Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Dư nợ tín dụng có thể tăng khoảng 457.000 tỉ đồng trong 4 tháng cuối năm

11:15 | 04/09/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Huy động trái phiếu chính phủ chưa đi hết 1/4 kế hoạch; Thẻ tín dụng nội địa góp phần đẩy lùi tín dụng đen; Techcombank được thành lập thêm 2 chi nhánh mới; Standard Chartered Việt Nam được cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán… là những tin tức tài chính và ngân hàng nồi bật trong tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 3/9: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng trong đầu tháng 9Tin ngân hàng ngày 3/9: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng trong đầu tháng 9
Tin ngân hàng ngày 2/9: Khách hàng an tâm giao dịch xuyên lễ cùng Nam A BankTin ngân hàng ngày 2/9: Khách hàng an tâm giao dịch xuyên lễ cùng Nam A Bank

Dư nợ tín dụng có thể tăng khoảng 457.000 tỉ đồng trong 4 tháng cuối năm

Theo dữ liệu từ ngân hàng nhà nước (NHNN), tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỉ đồng, tăng 9,62%, mức tăng này khá cao so với cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 6,68%. Như vậy trong vòng 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,38%, tương đương quy mô khoảng 457.000 tỉ đồng.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Dư nợ tín dụng có thể tăng khoảng 457.000 tỉ đồng trong 4 tháng cuối năm
Dư nợ tín dụng có thể tăng khoảng 457.000 tỉ đồng trong 4 tháng cuối năm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, NHNN đã phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng NH trên 2 tiêu chí. Đó là kết quả xếp hạng từng NH theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018 gồm vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.

Đồng thời, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí NH tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các NH trong quá trình phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH.

Với những tiêu chí đánh giá như trên để xem xét mở room tín dụng, những cái tên sáng giá trong đợt cấp tín dụng mới gồm Vietcombank, MB, BIDV, VietinBank, ACB, VPBank... Một số NH tham gia thực hiện việc tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc như HDBank, LienVietPostBank… cũng nằm trong danh sách NH tiềm năng được bổ sung room tín dụng lần này. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng nếu chờ đợi đến quý 4 mới nới room tín dụng là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Bởi nếu không khơi thông sớm dòng vốn tín dụng sẽ dẫn đến tình trạng tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế, điều này là nguy hiểm và gây nên tình trạng nợ xấu cho NH. Nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.

Huy động trái phiếu chính phủ chưa đi hết 1/4 kế hoạch

Theo thông tin cập nhật từ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong tháng 8/2022 (đến ngày 29/8/2022), Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 4 phiên đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), huy động được 21.160 tỉ đồng (trong đó phát hành cho Bảo hiểm xã hội là 20.920 tỉ đồng).

Lũy kế 8 tháng, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành là 99.582 tỉ đồng, tương đương 24,9% kế hoạch năm do Bộ Tài chính giao (400.000 tỉ đồng). Trong đó, toàn bộ TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu và có kỳ hạn từ 10 năm trở lên.

Ở dữ liệu chi tiết hơn được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê (tới 26/8), tính từ đầu năm tới cuối tháng 8, tổng giá trị phát hành TPCP của kỳ hạn 10, 15, 20 và 30 năm lần lượt là 49.937 tỉ đồng (đạt 36% kế hoạch năm), 38.755 tỉ đồng (đạt 26% kế hoạch năm), 2.265 tỉ đồng (đạt 8% kế hoạch năm) và 8,625 tỉ đồng (đạt 25% kế hoạch năm).

Theo VBMA, so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành của TPCP kỳ hạn 10 năm giảm 43.917 tỉ đồng (giảm 47%), 15 năm giảm 22.146 tỉ đồng (giảm 36%), 20 năm giảm 2.815 tỉ đồng (giảm 55%) và 30 năm giảm 8.333 tỉ đồng (giảm 49%).

Việc huy động TPCP hụt sâu so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021 là diễn biến đã được thể hiện rõ trên thị trường này từ đầu năm tới nay.

Mới nhất, trong tháng 8 (tới 26/8), toàn bộ lô TPCP bảo lãnh 3.000 tỉ đồng do Ngân hàng Chính sách xã hội gọi thầu đã bị thất bại ở cả 4 kỳ hạn. Cụ thể là: 3 năm (1.000 tỉ đồng), 5 năm (1.000 tỉ đồng), 10 năm (500 tỉ đồng) và 15 năm (500 tỉ đồng).

Ở diễn biến liên quan, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thông tin, trong tháng 8/2022, Chính phủ đã không thực hiện ký kết hiệp định vay. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, Chính phủ ký kết được 2 hiệp định vay nước ngoài, với tổng trị giá 184,6 triệu USD.

Về rút vốn, trong tháng 8, cơ quan chuyên trách đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 35,6 triệu USD (tương đương 820 tỉ đồng). Lũy kế từ đầu năm đến 29/8/2022, rút vốn khoảng 733,2 triệu USD (tương đương khoảng 16.877 tỉ đồng). Trong đó, vốn cấp phát khoảng 473,5 triệu USD (10.899 tỉ đồng), cho vay lại khoảng 259,7 triệu USD (5.978 tỉ đồng).

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, rút vốn vay nước ngoài thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 111,8 triệu USD (tương đương 2.642 tỉ đồng). Trong đó cấp phát thấp hơn khoảng 85,5 triệu USD và cho vay lại thấp hơn khoảng 26,3 triệu USD.

Thẻ tín dụng nội địa góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Thẻ nội địa, thẻ tín dụng nội địa cũng có các ưu điểm như việc cấp hạn mức, cấp phép phát hành thẻ đơn giản. Thẻ có thể sử dụng để chi tiêu, bất cứ khi nào người dân, người lao động có nhu cầu, giảm thiểu vay tín dụng đen. Đặc biệt, vay lãi do các ngân hàng tổ chức phát hành thẻ có thể miễn lãi lên tới 60 ngày.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Dư nợ tín dụng có thể tăng khoảng 457.000 tỉ đồng trong 4 tháng cuối năm
Thẻ tín dụng nội địa góp phần đẩy lùi tín dụng đen/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trao đổi về thẻ tín dụng nội địa, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay: Trong 5 năm qua, thẻ nội địa ở Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Đến thời điểm hiện tại, hơn 100 triệu thẻ nội địa đã được phát hành, lưu hành và được người dân sử dụng để thanh toán và rút tiền tại hơn 20.000 điểm ATM.

Xét riêng về vấn đề chi tiêu tại các điểm giao dịch, trong 5 năm, tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch chi tiêu qua thẻ đạt 45% và giá trị giao dịch đạt 40%.

NAPAS đã phối hợp ký thỏa thuận hợp tác về việc thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa.

Thẻ tín dụng nội địa cũng có nhiều ưu điểm, như với hạn mức nhỏ nên các yêu cầu về việc cấp hạn mức, cấp phép phát hành thẻ đơn giản hơn so với thẻ quốc tế tương tự. Với thẻ này, người lao động có nhu cầu thì có thể chi tiêu ngay, không phải tìm mọi cách để vay (kể cả tín dụng đen).

Đặc biệt, các ngân hàng tổ chức phát hành thẻ có thể miễn lãi vay lên tới 60 ngày. NAPAS đã hợp tác với các ngân hàng để đưa ra sản phẩm thẻ, cả sản phẩm thẻ Agribank Lộc Việt 2 trong 1, hay Vietcredit… Đây cũng là định hướng sắp tới để đẩy mạnh việc hợp tác phổ cập thẻ tín dụng nội địa đến đa số người dân.

Lãi suất của thẻ hiện tại là 13%/năm và tỉ lệ thanh toán của thẻ tín dụng chỉ 2%/tháng, khách hàng cũng có thể áp dụng rất nhiều hình thức thanh toán, có thể thanh toán tại quầy giao dịch, ra ATM thanh toán dư nợ hoặc có thể thanh toán dư nợ trên ứng dụng E-mobile banking và khi khách hàng thanh toán, hạn mức được hoàn lại ngay lập tức.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, cũng như công ty chuyển mạch thẻ cần có các giải pháp như: Quảng bá, giới thiệu thẻ tín dụng nội địa này đến đông đảo người dân, đặc biệt, người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo, hay công nhân ở các khu công nghiệp..., góp phần giải quyết vấn đề tín dụng đen. Bên cạnh đó, thẻ tín dụng nội địa có chi phí xử lý thẻ thấp hơn so với thẻ quốc tế, nên tổ chức phát hành thẻ hoặc tổ chức chấp nhận thanh toán thẻ cũng cần có chính sách, chiến lược để mở rộng điểm chấp nhận thẻ.

Với vai trò là công ty chuyển mạch thẻ, NAPAS cần phối hợp với tổ chức phát hành, thanh toán thẻ để mở rộng mạng lưới, khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Techcombank được thành lập thêm 2 chi nhánh mới

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 5869/NHNN-TTGSNH chấp thuận đủ điều kiện thành lập chi nhánh của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Cụ thể, NHNN chấp thuận Techcombank đủ điều kiện thành lập 2 chi nhánh:

Chi nhánh Quảng Bình có địa điểm đặt trụ sở dự kiến tại: Thửa đất số 189, tờ bản đồ số 40, Tổ dân phố 10, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Chi nhánh Bình Dương có địa điểm đặt trụ sở dự kiến tại: Tầng trệt, Khối D, Chung cư Hiệp Thành III, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Văn bản nêu rõ, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các thủ tục khai trương hoạt động, đăng ký, đăng báo đối với chi nhánh đã được chấp thuận nêu trên theo quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 09/9/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký văn bản này, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam phải khai trương hoạt động chi nhánh đã được chấp thuận trên. Quá thời hạn này, văn bản chấp thuận của NHNN đương nhiên hết hiệu lực.

Standard Chartered Việt Nam được cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Quyết định số 1477/QĐ-NHNN về việc bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Standard Chartered (Việt Nam).

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Dư nợ tín dụng có thể tăng khoảng 457.000 tỉ đồng trong 4 tháng cuối năm
Standard Chartered Việt Nam được cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Thống đốc chấp thuận bổ sung hoạt động “- Hoạt động ngân hàng giám sát theo pháp luật về chứng khoán” và “- Hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán” vào điểm d khoản 1 Điều 6 Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài số 236/GP-NHNN ngày 08/9/2008 do Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam).

Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam) có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định tại Khoản 3 Điều 18b Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của NHNN quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 17/2017/TT-NHNN ngày 20/11/2017 của NHNN; Thông tư số 17/2018/TT-NHNN ngày 14/8/2018; Thông tư số 28/2021/TT-NHNN ngày 31/12/2021).

Thực hiện các thủ tục đăng ký, công bố nội dung thay đổi theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010 ngày 16/6/2010 (đã được sửa đổi, bổ sung).

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là bộ phận không tách rời của Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài số 236/GP-NHNN ngày 08/9/2008 do Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam).

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto