Tin ngân hàng ngày 7/11: 22 ngân hàng cho các dự án giao thông vay hơn 92.000 tỷ

10:00 | 07/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngân hàng SCB nói gì về cựu cán bộ bị khởi tố, truy nã; MSB nhận tài trợ 100 triệu USD từ Ngân hàng phát triển doanh nghiệp Hà Lan; ACB ưu đãi lãi, phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 6/11: Ngân hàng Nhà nước hút ròng 11.400 tỷ trong tuần quaTin ngân hàng ngày 6/11: Ngân hàng Nhà nước hút ròng 11.400 tỷ trong tuần qua
Tin ngân hàng tuần qua: Cho vay tiêu dùng của nhóm công ty tài chính giảm mạnh do nợ xấu tăngTin ngân hàng tuần qua: Cho vay tiêu dùng của nhóm công ty tài chính giảm mạnh do nợ xấu tăng

22 ngân hàng cho các dự án BOT, BT giao thông vay hơn 92.000 tỷ

Trong phiên chất vấn chiều ngày 6/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời các câu hỏi cũng như làm rõ các vấn đề đang tranh luận liên quan đến nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.

Tin ngân hàng ngày 7/11: 22 ngân hàng cho các dự án giao thông vay hơn 92.000 tỷ
Ảnh minh hoạ/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) cho biết, các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn. Bởi vậy, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện. Tuy nhiên, các dự án giao thông lớn, trọng điểm hiện nay chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công.

"Một trong các nguyên nhân là do huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn", đại biểu Thắng nêu và đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp để tháo gỡ, thu hút các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu vốn cho những các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông cần khối lượng vốn rất lớn và với kỳ hạn dài trong khi tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn nên việc cho vay với khối lượng lớn và dài hạn cũng bị ràng buộc bởi tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

"Vừa qua, kinh nghiệm từ việc đổ vỡ của các ngân hàng tại Mỹ cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể dẫn tới rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng", Bà Hồng cho biết.

Theo Thống đốc, tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng, chiếm 0,72% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nợ xấu chiếm 3,83%, đáng chú ý nữa, nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52% - đây là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 - nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu.

"Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Ngân hàng SCB nói gì về cựu cán bộ bị khởi tố, truy nã?

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết ngày 29/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an ra quyết định truy nã đối với 7 bị can Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành, Chiêm Minh Dũng, Trầm Thích Tồn, Sun Herry Ka Ziang, Lam Lee Geogre, Nguyễn Lâm Anh Vũ.

Tiếp đó, ngày 3/11, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố đối với ông Lê Văn Chánh. Đây là những cá nhân trên từng đảm nhiệm các vị trí quản lý, điều hành tại SCB.

Tuy nhiên, SCB cho biết đến thời điểm hiện tại các cá nhân trên đều đã được miễn nhiệm chức vụ và không còn công tác tại ngân hàng này.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB) đã được miễn nhiệm từ năm 2014; ông Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB) được miễn nhiệm vào năm 2021.

Ngoài ra, hầu hết cá nhân khác đều đã không còn tham gia vào công tác quản trị điều hành và rời vị trí tại SCB từ nhiều năm trước.

"Trước các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về vụ việc khởi tố, truy nã này, hoạt động kinh doanh hiện tại của ngân hàng không bị ảnh hưởng. Các hoạt động của SCB vẫn đang tiếp tục diễn ra thông suốt, ổn định. Quá trình cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính hiện hữu của SCB tới khách hàng vẫn bảo đảm mọi nhu cầu và quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng, các đối tác của ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật" - thông báo của SCB nêu rõ.

SCB vẫn đang hợp tác với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra và sẽ thông tin đến khách hàng khi có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng.

Ngân hàng này cho biết thêm vẫn triển khai công tác rà soát thường xuyên và chú trọng việc kiện toàn đội ngũ nhân sự, bảo đảm đáp ứng đúng các quy định pháp luật và an toàn trong hoạt động tài chính ngân hàng.

"Sau hơn một năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền" - ngân hàng thông tin thêm.

MSB nhận tài trợ 100 triệu USD từ Ngân hàng phát triển doanh nghiệp Hà Lan

Ngày 02/11/2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) đã ký kết Ý định thư về hợp tác cho vay trung dài hạn dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Hà Lan, đại diện Lãnh đạo các Bộ Ngành của hai nước cùng khoảng 300 Doanh nghiệp hai bên.

Lễ ký kết nằm trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Doanh nghiệp Công nghệ cao Hà Lan - Việt Nam.

FMO thành lập năm 1970, trong đó, Chính phủ Hà Lan sở hữu 51% cổ phần. FMO hỗ trợ hoạt động tăng trưởng bền vững của khu vực tư nhân tại các thị trường đang phát triển và thị trường mới nổi thông qua việc đầu tư vào các doanh nghiệp, dự án và các tổ chức tài chính.

Với lần hợp tác này, FMO cùng quỹ khí hậu và phát triển Hà Lan (DFCD) dự kiến tài trợ lên tới 100 triệu USD với kỳ hạn lên tới 9 năm, nhằm mục đích tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các dự án xanh. Bên cạnh đó, FMO cũng sẽ xem xét hỗ trợ MSB hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội nhằm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn.

Đồng thời, với các hỗ trợ kỹ thuật từ đối tác quốc tế, MSB kỳ vọng sẽ đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm tín dụng không chỉ riêng tín dụng xanh mà còn các sản phẩm tín dụng gắn liền với tiêu chí “bền vững”.

Khoản tài trợ vốn cho thấy khả năng đáp ứng và cam kết của MSB đối với các tiêu chí môi trường và xã hội (E&S), cũng như định hướng của Ngân hàng trong việc nâng tầm quan trọng của các yếu tố môi trường, xã hội trong hoạt động.

Về mảng tín dụng xanh, ngân hàng MSB đang định hướng tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, công nghệ phát thải carbon thấp. MSB đã đưa quy trình quản lý rủi ro môi trường - xã hội lồng ghép trong quy trình thẩm định và phê duyệt tín dụng kể từ ngày 1/6/2023.

Việc hợp tác với FMO một lần nữa khẳng định vị thế của MSB trên thị trường, là bước đi quan trọng giúp ngân hàng tiến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về tín dụng, đặc biệt là mảng tín dụng xanh hướng tới phát triển bền vững.

ACB ưu đãi lãi, phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

ACB nâng gói tín dụng lên 50.000 tỷ đồng, lãi suất giảm đến 3% mỗi năm cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cho vay bằng tiền đồng để tránh tỷ giá biến động.

Tin ngân hàng ngày 7/11: 22 ngân hàng cho các dự án giao thông vay hơn 92.000 tỷ
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đại diện ngân hàng cho biết, thị trường xuất nhập khẩu giai đoạn nửa cuối 2023 ghi nhận dấu hiệu cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tăng nhu cầu vốn những tháng cuối năm. Tuy vậy bối cảnh chung vẫn còn một số biến động về tỷ giá, lạm phát mức cao. Vì vậy ACB cung cấp nhiều giải pháp lãi suất và chi phí nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn hỗ trợ vốn.

Nhà băng hiện nâng gói tín dụng lên 50.000 tỷ đồng, lãi suất giảm đến 3% mỗi năm so với lãi trên biểu chung cho khách hàng doanh nghiệp, tập trung nhóm xuất nhập khẩu. Trước đó, đơn vị trong 8 tháng đầu năm đơn vị triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và hiện đã giải ngân hết.

Song song, đơn vị đẩy mạnh cho vay bằng tiền đồng để doanh nghiệp xuất khẩu có thể tránh tỷ giá biến động. ACB áp dụng lãi suất cho vay bằng VND khoảng 4,5% mỗi năm cố định ba tháng và 5% mỗi năm cố định 6 tháng, gần tương đương lãi suất vay USD. Nhà băng đơn giản quy trình, giúp việc giải ngân nhanh hơn.

Cũng theo đại diện ngân hàng, doanh nghiệp luôn chú trọng tối ưu hóa chi phí vận hành, quản lý dòng tiền hiệu quả. Hiện nhà băng cung cấp gói giải pháp ACB không phí, miễn 9 loại: phí gia nhập, thường niên, chuyển khoản trong nước, chi hộ lương (chuyển khoản theo lô), kiểm đếm, đăng ký thêm phương thức xác thực, xác nhận số dư online.

Với doanh nghiệp nhập khẩu, gói miễn thêm phí chuyển tiền quốc tế, giúp mở rộng kinh doanh, hợp tác với các nhà cung ứng hàng đầu. Khi sử dụng dịch vụ tín dụng thư (L/C) nhập khẩu, khách hàng doanh nghiệp của ACB sẽ được hỗ trợ thêm các quyền lợi như tư vấn tập quán, thông lệ quốc tế, điều khoản rủi ro của L/C, kiểm tra bộ chứng từ giao hàng hợp lệ, hỗ trợ tài chính với chương trình tài trợ nhập khẩu với lãi suất ưu đãi... Doanh nghiệp nhập khẩu theo hình thức L/C được cấp hạn mức phát hành L/C có hoặc không có 100% tài sản đảm bảo tại thời điểm phát hành, giúp công ty chủ động hơn khi giao dịch với đối tác nước ngoài.

"Chúng tôi kỳ vọng các giải pháp tài chính kể trên sẽ giúp các công ty đảm bảo nguồn vốn, tối ưu phí, hỗ trợ quản lý dòng tiền hiệu quả, tạo đà gia tăng sản xuất thời điểm cuối năm, thêm năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế", đại diện ngân hàng nói.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)