Tin ngân hàng ngày 26/2: Ngân hàng Nhà nước sắp triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng

08:55 | 26/02/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
BIC tiếp tục lãi cao từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Quản trị rủi ro theo Basel của các ngân hàng tại Việt Nam…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Tin ngân hàng ngày 25/2: Ứng dụng ngân hàng số Übank trả lãi suất lên đến 3,6%/nămTin ngân hàng ngày 25/2: Ứng dụng ngân hàng số Übank trả lãi suất lên đến 3,6%/năm

Tin ngân hàng ngày 24/2: VietinBank triển khai chương trình “Xuân sang gửi tiền - Nhận liền tài lộc”Tin ngân hàng ngày 24/2: VietinBank triển khai chương trình “Xuân sang gửi tiền - Nhận liền tài lộc”

Ngân hàng Nhà nước sắp triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng

Triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỉ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực. Gói hỗ trợ này đang được các đối tượng nằm trong chương trình mong mỏi sớm được triển khai để khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tin ngân hàng ngày 26/2: Ngân hàng Nhà nước sắp triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng
Ngân hàng Nhà nước sắp triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng từ dịch Covid 19 trong hai năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao điêu đứng và bên bờ vực phá sản. Đón nhận thông tin được hỗ trợ lãi suất 2%/năm sẽ giúp họ sẽ có thêm nguồn tài chính để đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi lại các hoạt động của mình.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta cho biết, trong bối cảnh giá cả xăng dầu đang leo thang, việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp sẽ góp phần hỗ trợ để vượt qua khó khăn vì dịch bệnh cũng như các tác động của thị trường.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong năm nay ngành ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh. Chủ động xây dựng các quy định triển khai Nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ để hướng dẫn triển khai ngay gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng. Trong quý 1 này sẽ ban hành và triển khai hỗ trợ lãi suất 2% cho các đối tượng theo quy định.

"Hiện ngay, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai việc xây dựng và sớm hoàn thiện hành lang pháp lý triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 20% cho các đối tượng được Quốc hội và Chính phủ quy định. Ngay trong Quý 1 này, hiện nay cũng đã Dự thảo về cơ bản nội dung, hướng dẫn việc hỗ trợ lãi suất 2% ngân sách nhà nước. Theo đó, Nghị định này sẽ hoàn thành trong quý 1 và sẽ được ban hành, triển khai" - ông Đào Minh Tú nêu rõ./.

BIC tiếp tục lãi cao từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Theo Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), năm 2021, BIC kinh doanh thành công khi tiếp tục có lãi cao từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm Công ty mẹ đạt 2.885 tỷ đồng, tăng trưởng 12,6% so với năm 2020, hoàn thành 102% kế hoạch. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.716 tỷ đồng, tăng trưởng 13,4% so với năm 2020, hoàn thành 103% kế hoạh.

Kiên định với định hướng phát triển bền vững, các chỉ tiêu hiệu quả năm 2021 của BIC cũng tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2021 lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ đồng, tăng trưởng 33,8% so với năm 2020, hoàn thành 172% kế hoạch.

Bên cạnh kết quả kinh doanh tốt, năm 2021, BIC cũng ghi dấu ấn ở các mặt hoạt động khác như: được A.M. Best tái khẳng định xếp hạng tín nhiệm B++; được vinh danh với nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín như Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, Top 100 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam…

Đặc biệt, năm 2021, lần đầu tiên thương hiệu BIC được Forbes Việt Nam định giá ở mức 10 triệu đô la Mỹ, đứng thứ 3 tại thị trường bảo hiểm Việt Nam (bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ).

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2022, song song với việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu hiệu quả hoạt động, BIC sẽ nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu phí bảo hiểm.

Theo đó, BIC sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như: kiện toàn cơ cấu tổ chức phù hợp hơn với thực tế và định hướng kinh doanh; đầu tư phát triển các sản phẩm, kênh phân phối bán lẻ; nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng; mở rộng mạng lưới kinh doanh tại các địa bàn trọng điểm…

Với định hướng Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV đặt ra cho hoạt động của BIC “Đổi mới, Sáng tạo, Phát triển bền vững”, BIC sẽ tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện nhằm tạo sự bứt phá cho hoạt động kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Quản trị rủi ro theo Basel của các ngân hàng tại Việt Nam

Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Hiệp ước Basel để xây dựng các Thông tư nhằm định hướng hoạt động quản trị rủi ro của các NHTM tiệm cận chuẩn mực quản trị rủi ro tiên tiến trên thế giới.

Nội dung này được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018.

Tin ngân hàng ngày 26/2: Ngân hàng Nhà nước sắp triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng
Ngân hàng Thương mại Cổ Phần Tiên Phong Bank đã công bố hoàn thành các yêu cầu của Basel III/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2025 tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn (đáp ứng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN). Triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại NHTM mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.

Bên cạnh một số ngân hàng vẫn đang "loay hoay" để triển khai áp dụng Basel II thì số ít đã công bố hoàn thành các yêu cầu của Basel III như TPBank. Các ngân hàng như VIB, HDBank, ABBank,…đang trong giai đoạn triển khai Basel III.

Việc đảm bảo khung quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel sẽ giúp cho ngân hàng hoạt động ổn định, giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ khi nền kinh tế diễn biến xấu hoặc ngân hàng đối mặt với những khoản lỗ trong hoạt động.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước (NHNN) cũng có "ưu ái" nhất định đối với những NHTM có khung quản trị rủi ro tốt. Mặc dù không được cụ thể bằng văn bản, tuy nhiên nhìn vào công tác điều hành room tín dụng trong năm 2021 của NHNN dễ nhận thấy, những "nhà băng" sớm đáp ứng các yêu cầu về quản trị rủi ro tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN và Thông tư số 13/2018/TT-NHNN hoặc tiên phong trong việc áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel III sẽ được "nới" room tín dụng khá hơn các "nhà băng" còn lại, đơn cử như TPB (23,4%), MSB (22%), VIB (19%)...

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/H)