Tin ngân hàng ngày 30/8: Mở rộng đối tượng cho vay lãi suất 2%, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách

11:15 | 30/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Một lãnh đạo SeABank đăng ký bán 71.800 cổ phiếu; LienVietPostBank cảnh báo người dùng về các chiêu trò lừa đảo mới; TPBank tiếp tục được Moody’s xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 29/8: Lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm?Tin ngân hàng ngày 29/8: Lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm?
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: NHNN có thể phải mở room tín dụng lên mức 16%Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: NHNN có thể phải mở room tín dụng lên mức 16%

Mở rộng đối tượng cho vay lãi suất 2%, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Lãnh đạo một số ngân hàng đề nghị mở rộng đối tượng khách hàng, bởi ngoài 9 ngành nghề thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định, phần lớn khách hàng hoạt động đa ngành.

Tin ngân hàng ngày 30/8: Mở rộng đối tượng cho vay lãi suất 2%, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Chia sẻ bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong thực tế, việc đẩy mạnh giải ngân gói này căn cứ điều kiện vay nợ. Như vậy, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện vay. Việc không giải ngân hết không quá quan trọng bởi vì thực tế các doanh nghiệp trong quý 4/2021 và 8 tháng đầu năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ.

Ngoài ra, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, nếu cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách khi mở rộng đối tượng, cân đối nguồn lực của nhà nước trong khi nguồn lực còn có hạn, quan trọng nhất là phải có số liệu thực tế phản ánh tính chính xác, phân tích đầy đủ.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với NHNN kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Tiếp đến là câu chuyện về đánh giá một số tiêu chí mang tính định tính, ví dụ như “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”, Bộ sẽ phối hợp với NHNN xem xét có những hướng dẫn cụ thể đối với vấn đề này.

Nêu quan điểm về điều kiện cho vay, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình Bộ Tư pháp thẩm định NHNN xây dựng Nghị định này, vấn đề hiểu thế nào về nội dung “có khả năng phục hồi”, Bộ Tư pháp đồng ý với giải pháp kỹ thuật được đưa ra ở đây là Chính phủ giao cho các NHTM đánh giá, vì NHTM là người cho vay sẽ hiểu nhất đối tượng vay và đánh giá chính xác nhất khả năng trả nợ, phục hồi của đối tượng vay.

Thời gian tới, NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành có liên quan cùng tham gia tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, lượng hóa được, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là áp dụng pháp luật một cách thống nhất và tạo thuận lợi cho các TCTD triển khai trong thực tiễn cũng như tạo thuận lợi cho quá trình thanh tra, kiểm tra sau này, như vậy sẽ đạt được tính khả thi của chương trình hỗ trợ này.

Bà Hà Thị Mỹ Dung - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, cuối năm, Kiểm toán Nhà nước sẽ có báo cáo về Nghị quyết 43.

“Chúng tôi sẵn sàng tổng hợp đầy đủ ý kiến của NHNN và sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để từ đó cùng NHNN đề xuất các giải pháp đối với các cấp có thẩm quyền”, bà Dung cho biết.

Một lãnh đạo SeABank đăng ký bán 71.800 cổ phiếu

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thông tin, ông Vũ Đình Khoán, Phó Tổng giám đốc SeABank (HoSE: SSB) đăng ký bán 71.800 cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 31/8 đến ngày 30/9.

Trước giao dịch, ông Vũ Đình Khoán giữ 3,77 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng với tỷ lệ 0,191% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 0,187%.

Trước đó từ cuối tháng trước, 5 phó tổng giám đốc của SeABank đăng ký bán gần 12 triệu cổ phiếu SSB, cùng lý do giảm tỷ lệ sở hữu. Trong đó, ông Vũ Đình Khoán thông báo bán 2,96 triệu cổ phiếu SSB, sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông giảm từ 0,341% xuống còn 0,191%.

Trong tuần trước, một phó tổng giám đốc khác của SeABank là bà Trần Thị Thanh Thủy cũng đăng ký bán 37.500 cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ cổ phiếu SSB mà bà Thanh Thủy nắm giữ giảm xuống còn 617.315 cổ phần, tương ứng với tỷ lệ 0,031%.

Đầu tháng 8, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Tổng giám đốc SeABank cũng đăng ký bán 67.200 cổ phiếu SSB với lý do giảm tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 0,361%, tương đương với 6,55 triệu cổ phần.

Chiều ngược lại, đầu tháng 7, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank Nguyễn Thị Nga đăng ký mua 2,8 triệu cổ phiếu SSB theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh, nâng lượng nắm giữ lên 68,11 triệu đơn vị, chiếm 3,44% vốn.

LienVietPostBank cảnh báo người dùng về các chiêu trò lừa đảo mới

Cụ thể, thời gian gần đây, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) ghi nhận một số trường hợp mạo danh ngân hàng dưới tên LienVietCredit gửi tin nhắn qua điện thoại, email, tờ rơi thông báo giải ngân khoản vay hoặc thông báo khách hàng có khoản vay quá hạn cần phải chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định, nếu khách hàng không thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng trên sẽ gặp một số rắc rối về pháp lý.

Ngân hàng LienVietPostBank đã lên tiếng khẳng định không thực hiện gửi các thông tin trên đến khách hàng. Để phòng ngừa rủi ro, LienVietPostBank khuyến cáo khách hàng khi nhận được thông tin như trên không chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng, đồng thời liên hệ Tổng đài chăm sóc KH 1800577758 hoặc đến chi nhánh/PGD gần nhất để được hỗ trợ.

Trước đó, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) cũng đã ghi nhận nhiều sự việc liên quan tới các chiêu trò lừa đảo tinh vi như mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo biến động tài khoản như đã thực hiện giao dịch hoặc có khả năng mất tiền. Do đó, VNCERT đưa ra khuyến cáo người dùng cần cảnh giác khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi nghi vấn, không rõ ràng; lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý; bên cạnh đó cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người dùng nên xác minh kỹ các thông tin trao đổi trên mạng xã hội và các giao dịch liên quan đến tài chính. Đặc biệt người dân không công khai các thông tin cá nhân như: ngày tháng, năm sinh, số CMND hoặc CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo.

TPBank tiếp tục được Moody’s xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank).

Tin ngân hàng ngày 30/8: Mở rộng đối tượng cho vay lãi suất 2%, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách
TPBank tiếp tục được Moody’s xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, Moody’s giữ nguyên xếp hạng rủi ro đối tác của TPBank ở mức Ba3 - mức cao nhất trong bảng xếp hạng của đơn vị này với hệ thống ngân hàng tại Việt Nam; xếp hạng tín dụng cơ sở, tiền gửi dài hạn và nhà phát hành dài hạn ở mức B1.

Đây là mức xếp hạng cao của Moody’s và chỉ có 5 ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam đạt được trong kỳ đánh giá năm nay. Trong bối cảnh lạm phát ngày càng cao ảnh hưởng tới nền kinh tế, việc Moody’s duy trì mức xếp hạng tín nhiệm với TPBank cho thấy ngân hàng có nền tảng tài chính vững mạnh, kiểm soát tốt rủi ro với những cải thiện liên tục và triển vọng phát triển dài hạn ổn định.

Theo Moody’s, mức xếp hạng tín nhiệm tích cực này phản ánh sự cải thiện bền vững về vị thế vốn của TPBank với chất lượng tài sản và khả năng sinh lời ổn định. Hãng xếp hạng cũng có những đánh giá tích cực về chất lượng tín dụng của ngân hàng như chất lượng tài sản mạnh mẽ và bảo hiểm tổn thất khoản vay phù hợp, mức độ thanh khoản cao cũng như kỳ vọng chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ cải thiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

“Chúng tôi kỳ vọng NIM sẽ cải thiện dần khi ngân hàng tái cho vay với lãi suất cao hơn và thoát khỏi các khoản vay được tái cơ cấu, phù hợp với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và khả năng sinh lời của TPBank sẽ cải thiện trong khoảng 12-18 tháng tới”, đại diện Moody’s nhận định. Bên cạnh đó, Moody’s cũng kỳ vọng TPBank sẽ tiếp tục tập trung vào mảng cho vay bán lẻ bằng cách khai thác thị trường đại chúng, bên cạnh thị trường khách hàng trẻ mà ngân hàng này vẫn đang tập trung hướng tới.

Theo công bố mới nhất của Forbes, TPBank là một trong 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất năm 2022 và thuộc top 7 ngân hàng niêm yết hàng đầu Việt Nam. Để có được kết quả này, TPBank đã xây dựng bộ đệm vững chắc về nội lực, thiết lập đà tăng trưởng bền vững, tăng trưởng mạnh về quy mô vốn, duy trì các chỉ số an toàn và hiệu quả hoạt động nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto