Tin ngân hàng ngày 2/7: SHB chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt

06:12 | 02/07/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vietcombank sắp họp cổ đông bất thường thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ;Chính thức siết tỷ lệ cấp tín dụng với các khách hàng lớn;MB triển khai Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản;SHB chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 1/7: Phát hiện doanh nghiệp thuê người xếp hàng mua vàng bình ổn giáTin ngân hàng ngày 1/7: Phát hiện doanh nghiệp thuê người xếp hàng mua vàng bình ổn giá
Tin ngân hàng tuần qua: Hơn 600 nghìn tỷ đồng tín dụng Tin ngân hàng tuần qua: Hơn 600 nghìn tỷ đồng tín dụng "bơm" ra nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm

SHB chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HoSE: SHB) vừa có quyết định ngày 19/7 là thời điểm chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian triển khai chi trả cổ tức là ngày 6/8.

Tin ngân hàng ngày 2/7: SHB chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt
Ảnh minh họa

Đây là lần đầu tiên SHB chia cổ tức tiền mặt sau hơn 10 năm. Lần gần nhất SHB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt là năm 2013 với tỷ lệ 7,5%. Các năm gần đây, SHB thường chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, chẳng hạn như năm 2023 vừa qua ngân hàng chia với tỷ lệ 18%.

Quyết định của HĐQT SHB triển khai theo Nghị quyết Đại hội Đồng cổ đông thường niên năm 2024 về phương án trả cổ tức năm 2023. Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua tỷ lệ cổ tức 2023 là 16% gồm 5% bằng tiền mặt và 11% bằng cổ phiếu, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý, thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai phát hành trả cổ tức 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 11% trong quý III/2024.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quyết định về việc sửa đổi nội dung về Vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của SHB. Theo đó, vốn điều lệ của SHB được ghi nhận ở mức hơn 36.629 tỷ đồng. Quyết định của Ngân hàng Nhà nước được ban hành sau khi SHB hoàn tất phát hành hơn 43,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch tổng tài sản vượt 701.000 tỷ đồng; tăng trưởng tổng dư nợ cấp tín dụng 14% (điều chỉnh theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước); huy động thị trường 1 phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế. Lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu tăng 22%, đạt 11.286 tỷ đồng, dự kiến chi trả cổ tức 2024 tỷ lệ 18%.

TCTD có thể mua lại trái phiếu doanh nghiệp ngay sau khi bán

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 11/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12 tháng 8 năm 2024.

Tin ngân hàng ngày 2/7: SHB chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt
Ảnh minh họa

Trong đó, NHNN bãi bỏ khoản 11 và khoản 12 Điều 4 của Thông tư 16, cụ thể, tại khoản 11 quy định "Trong vòng 12 tháng sau khi bán TPDN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là TPDN chưa niêm yết), TCTD không được mua TPDN chưa niêm yết mà TCTD đã bán và/hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà TCTD đã bán khi: a) Đáp ứng các quy định khác tại Điều này; b) Bên mua TPDN này từ TCTD thanh toán toàn bộ số tiền mua TPDN tại thời điểm TCTD ký kết hợp đồng bán TPDN cho bên mua trái phiếu; c) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD tại thời điểm gần nhất trước khi TCTD mua TPDN" (khoản 11 Điều 4 này đã được ngưng hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2023 theo quy định tại Thông tư 03/2023/TT-NHNN).

Được biết, trước đó, ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021 đến hết ngày 31/12/2023 để gia tăng thanh khoản, góp phần hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Vietcombank sắp họp cổ đông bất thường thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa thông báo 19/7 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024. Đại hội dự kiến được tổ chức vào ngày 19/8 tại Hội trường tầng 12, Tòa nhà Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Nội dung cuộc họp là nhằm thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ của Vietcombank (Phương án tăng vốn năm 2024), bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 cũng như sửa đổi một số nội dung trong Điều lệ, quy chế … và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền.

Kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã được Vietcombank đưa ra từ năm 2019 song vẫn chưa thể hoàn tất. Trong đó, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).

Trong ĐHĐCĐ thường niên 2023, Nguyên Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài của nhà băng này đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, Thành viên HĐQT Vietcombank Đỗ Việt Hùng cho biết, việc triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ sẽ tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

"Tùy điều kiện thị trường, ngân hàng sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu với nhà đầu tư, cổ đông trong và ngoài nước. Chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện việc này trong năm 2024 và phát hành thành công 6,5% cổ phần riêng lẻ có thể từ nay đến 2025 là hoàn thành", ông Hùng nói.

Chính thức siết tỷ lệ cấp tín dụng với các khách hàng lớn

Từ ngày 1/7, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự bắt đầu của lộ trình giảm tỷ lệ cấp tín dụng cho các khách hàng lớn. Theo quy định mới, trong 5 năm tới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ 15% xuống còn 10% vốn tự có của ngân hàng, giảm 1% mỗi năm. Tương tự, mức dư nợ cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan sẽ giảm từ 25% xuống 15%, giảm 2% mỗi năm.

Tin ngân hàng ngày 2/7: SHB chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt
Ảnh minh họa

Từ ngày 1/7/2024 đến trước 1/1/2026, giới hạn cấp tín dụng sẽ giảm xuống còn 14% đối với một khách hàng và 23% đối với một khách hàng cùng người liên quan.

Quy định mới này nhằm giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc vào một nhóm khách hàng lớn, đồng thời khuyến khích các ngân hàng đa dạng hóa danh mục tín dụng và phân tán rủi ro. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định rằng điều này sẽ thúc đẩy các ngân hàng hạn chế tập trung vốn vào một khách hàng, tăng cường minh bạch và khuyến khích đồng tài trợ, từ đó giảm rủi ro hệ thống và phát triển thị trường vốn.

Tuy nhiên, một số ngân hàng lo ngại rằng việc siết chặt giới hạn cấp tín dụng có thể ảnh hưởng đến khả năng cấp vốn cho các tập đoàn lớn, buộc họ phải điều chỉnh chiến lược cho vay và quản lý rủi ro. Khách hàng cũng có thể đối mặt với chi phí vay cao hơn và tăng độ phức tạp trong việc đảm bảo nguồn vốn.

MB triển khai Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực quản trị rủi ro bằng việc triển khai tiêu chuẩn Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản.

Với tầm nhìn chiến lược trở thành tập đoàn tài chính và doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2022 – 2026, MB coi quản trị rủi ro thông minh và vượt trội là nền tảng quan trọng.

Từ năm 2020, MB đã tuân thủ các tiêu chuẩn Basel II cho cả 3 trụ cột. Ngân hàng này luôn duy trì nguồn thanh khoản dồi dào và tuân thủ các giới hạn an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, giúp MB vững vàng trước những khó khăn của thị trường.

MB đã xây dựng và áp dụng công cụ tính toán Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (LCR) và Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) từ năm 2021-2022, theo các quy định nghiêm ngặt của Ủy ban Basel. Tháng 6/2024, PwC đã công nhận MB tuân thủ Basel III trong việc đo lường LCR và NSFR, khẳng định hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả và bền vững của MB.

Trước đó, MB đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín như Ngân hàng có hoạt động quản trị rủi ro thanh khoản tốt nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (2021) bởi The Asian Banker, Giải thưởng sáng tạo xuất sắc của Oracle (2023) và Giải Model Risk Manager bởi Celent (2024).

Trước thềm sinh nhật lần thứ 30, MB tiếp tục là ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế, đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững, thực hiện tầm nhìn chiến lược trở thành doanh nghiệp số và tập đoàn tài chính dẫn đầu.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco