BIDV nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm dành cho tiểu thươngTin ngân hàng ngày 12/11: BIDV nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm dành cho tiểu thương
Tin ngân hàng ngày 11/11: VietinBank rao bán khoản nợ của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Trung ươngTin ngân hàng ngày 11/11: VietinBank rao bán khoản nợ của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Trung ương

Chính phủ giao ngân hàng cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế

Mới đây, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chính phủ giao ngân hàng cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng; có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, củng cố niềm tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.

VPBank nhận khoản vay hợp vốn 500 triệu USD từ các định chế tài chính

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12,5 nghìn tỷ đồng từ năm định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. - thành viên của Tập đoàn Ngân hàng đầu tư Maybank.

Nguồn vốn từ khoản vay này sẽ được ngân hàng sử dụng để đáp ứng các nhu cầu tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, VPBank sẽ có thêm tiềm lực để hỗ trợ các dự án xã hội nhằm cải thiện cơ sở hạn tầng cơ bản, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.

Đáng chú ý, VPBank hiện là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công một Khung tài chính xã hội phù hợp với Nguyên tắc Trái phiếu Xã hội (Social Bond Principles) và Nguyên tắc Cho vay Xã hội (Social Loan Principles) quốc tế và đã được Morningstar Sustainalytics, công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu quản trị xã hội môi trường, xem xét và đánh giá, tạo tiền đề cho ngân hàng phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với định hướng phát triển bền vững của ngân hàng trong tương lai.

Ngoài nguồn vốn nói trên, thông qua quan hệ đối tác trong Sáng kiến Tài chính Doanh nhân Nữ (We-Fi), ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ VPBank để giúp nâng cao năng lực tiếp cận tài chính cho nhóm khách hàng nữ. Đặc biệt, khoản tài trợ 750.000 USD dựa trên kết quả hoạt động thực tế sẽ được We-Fi tài trợ cho ngân hàng để mở rộng dịch vụ cho nhóm khách hàng nữ và thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đầu tiên ở Việt Nam tài chính toàn diện cho các SME do phụ nữ làm chủ.

NHNN bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng

Bà Nguyễn Thị Thu Hương được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng với thời hạn 5 năm.

Ngày 11/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thống đốc NHNN tiếp nhận, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thu Hương - Thành viên Hội đồng Thành viên Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Thời hạn giữ chức vụ của bà Nguyễn Thị Thu Hương là 05 năm kể từ ngày được tiếp nhận, bổ nhiệm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương từng là lãnh đạo tại Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank - CTG) trước khi về làm tại GPBank. Hồi tháng 11/2020, Thống đốc NHNN đã bổ nhiệm bà Hương khi đó đang là Giám đốc Khối Phê duyệt tín dụng Vietinbank sang làm Thành viên HĐTV của GPBank.

SMBC sẽ đầu tư 240 tỷ đồng vào SmartNet

Mới đây, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thông báo đã đạt được thỏa thuận tham gia góp vốn vào SmartNet (Công ty sở hữu SmartPay, thành viên Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam) thông qua việc mua cổ phần trị giá 1.3 tỷ Yên ("Khoản đầu tư"), phụ thuộc vào phê duyệt của cơ quan chức năng.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chính phủ giao ngân hàng cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế
SMBC sẽ đầu tư 240 tỷ đồng vào SmartNet/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Sumitomo Mitsui Financial Group. Inc. ("SMBC Group", Chủ tịch và Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn: Jun Ohta) và SMBC đang nỗ lực "mở rộng mạng lưới tại Châu Á và củng cố vị thế ngân hàng điện tử trong khu vực" theo đúng định hướng trung dài hạn của tập đoàn trong 3 năm kể từ năm 2020.

Trong năm 2021, tập đoàn này đã mua lại 49% phần vốn trong Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), một công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam. Vào tháng 05/2022, tập đoàn tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng mẹ của FE Credit.

Với Khoản đầu tư này, SMBC Group muốn đẩy nhanh chiến lược tăng trưởng trong khu vực châu Á thông qua thúc đẩy hoạt động kinh doanh của FE Credit và đóng góp tích cực vào sự phát triển của hệ sinh thái VPBank. Là một phần trong kế hoạch thực hiện những mục tiêu này, SMBC Group hướng đến hỗ trợ SmartNet, công ty đang tích cực mở rộng nền tảng thanh toán ưu việt đến khách hàng tại Việt Nam, nơi thị trường thanh toán không tiền mặt đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Ông Marek Forysiak, nhà sáng lập và là chủ tịch của SmartNet (hoạt động dưới tên thương mại SmartPay), chia sẻ về thỏa thuận với SMBC: "Tại SmartPay, chúng tôi cung cấp các giải pháp tài chính với công nghệ hiện đại đến các nhà bán hàng siêu nhỏ, nhỏ và vừa để giúp họ giải quyết các vấn đề vận hành và phát triển kinh doanh. Bên cạnh cung cấp các giải pháp thanh toán ưu việt, chúng tôi còn mở ra cơ hội để nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu với các dịch vụ như mua trước trả sau, tín dụng tiêu dùng linh hoạt hay trả góp qua thẻ, những dịch vụ mà trước đây chỉ được cung cấp đến các chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam. Thỏa thuận với SMBC là một bước quan trọng trong chiến lược của chúng tôi nhằm nâng tầm đời sống kinh doanh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và trở thành nền tảng cung ứng dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam dành cho nhà bán hàng".

Thanh tra ngân hàng đã chuyển giao cho cơ quan công an 701 vụ việc

Chiều ngày 10/11/2022, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, Trưởng Đoàn kiểm tra chủ trì Hội nghị công bố kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chính phủ giao ngân hàng cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, Trưởng Đoàn kiểm tra chủ trì Hội nghị

Kết quả kiểm tra cho thấy, trong 10 năm qua (từ năm 2011 đến năm 2021), Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị trực thuộc nghiêm túc quán triệt, triển khai cũng như tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Trong kỳ kiểm tra, đã phát hiện, chuyển giao 73 nguồn tin về tội phạm đến các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định. Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng đã tiếp nhận 14.739 báo cáo giao dịch đáng ngờ, chuyển giao cho cơ quan Công an 701 vụ việc.

Cơ quan Giám định Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận 296 quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, đã giải quyết 273 quyết định, từ chối 23 quyết định.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế tồn tại: Nhận thức về trách nhiệm, quyền hạn trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của một số cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên trong ngành có lúc, có nơi chưa đầy đủ, còn xem đây là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tự kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với các ngân hàng thương mại có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Số vụ việc phát hiện có dấu hiệu tội phạm chuyển sang Cơ quan điều tra xử lý còn ít, chưa phản ánh đúng thực chất tình hình. Công tác giám định đối với một số vụ án, vụ việc chưa kịp thời, gặp nhiều khó khăn…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)