Tin ngân hàng ngày 4/7:Việt Nam tiếp tục được nâng hạng về minh bạch ngân sách

07:22 | 04/07/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Việt Nam tiếp tục được nâng hạng về minh bạch ngân sách; Nam A bank sắp chia cổ tức lên đến 25%; OCB được tăng vốn điều lệ thêm 4.110 tỷ đồng; NCB tăng lãi suất huy động trong tháng 7…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật
Tin ngân hàng ngày 3/7: HDBank chốt quyền chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu tổng tỷ lệ 30%Tin ngân hàng ngày 3/7: HDBank chốt quyền chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu tổng tỷ lệ 30%
Tin ngân hàng ngày 2/7: SHB chuẩn bị trả cổ tức tiền mặtTin ngân hàng ngày 2/7: SHB chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt

Hạn chế truy cập wifi công cộng khi giao dịch trực tuyến

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng máy tính công cộng và mạng wifi công cộng khi truy cập hệ thống ngân hàng điện tử để tránh rủi ro mất tiền trong tài khoản. NHNN nhấn mạnh tội phạm mạng đang diễn biến phức tạp và khuyến cáo người dân chỉ nên mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, có thông tin liên lạc rõ ràng.

Tin ngân hàng ngày 4/7:Việt Nam tiếp tục được nâng hạng về minh bạch ngân sách
Ảnh minh họa

Các biện pháp bảo mật cần tuân thủ bao gồm: đặt mật khẩu khó đoán, thay đổi mật khẩu thường xuyên, không lưu mật khẩu để đăng nhập tự động, không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) qua điện thoại, email, mạng xã hội cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng. Nếu nghi ngờ bị lộ thông tin, khách hàng cần liên hệ ngay với ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời.

NHNN cũng khuyến cáo chỉ nên cài đặt ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play và App Store, kiểm tra kỹ thông tin nhà phát triển và quyền hạn của ứng dụng, thường xuyên cập nhật hệ điều hành để nhận các bản vá bảo mật mới nhất. Người dân cần theo dõi và cập nhật các cảnh báo an toàn bảo mật từ ngân hàng và các phương tiện truyền thông.

Đặc biệt, NHNN cảnh báo về hiện tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ cài đặt sinh trắc học nhằm mục đích đánh cắp thông tin người dùng. Ngân hàng khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, tin nhắn, email hay phần mềm chat. Người dân cần cảnh giác, không truy cập các đường link lạ để tránh nguy cơ bị lừa đảo.

Nam A bank sắp chia cổ tức lên đến 25%

Ngày 12/7, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, Nam A Bank sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 (sau khi đã trích các quỹ) và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước. Đối với ESOP, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành 50 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ tăng thêm 500 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cán bộ nhân viên của ngân hàng, giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 3/7, giá cổ phiếu NAB giao dịch ở mức 16.300đ/cp

Về ngắn hạn, NAB vẫn tiếp tục di chuyển trên đường trendline (đây được xem là xu hướng tăng giá trong ngắn hạn), chỉ báo RSI điều chỉnh về vùng gần quá bán và đang hướng lên trên báo hiệu cho xu hướng tăng giá mới.

Lợi nhuận của NAB dự kiến 6 tháng đầu năm 2024 hoàn thành vượt mức 50% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lợi nhuân 2024 của Nam A Bank là 4.000 tỷ).

Việt Nam tiếp tục được nâng hạng về minh bạch ngân sách

Theo Bộ Tài chính, xếp hạng minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng 11 bậc, đạt vị trí 57/125 quốc gia trong Khảo sát ngân sách mở năm 2023 (OBS 2023) do Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, tăng 20 bậc so với năm 2019.

Tin ngân hàng ngày 4/7:Việt Nam tiếp tục được nâng hạng về minh bạch ngân sách
Ảnh minh họa

Cụ thể, các trụ cột đều vượt mức trung bình toàn cầu và có sự cải thiện so với năm 2021: Minh bạch ngân sách đạt 51/100 điểm (trung bình toàn cầu là 45/100), Sự tham gia của công chúng đạt 19/100 điểm (trung bình toàn cầu là 15/100), và Giám sát ngân sách đạt 82/100 điểm (trung bình toàn cầu là 62/100).

Kết quả này phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc công khai và minh bạch hóa thông tin ngân sách. Các tài liệu ngân sách được cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời, từ khâu dự toán đến tình hình thực hiện và quyết toán. Nội dung công khai đa dạng, bao gồm báo cáo thuyết minh chi tiết và báo cáo ngân sách dành cho công dân dưới dạng biểu đồ, đồ họa, được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng Công khai ngân sách.

Điểm nổi bật trong OBS 2023 là Báo cáo ngân sách dành cho công dân đạt tối đa 100/100 điểm, Dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định đạt 83/100 điểm, và Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước trong năm đạt 78/100 điểm.

Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp từ người dân vào dự thảo dự toán ngân sách nhà nước và xây dựng báo cáo ngân sách công dân trước khi Quốc hội quyết định. Cổng công khai ngân sách nhà nước cũng được nâng cấp thường xuyên để cung cấp thông tin kịp thời và tiếp nhận ý kiến đóng góp từ tổ chức và cá nhân.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang tiến hành khảo sát để đánh giá việc thực hiện công khai ngân sách địa phương theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, nhằm cải thiện quy định và đáp ứng tốt hơn thông lệ quốc tế.

OCB được tăng vốn điều lệ thêm 4.110 tỷ đồng

Mới đây, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng thêm 4.110 tỷ đồng vốn điều lệ.

Cụ thể, NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%, mức tối đa là 4.109.648.580.000 đồng, theo phương án đã được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.658 tỷ đồng.

Những năm trở lại đây, OCB là một trong những nhà băng có hoạt động hiệu quả trong top đầu, tăng vốn điều lệ liên tục và nằm trong top ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Cùng với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, cụ thể: Tăng trưởng quy mô, tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch; Tiếp tục đầu tư cho các hệ thống công nghệ phục vụ cho việc hiện đại hóa ngân hàng, hỗ trợ cho việc phát triển sản phẩm mới, tăng trải nghiệm dịch vụ khách hàng.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, vốn điều lệ sẽ đóng vai trò quan trọng như một "bộ đệm", đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng nhằm đối phó với thách thức trong môi trường kinh tế chưa ổn định; tạo điều kiện thuận lợi hơn để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, tiếp tục hỗ trợ vốn cho nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ.

NCB tăng lãi suất huy động trong tháng 7

Ngày 3/7, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới và trở thành ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất huy động trong tháng 7 với mức điều chỉnh 0,1%/năm tại các kỳ hạn từ 1 đến 13 tháng.

Tin ngân hàng ngày 4/7:Việt Nam tiếp tục được nâng hạng về minh bạch ngân sách
Ảnh minh họa

Cụ thể, tại sản phẩm tiết kiệm An Phú theo hình thức gửi tiền online, kỳ hạn 1 tháng có lãi suất huy động ở mức 3,7%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 3,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 4%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 4,1%/năm, và kỳ hạn 5 tháng là 4,2%/năm.

NCB tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên trên mức 5%/năm, hiện tại đang ở mức 5,35%/năm. Các kỳ hạn khác như 7 tháng có lãi suất 5,4%/năm, 8 tháng là 5,45%/năm, 9 tháng là 5,55%/năm, và 10 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 11 và 12 tháng được áp dụng lãi suất lần lượt là 5,65%/năm và 5,7%/năm. Với mức điều chỉnh này, NCB tiếp tục là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động dưới 12 tháng cao nhất hệ thống.

Lãi suất kỳ hạn 13 tháng cũng tăng lên 5,8%/năm, tương đương với lãi suất niêm yết cho kỳ hạn 15 tháng.

Trong khi đó, NCB giữ nguyên lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 15 đến 60 tháng. Với mức lãi suất cao nhất 6,1%/năm được áp dụng cho các khoản tiền gửi 18 – 60 tháng. Đây cũng là mức lãi suất huy động tiền gửi cao nhất nhì trên thị trường hiện nay (không tính các khoản tiền gửi có số tiền lớn đặc biệt).

Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tiếp tục nối dài trong tháng 6. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.

Trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank, ACB, SHB, VietinBank. Trong đó, nhiều nhà băng đã tăng lãi suất 2 – 3 lần trong tháng 6.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco