Tin ngân hàng ngày 6/1: Bac A Bank cho SME vay đến 80% vốn đầu tư dự án

09:45 | 06/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bắt nhóm cho người bệnh vay lãi suất lên đến 720%/năm; Vietcombank thay đổi người đại diện theo pháp luật; Chủ tịch Vietbank muốn mua vào 7 triệu cổ phiếu VBB… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 4/1: Không còn cơ chế xin - cho room tín dụngTin ngân hàng ngày 4/1: Không còn cơ chế xin - cho room tín dụng
Tin ngân hàng ngày 5/1: Tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồngTin ngân hàng ngày 5/1: Tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng

Bac A Bank cho SME vay đến 80% vốn đầu tư dự án

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được vay tối đa 80% tổng vốn đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng khung cho vay gián tiếp giữa Bac A Bank và SMEDF.

Tin ngân hàng ngày 6/1: Bac A Bank cho SME vay đến 80% vốn đầu tư dự án
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Với mục tiêu sát cánh cùng doanh nghiệp, Bac A Bank và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp - góp phần tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Theo đó, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm vào tháng 10/2023 xuống mức 1,2% một năm đối với khoản vay ngắn hạn, 4,4% một năm đối với món vay trung, dài hạn và cố định suốt thời gian vay. Thời gian cho vay tối đa đối với mỗi dự án là 7 năm, trong đó thời gian ân hạn tối đa hai năm.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay tối đa 80% tổng vốn đầu tư thực hiện dự án. Đặc biệt, một khách hàng có thể vay tối đa 15% vốn điều lệ thực có của quỹ.

Trong năm 2023, Bac A Bank đã triển khai dự án SMEDF, đem nguồn vốn giá rẻ đến với nhiều khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số lượng khách hàng vay vốn thành công trong năm 2023 tăng gấp 3 lần, doanh số giải ngân của dự án tại Bac A Bank tăng gấp hơn 10 lần. Đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn ưu đãi này giúp đặt nền móng xây dựng và phát triển các dự án ở giai đoạn đầu thành lập.

Một trong số doanh nghiệp tiếp cận thành công dự án SMEDF cho biết, đơn vị được ân hạn gốc trong vòng 2 năm đầu tiên và được áp dụng mức lãi rất thấp so với thị trường trong suốt thời gian vay còn lại.

"Nhờ đó, chúng tôi giảm bớt được gánh nặng tài chính trong giai đoạn vận hành và chạy thử nghiệm nhà máy. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn giá rẻ này tiếp thêm động lực cho SME như công ty chúng tôi phát triển", đại diện này nói.

Bắt nhóm cho người bệnh vay lãi suất lên đến 720%/năm

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Bình Thạnh, TP HCM vừa ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Đặng Thị Hoa (52 tuổi), Tô Bá Nguyên (28 tuổi), Mai Thị Mỹ Lynh (48 tuổi) về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can và bắt tạm giam Hà Quốc Huy (45 tuổi) về 2 hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ, lợi dụng hoàn cảnh cấp bách của bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bị can Hoa cho vay góp, thế chấp các giấy tờ như CCCD, CMND, sổ hộ khẩu…. Số tiền vay tối thiểu từ 500.000 đồng đến 60 triệu đồng với lãi suất 30%/tháng. Sau khi được vay thì người vay phải đóng phí dịch vụ 10% tổng số tiền vay và đóng trước tiền góp, tiền lãi 1 ngày đầu, sau đó mới được nhận số tiền phần còn lại.

Đến thời điểm bị bắt, nhóm của Hoa đã cho 22 người vay tổng số tiền 259 triệu đồng với lãi suất từ 360% đến 720%/năm, cao gấp 18 đến 36 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay lãi nặng là hàng trăm triệu đồng.

Với thủ đoạn tương tự, nhóm của Hà Quốc Huy và Mai Thị Mỹ Lynh cho người khác vay tiền với lãi suất từ 120% đến 730%/năm, vượt quá lãi suất cao nhất của Nhà nước quy định từ 6 đến 36,5 lần, đã thu lợi bất chính với số tiền hơn 412 triệu đồng.

Ngoài ra, trong quá trình đòi nợ, Huy nhắn tin đe dọa khủng bố, mang mã tấu, đao, kiếm, đến tận nhà, tận nơi làm việc của người vay để chửi bới, đe đọa, sỉ nhục ép người vay trả tiền.

Công an quận Bình Thạnh thông báo ai là người đã vay tiền của các nhóm đối tượng trên nhanh chóng đến cơ quan công an để trình báo.

Vietcombank thay đổi người đại diện theo pháp luật

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã có thông báo thay đổi nhân sự đảm nhận chức vụ Người đại diện theo pháp luật. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Tùng – Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028 kiêm Tổng Giám đốc sẽ đảm nhiệm chức vụ này thay ông Phạm Quang Dũng từ ngày 2/1/2024.

Trước đó, ông Dũng đã được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ ngày 1/1/2024.

Ông Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1974 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Ngoại thương ngành kinh tế ngoại thương và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ ngành Tiếng Anh, đồng thời là thạc sĩ kinh tế của Đại học Tổng hợp Paris Dauphine/ESCP.

Ông Tùng bắt đầu làm việc tại Vietcombank từ 1997 với vị trí là cán bộ phòng tín dụng quốc tế - Hội sở chính Vietcombank.

Sau gần 4 năm, ông làm Thư ký Ban điều hành và Thư ký Hội đồng quản trị của Hội sở chính Vietcombank. Tới cuối 2004, ông làm Phó chánh văn phòng kiêm Thư ký Hội đồng quản trị - Hội sở chính.

Đến đầu năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Vietcombank và tới giữa năm 2013, làm Phó giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch Vietcombank. Sau đó, ông Tùng lần lượt giữ cương vị Quyền giám đốc, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Tây Hồ, Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp trụ sở chính, Giám đốc khối bán buôn khiêm Giám đốc ban khách hàng doanh nghiệp Trụ sở chính.

Tháng 4/2019, ông lên làm Phó tổng giám đốc phụ trách khối bán buôn và từ tháng 8/2021 là Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành.

Ông Tùng được Hội đồng quản trị Vietcombank bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc kể từ ngày 30/1/2023.

Chủ tịch Vietbank muốn mua vào 7 triệu cổ phiếu VBB

Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã chứng khoán VBB) vừa công bố thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và người có liên quan đến người nội bộ.

Tin ngân hàng ngày 6/1: Bac A Bank cho SME vay đến 80% vốn đầu tư dự án
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT Vietbank, đã đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu VBB nhằm gia tăng sở hữu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra từ 9/1/2024 - 7/2/2024.

Trước khi thực hiện giao dịch, ông Nguyên nắm giữ hơn 16 triệu cổ phiếu VBB, tương ứng tỉ lệ 3,36%. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận, dự kiến thực hiện từ ngày 9/1 đến 8/2. Nếu giao dịch thành công, Chủ tịch Vietbank sẽ nâng tỉ lệ nắm giữ lên hơn 23 triệu cổ phiếu ngân hàng này.

Liên quan đến giá cổ phiếu, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/1, giá cổ phiếu VBB đóng cửa ở mức 10.800 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá phiên giao dịch này, ông Nguyên sẽ phải chi khoảng hơn 75 tỉ đồng để mua vào số cổ phiếu trên.

Cũng liên quan đến hoạt động của ngân hàng này, chiều 5/1, Vietbank thông tin việc chào bán phát hành 100.000 trái phiếu ra công chúng đợt 3, tương đương 1.000 tỉ đồng.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, có mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm và định kỳ trả lãi là 1 năm/lần.

Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5% vào 5 năm đầu và biên độ 3,5% vào 2 năm cuối. Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 5 trái phiếu, tương đương 50 triệu đồng. Thời gian phát hành dự kiến ngày 27/3/2024.

Nguồn vốn thu được từ hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 3 sẽ được Vietbank sử dụng để bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung và dài hạn, đồng thời đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng.

Năm 2024, Vietbank xác định mục tiêu chính là tăng trưởng quy mô, hoạt động an toàn, tuân thủ các quy định, nâng cao năng lực tài chính…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco