Tin ngân hàng ngày 3/11: Mở rộng kênh cho vay chính thống để hạn chế tín dụng đen

10:29 | 03/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Phó Tổng giám đốc của PG Bank xin nghỉ việc; Tín dụng phân hóa mạnh giữa các ngân hàng; BIDV nắm giữ ngôi quán quân tiền gửi sau 9 tháng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 2/11: NHNN hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng trong 3 phiên liên tiếpTin ngân hàng ngày 2/11: NHNN hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng trong 3 phiên liên tiếp
Tin ngân hàng ngày 1/11: Đề xuất không dùng tiền mặt khi giao dịch bất động sảnTin ngân hàng ngày 1/11: Đề xuất không dùng tiền mặt khi giao dịch bất động sản

Mở rộng kênh cho vay chính thống để hạn chế tín dụng đen

Các chuyên gia cho rằng, để đẩy lùi tín dụng đen, các cơ quan chức năng phải làm sao mở rộng kênh cho vay tiêu dùng chính thống.

Tin ngân hàng ngày 3/11: Mở rộng kênh cho vay chính thống để hạn chế tín dụng đen
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thống kê của World Bank, khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. Số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, những người tìm đến tín dụng đen phần nhiều đều trong hoàn cảnh bế tắc, công việc bấp bênh, đa số không có bảo hiểm y tế. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức gặp khó khăn về nguồn vốn kinh doanh, do đó phải tìm đến vay vốn tại các cơ sở tín dụng đen, các điểm cho vay nặng lãi.

FiinGroup đánh giá thị trường tài chính tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng yếu thế, không thể tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Đây cũng là một thị trường có tiềm năng tiếp tục tăng trưởng tốt trong tương lai khi quy mô dư nợ vay tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 27,17% GDP so với tỷ lệ trung bình từ 60-70% GDP tại các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia…

Ngoài ra, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia châu Á có thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi) cùng với sự phát triển kinh tế ổn định, mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng.

Tại hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen”, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho biết, cho vay tiêu dùng hiện đang được thực hiện qua ba kênh chính thức là cho vay qua các ngân hàng thương mại, cho vay qua các công ty tài chính và cho vay qua một số tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, ở mỗi phân khúc sẽ có đối tượng và mục tiêu cho vay khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính khiến nợ xấu cho vay tiêu dùng ở mức cao xuất phát từ câu chuyện nhận thức “dễ vay, dễ bùng nợ”. Theo ông Lực, mức lãi suất và các khoản phí cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tối đa từ 20-25%/năm là phù hợp. Dù đây là mức cao gấp đôi ngân hàng nhưng trên thực tế, theo khảo sát cũng khó có công ty tài chính nào “chịu” áp mức này.

Phó Tổng giám đốc của PG Bank xin nghỉ việc

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vừa công bố đơn xin từ nhiệm kiêm đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động của ông Hoàng Long - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Công nghệ Thông tin.

Trong đơn từ nhiệm, ông Long cho biết: “Trên cơ sở những định hướng của Ủy ban Tái cơ cấu và Chuyển đổi về việc tái cấu trúc bộ máy nhân sự cấp cao của ngân hàng nhằm đạt các mục tiêu như kỳ vọng của các cổ đông lớn trong thời gian gần đây, tôi xét thấy rằng lộ trình nghề nghiệp của cá nhân tôi không còn phù hợp với mục tiêu chung của ngân hàng”.

Chính vì lý do trên, ông Long có nguyện vọng được từ nhiệm chức danh phó tổng giám đốc và đồng thời được chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn đã ký với PG Bank.

Ông Hoàng Long không phải là lãnh đạo cấp cao duy nhất của PG Bank nộp đơn từ nhiệm trong thời gian gần đây.

Trước đó, ngày 20/10, ông Đỗ Thành Công – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối tái Thẩm định và Phê duyệt có đơn xin nghỉ việc vì lý do cá nhân. Ông Công sau đó được miễn nhiệm các chức vụ kể trên từ ngày 23/10.

Tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 23/10, PG Bank cũng đã thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng và các thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Mạnh Hải, Oliver Schwarzhaupt và Nilesh Banglorewala.

Đồng thời, bầu bổ sung 5 thành viên HĐQT mới bao gồm ông Đào Phong Trúc Đại, ông Phạm Mạnh Thắng, bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Vương Phúc Chính và ông Nguyễn Thành Lâm.

PGBank cũng miễn nhiệm tư cách Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát đối với bà Dương Ánh Tuyết và ông Nguyễn Tuấn Vinh; bầu bổ sung 2 thành viên Ban kiểm soát chuyên trách, bao gồm ông Trần Ngọc Dũng và ông Trịnh Mạnh Hoán.

Ông Phạm Mạnh Thắng sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Đào Phong Trúc Đại được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT và ông Trần Ngọc Dũng được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát của PG Bank.

Tín dụng phân hóa mạnh giữa các ngân hàng

Kết thúc 3 quý đầu năm, tín dụng ở các ngân hàng có tăng trưởng, song phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng. Trong đó, có nhà băng sử dụng gần hết room tín dụng được giao, song cũng có ngân hàng chỉ mới đạt 3-4%.

Tại một số ngân hàng quy mô, trong đó có nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, tín dụng cũng tăng tương đối thấp trong 9 tháng đầu năm nay. Cụ thể, cho vay khách hàng của Vietcombank đến cuối quý III/2023 tăng khiêm tốn 3,9% so với đầu năm, trong khi số dư tiền gửi có mức tăng trưởng hơn gấp đôi 8,5%.

Trái lại, tính đến 30/9/2023, cho vay khách hàng của VietinBank tăng 8,7% đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, trong khi số dư tiền gửi của Ngân hàng chỉ tăng 4,9% với 1,31 triệu tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng thương mại tư nhân, tín dụng đến cuối tháng 9/2023 của ABBank chỉ tăng 4%; của VietABank tăng 7%; BVBank, Saigonbank đều chỉ tăng 4,3%... Thậm chí, ngay cả những nhà băng quy mô như Eximbank tín dụng 3 quý đầu năm nay chỉ tăng 4%.

Ngược lại, tín dụng ACB, Sacombank đến cuối quý III/2023 tăng lần lượt 8,2% và 7,6%... so với đầu năm nay. Đặc biệt, cho vay khách hàng của MB tăng tới 16,4%, nhưng nợ xấu cũng tăng lên gấp đôi so với cuối năm trước.

Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản Techcombank mở rộng 12% so với đầu năm, lên 781,279 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN gấp 2.4 lần đầu năm (27,428 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác giảm 10% (còn 63,434 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 13% (175,605 tỷ đồng).

Tổng tài sản của OCB đạt 216,755 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2023, tăng 12% so với đầu năm. Đặc biệt, dư nợ thị trường 1 cũng tăng 10,8% so với cuối năm 2022, đạt 136.105 tỷ, thực hiện 92% kế hoạch năm 2023 nhờ tích cực triển khai hàng loạt gói cho vay với lãi suất ưu đãi và thủ tục đơn giản.

Mặc dù lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian qua, nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều này khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng dư thừa vốn. Tăng trưởng tín dụng năm nay được các chuyên gia tài chính dự báo chỉ có thể đạt 10-12% so với mục tiêu ngành ngân hàng đưa ra ở mức 13 - 15%.

BIDV nắm giữ ngôi quán quân tiền gửi sau 9 tháng

Mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm sau khi lập đỉnh vào tháng 11/2022, thống kê từ báo cáo tài chính quý 3/2023 tại 28 ngân hàng công bố (ngoại trừ Agribank) cho thấy, tổng lượt tiền gửi của khách hàng vẫn tăng 11,5% so với thời điểm cuối năm 2022, đạt hơn 9,3 triệu tỷ đồng.

Tin ngân hàng ngày 3/11: Mở rộng kênh cho vay chính thống để hạn chế tín dụng đen
Hơn 1,58 triệu tỷ tiền gửi khách hàng vào BIDV/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong đó ngoại trừ TPBank, tất cả các ngân hàng còn lại đều ghi nhận số dư tiền gửi tăng lên sau 9 tháng.

Nắm giữ 3 vị trí top đầu về lượng tiền gửi thuộc về cả 3 ngân hàng trong nhóm Big 4 lần lượt là BIDV, Vietcombank và Vietinbank.

Cụ thể, quán quân tiền gửi thuộc về BIDV với hơn 1,58 triệu tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 7,5% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn hiện đang chiếm tỷ trọng khoảng 84% lượng tiền gửi tại nhà băng và đóng góp gần 59.200 tỷ đồng.

Vị trí thứ hai là Vietcombank với số dư tiền gửi là 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ với quy mô tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng đạt gần 400.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý 3, tỷ lệ CASA cũng tăng lên hơn 29,5%.

Vietinbank nắm giữ vị trí thứ ba với mức tiền gửi tăng 5% lên 1,31 triệu tỷ đồng. Trong đó tiền gửi có kỳ hạn đạt 1,048 triệu tỷ đồng, tăng 5%.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần, Sacombank tiếp tục giữ vững phong độ về tiền gửi với vị trí thứ tư cùng số dư đạt gần 508.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cuối năm ngoái. Trong đó tăng chủ yếu tại tiền, vàng gửi có kỳ hạn lên 419.892 tỷ đồng.

Những gương mặt khác góp mặt trong top 10 ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng cao nhất lần lượt là: MB, ACB, SHB, VPBank, Techcombank và HDBank.

Trong đó mặc dù xếp ở vị trí cuối cùng trong top 10 nhưng HDBank lại là ngân hàng có lượng tiền gửi tăng trưởng mạnh nhất với 58%, đạt 341.713 tỷ đồng. Với nhóm tiền gửi có kỳ hạn tăng 64% lên 317.134 tỷ đồng.

VPBank cũng tăng 39% lên 421.472 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2023, dừng chân tại top 8 với tiền gửi không kỳ hạn tăng 37% lên 69.165 tỷ đồng và tiền gửi có kỳ hạn tăng 40% lên 350.078 tỷ đồng.

Trong khi đó, Saigonbank và PG Bank là 2 ngân hàng có lượng tiền gửi thấp nhất sau 9 tháng với 22.878 tỷ đồng và 34.093 tỷ đồng, tuy nhiên trước bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm mạnh, 2 nhà băng này vẫn tăng trưởng tiền gửi lần lượt 11,6% và 9% so với hồi đầu năm.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)