Tin ngân hàng ngày 6/9: Phí chồng phí, thẻ tín dụng quốc tế vẫn áp đảo tại Việt Nam

11:15 | 06/09/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
BIDV nhận cú đúp giải thưởng từ Tạp chí Global Banking and Finance; VPBank được thành lập thêm 2 chi nhánh mới; Be Group được nhận khoản vay trị giá 100 triệu USD từ Deutsche Bank… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 5/9: Ngân hàng, doanh nghiệp cùng ngóng nới room tín dụngTin ngân hàng ngày 5/9: Ngân hàng, doanh nghiệp cùng ngóng nới room tín dụng
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Dư nợ tín dụng có thể tăng khoảng 457.000 tỉ đồng trong 4 tháng cuối nămTin ngân hàng nổi bật trong tuần: Dư nợ tín dụng có thể tăng khoảng 457.000 tỉ đồng trong 4 tháng cuối năm

Phí chồng phí, thẻ tín dụng quốc tế vẫn áp đảo tại Việt Nam

Theo lý giải của các ngân hàng thương mại, sở dĩ mức lãi suất và phí áp dụng thẻ quốc tế cao là do các tổ chức thẻ quốc tế này áp dụng “ma trận thu phí” với nhiều loại phí chồng phí.

Tin ngân hàng ngày 6/9: Phí chồng phí, thẻ tín dụng quốc tế vẫn áp đảo tại Việt Nam
Phí chồng phí, thẻ tín dụng quốc tế vẫn áp đảo tại Việt Nam/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hiệp hội ngân hàng cho biết, trung bình mỗi năm, Visa và Mastercard thu từ một ngân hàng Việt Nam khoảng 270 đầu phí các loại/1 tổ chức thẻ quốc tế, với tổng giá trị mỗi tổ chức thẻ quốc tế thu của các ngân hàng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD.

Có nhiều giao dịch, Visa và Mastercarrd thu phí chồng phí. Ví dụ, trong cơ cấu phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế, phí xử lý giao dịch chiếm khoảng 80% tổng phí thu từ ngân hàng. Song với loại phí này, các tổ chức thẻ quốc tế vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch. Với mỗi giao dịch thẻ, tổ chức thẻ quốc tế có thể thu 3-4 loại phí.

Mặc dù thu phí cao song bảo mật của thẻ tín dụng quốc tế lại được đánh giá là kém hơn nhiều so với thẻ tín dụng nội địa.

Trước gánh nặng phí quá lớn, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại trong nước đã phát triển thẻ tín dụng nội địa với mức phí thấp và tính bảo mật cao. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng thì đến tháng 6/2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa chỉ đạt gần 600 nghìn thẻ, chiếm 7% so với thẻ tín dụng quốc tế và chưa đến 0,5% so với dung lượng 110-120 triệu thẻ các loại trên thị trường.

Theo ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách phòng phát triển Thanh toán (Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước), hiện có 12 tổ chức tín dụng phát hành thẻ tín dụng nội địa gồm 9 ngân hàng và 3 công ty tài chính.

Để thẻ tín dụng nội địa đến với đông đảo người dân, ông Giang cho rằng, các ngân hàng cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu đến người dân. Đồng thời, thẻ tín dụng nội địa có chi phí xử lý thẻ thấp hơn so với thẻ quốc tế nên tổ chức phát hành thẻ hoặc tổ chức chấp nhận thanh toán thẻ cũng cần có chính sách, chiến lược để mở rộng điểm chấp nhận thẻ.

BIDV nhận cú đúp giải thưởng từ Tạp chí Global Banking and Finance

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa được Tạp chí Global Banking and Finance trao hai giải thưởng danh giá: "Ngân hàng dành cho Khách hàng doanh nghiệp (KHDN) tốt nhất Đông Nam Á năm 2022" và "Ngân hàng SME tốt nhất Đông Nam Á năm 2022".

Giải thưởng là sự ghi nhận những thành tích nổi bật của BIDV trong hành trình chinh phục khó khăn, thách thức để giữ vững vị thế số 1 thị trường về quy mô, hiệu quả hoạt động với những bứt phá ngoạn mục trong chuyển đổi số dành cho KHDN.

Năm 2022, BIDV tiếp tục khẳng định vị trí là ngân hàng TMCP có quy mô lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam với tổng tài sản đạt 1.98 triệu tỷ đồng (tính đến tháng 6/2022). Trước những khó khăn thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, BIDV đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Tính đến thời điểm 31/07/2022, BIDV có 355.000 khách hàng doanh nghiệp với tổng dư nợ đạt 789.000 tỷ đồng, dẫn đầu khối ngân hàng thương mại về số lượng và quy mô tín dụng. Trong đó, số lượng khách hàng SME tăng trưởng nhanh và liên tục, đứng số 1 về thị phần tại Việt Nam.

Bà Wanda Rich, Tổng Biên tập GBAF đánh giá: "BIDV là ngân hàng tiên phong trong hoạt động phát triển ngân hàng của khu vực, cung cấp các giải pháp ngân hàng sáng tạo và toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nói riêng. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với nỗ lực không ngừng của BIDV trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn tài chính, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19".

Là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện Chuyển đổi số, BIDV đã đẩy mạnh triển khai hàng loạt các chương trình như: Ra mắt hệ sinh thái số Omni BIDV iBank cho KHDN với trải nghiệm đồng nhất trên hai nền tảng website và mobile app; Giới thiệu tính năng đăng ký vay trực tuyến dành cho KHDN; các chương trình ưu đãi cho KHDN mới và hiện hữu như miễn phí quản lý tài khoản, lựa chọn tài khoản số đẹp, phí chuyển tiền, phí thanh toán lương, phí chuyển tiền quốc tế, tài trợ thương mại, cùng các ưu đãi về tỷ giá cho khách hàng khi thực hiện giao dịch trên BIDV iBank.

Sắp tới, BIDV sẽ ra mắt chương trình "Nền tảng số BIDV SME EASY - Giải pháp toàn diện dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" - một minh chứng rõ nét cho hành trình bền bỉ, sát cánh cùng doanh nghiệp của BIDV. Với giải pháp tài chính và phi tài chính toàn diện, chương trình hứa hẹn mang đến cho doanh nghiệp những trải nghiệm mới mẻ chỉ có tại BIDV, tạo ra những bước tiến đột phá nâng cao nội lực và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

VPBank được thành lập thêm 2 chi nhánh mới

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 6081/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận thành lập chi nhánh của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Theo đó, Thống đốc NHNN chấp thuận đề nghị thành lập 02 chi nhánh của VPBank tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

VPBank Chi nhánh Củ Chi tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh: Tên viết tắt bằng tiếng Việt: VPBank - Chi nhánh Củ Chi; địa điểm đặt trụ sở chi nhánh: Số 867 Quốc Lộ 22, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh;

VPBank Chi nhánh Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh: Tên viết tắt bằng tiếng Việt: VPBank - Chi nhánh Hiệp Phước; Địa điểm đặt trụ sở chi nhánh: Số 754 Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh;

NHNN yêu cầu VPBank có trách nhiệm thực hiện các thủ tục khai trương hoạt động; đăng ký, đăng báo đối với các chi nhánh đã được chấp thuận nêu trên theo quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 9/9/2013 của Thống đốc NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký văn bản này, VPBank phải khai trương hoạt động các chi nhánh đã được chấp thuận nêu trên. Quá thời hạn này, văn bản chấp thuận của NHNN đương nhiên hết hiệu lực.

Vào đầu tháng 8/2022, VPBank cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thành lập thêm 3 chi nhánh và 9 phòng giao dịch, trong đó 3 chi nhánh mới được lập tại: Chi nhánh Thanh trì tại Khu Ga, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội; Chi nhánh Hoài Đức tại Khu 6, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội; Chi nhánh Hải Vân tại số 190 Điện Biên Phủ, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Be Group được nhận khoản vay trị giá 100 triệu USD từ Deutsche Bank

Công ty Cổ phần Be Group (Be Group), đơn vị sở hữu và phát triển nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Be, và Ngân hàng Deutsche Bank vừa tổ chức ký kết và tiếp nhận khoản vay vốn trị giá lên đến 100 triệu USD.

Tin ngân hàng ngày 6/9: Phí chồng phí, thẻ tín dụng quốc tế vẫn áp đảo tại Việt Nam
Be Group được nhận khoản vay trị giá 100 triệu USD từ Deutsche Bank/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Be Group sẽ sử dụng nguồn vốn vay này để mở rộng và nâng cao ba dịch vụ chính của mình: gọi xe trực tuyến (xe 4 bánh và 2 bánh), giao đồ ăn và ngân hàng số Cake by VPBank cũng như mở rộng các thị trường mới, dịch vụ mới. Khoản vay này sẽ là tiềm lực tài chính vững mạnh giúp Be Group đẩy mạnh chiến lược hiện thực hóa mục tiêu hướng đến trở thành nền tảng tiêu dùng số 1 dành cho người Việt, đồng thời khẳng định mạnh mẽ vị thế dẫn đầu thị trường trong nước của nền tảng tiêu dùng Việt.

Chưa đến 4 năm kể từ khi ra mắt, Be đã nhanh chóng phát triển hệ sinh thái công nghệ mở bao gồm dịch vụ vận chuyển, giao hàng, giao đồ ăn, mua sắm, bảo hiểm, viễn thông và lĩnh vực tài chính, đồng thời mở rộng hoạt động tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc, đạt hơn 20 triệu lượt tải ứng dụng. Be là nền tảng phát triển nhất của Việt Nam trong lĩnh vực vận tải công nghệ.

Trong nửa đầu năm 2022, doanh thu của Be tại thị trường trọng điểm là TP Hồ Chí Minh đã tăng gấp 2 lần. Toàn thị trường đã vượt hơn 1,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng có giao dịch trên nền tảng này trong quý I. Công ty bắt đầu có lãi góp dương từ quý III/2022.

Bên cạnh đó, Be cũng hợp tác chặt chẽ với ngân hàng số Cake by VPBank để lần đầu tiên ra mắt sản phẩm cho vay tiêu dùng dành cho tài xế trên ứng dụng tài xế và sắp tới sẽ tiếp tục phối hợp với Cake by VPBank để giới thiệu sản phẩm cho vay tiêu dùng phê duyệt ngay lập tức cho khách hàng.

Cake by VPBank cũng là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính thiết yếu bao gồm thanh toán, tiết kiệm, cho vay, đầu tư vi mô và thẻ tín dụng, đã thu hút hơn 2 triệu khách hàng trong chưa tới 2 năm hoạt động.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)