Tin ngân hàng ngày 5/4: SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 11.686 tỷ đồng, tăng 87%

09:16 | 05/04/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vietnam Airlines tiếp tục báo lỗ hơn 13.300 tỷ đồng; Bảo Việt cán mốc 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2021; Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.280 tỷ đồng trong năm 2022…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Tin ngân hàng ngày 4/4: Tín dụng bất ngờ tăng mạnh trong quý I/2022Tin ngân hàng ngày 4/4: Tín dụng bất ngờ tăng mạnh trong quý I/2022

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Từ tháng 4, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửiTin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Từ tháng 4, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 11.686 tỷ đồng, tăng 87%

Mới đây, ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị phụ trách điều hành Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông tin về nhiều nội dung quan trọng trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 20/4 tới đây.

Tin ngân hàng ngày 5/4: SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 11.686 tỷ đồng, tăng 87%
SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 11.686 tỷ đồng, tăng 87%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, về kế hoạch kinh doanh năm 2022, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng trên 12%; vốn điều lệ tăng trưởng 36% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%. Dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%.

Trong thời gian tới, SHB tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững; gia tăng lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư; tiếp tục đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh và chung tay cùng cộng đồng trong công tác an sinh xã hội.

Năm 2021, tổng tài sản của SHB đạt 506,6 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020. Vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 53.231 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 26.674 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Tính đến ngày 31/12/2021, huy động vốn đạt 379 nghìn tỷ đồng, tăng 12%; dư nợ cấp tín dụng đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, SHB kiểm soát chặt chi phí hoạt động, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) xuống 24,22%. Năm 2021, SHB đã thu hồi nợ và trích lập dự phòng để tất toán toàn bộ trái phiếu tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) trước thời hạn.

Lợi nhuận trước thuế của SHB đạt mức 6.260 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu dự kiến là 15%.

Trong năm 2021, SHB đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để tiến tới chuyển đổi lên phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), đáp ứng các chuẩn mực Basel III

Vietnam Airlines tiếp tục báo lỗ hơn 13.300 tỷ đồng

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, lợi nhuận sau thuế quý IV của Vietnam Airlines ghi nhận lỗ 1.184 tỷ đồng; lũy kế cả năm 2021 lỗ 13.337 tỷ đồng, giảm 2.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng công ty trong quý IV ghi nhận đạt hơn 9.212 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế cả năm doanh thu đạt 28.093 tỷ đồng, giảm 12.660 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tính tới 31/12/2021, lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán của Tổng công ty ghi nhận âm 21.978 tỷ đồng, tiệm cận vốn góp của chủ sở hữu là 22.143 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, tổng tài sản của Tổng công ty đạt hơn 63.100 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 14.374 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với đầu năm, vay dài hạn 20.424 tỷ đồng, giảm hơn 2.400 tỷ so với đầu năm 2021.

Trước đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã xin gia hạn thời gian công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021.

Theo đó, báo cáo tài chính của Tổng công ty được tổng hợp từ báo cáo của công ty mẹ và 15 công ty con. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng cao, nhiều cán bộ, nhân viên của Tổng công ty phải cách ly, điều trị tại nhà.

Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự làm kế toán tại công ty mẹ và các công ty thành viên nên việc cung cấp chứng từ, số liệu để đối chiếu, tổng hợp báo cáo tài chính hợp nhất gặp nhiều khó khăn.

Trong năm ngoái, Vietnam Airline Group (gồm ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) khai thác tổng cộng hơn 59.000 chuyến bay, Vietjet vận hành gần 41.000 chuyến, đều kém xa năm 2020.

Bảo Việt cán mốc 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2021

Bảo Việt hiện là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, đạt gần 170.000 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 50.380 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2020; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.003 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2020.

Tổng doanh thu Công ty Mẹ đạt 1.490 tỷ đồng, tăng trưởng 5,7% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.031 tỷ đồng, tăng 1,9% và hoàn thành kế hoạch Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Tổng tài sản Công ty Mẹ năm 2021 đạt 18.908 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 18.519 tỷ đồng.

Tập đoàn Bảo Việt đã chi trả cổ tức 667 tỷ đồng bằng tiền mặt trong năm 2021, nâng tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới gần 9.500 tỷ đồng tiền mặt.

Tính từ khi cổ phần hóa đến nay, tổng số tiền Bảo Việt đã nộp vào ngân sách nhà nước lên đến gần 24.000 tỷ đồng. Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.

Năm 2021, dịch COVID-19 tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tập đoàn Bảo Việt đã đồng hành cùng người dân trên cả nước chia sẻ gánh nặng tài chính trong cuộc sống và thực hiện đúng cam kết, gánh vác trách nhiệm với cộng đồng để cùng chung tay “Bảo đảm sự bình an, thịnh vượng và lợi ích lâu dài cho khách hàng, nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng.”

Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.280 tỷ đồng trong năm 2022

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank ) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2021. Cuộc họp sẽ được tổ chức vào ngày 22/4/2022.

Tin ngân hàng ngày 5/4: SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 11.686 tỷ đồng, tăng 87%
Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.280 tỷ đồng trong năm 2022/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Sacombank cho biết, tại thời điểm 31/12/2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại của ngân hàng là 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần 50% vốn điều lệ của Sacombank, đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, do hiện tại Sacombank đang thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt, vì vậy việc chia cổ tức cho cổ đông phải được sự phê duyệt của NHNN. Từ năm 2019 đến nay, Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông hiện đang chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai thực hiện.

Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10% so với năm 2021, đạt 573.500 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động đạt 512.700 tỷ đồng, tăng 10%. Dư nợ tín dụng đạt 435.000 tỷ đồng, tăng 12%. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20%. Nợ xấu kiểm soát dưới mức 2%.

Trong giai đoạn 2022-2026, ngân hàng sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng còn lại thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro. Dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép NHNN để thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông.

Ngoài ra , ngân hàng cũng muốn thực hiện phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong giai đoạn 2022-2026.

Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 4.400 tỷ đồng, hoàn thành 110% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,47%, đảm bảo mục tiêu dưới 2% mà ĐHĐCĐ đã thông qua.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/H)

vietinbank
ajinomoto