Tin ngân hàng ngày 25/12: Vietcombank rao bán tài sản của chủ hãng thời trang Jeep tại Việt Nam

09:45 | 25/12/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thẻ tín dụng BIDV JCB Ultimate nhận giải thưởng; Năm 2023 nợ công đạt 36,6% GDP; MBS chỉ ra nỗi lo của ngành ngân hàng trong năm 2024… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 24/12: VietinBank rao bán hơn 450 khoản vay tiêu dùng không tài sản bảo đảmTin ngân hàng ngày 24/12: VietinBank rao bán hơn 450 khoản vay tiêu dùng không tài sản bảo đảm
Tin ngân hàng tuần qua: Chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc họcTin ngân hàng tuần qua: Chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học

Vietcombank rao bán tài sản của chủ hãng thời trang Jeep tại Việt Nam

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo phát mại tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Unirn Việt Nam tại Vietcombank Chi nhánh Thành Công.

Tin ngân hàng ngày 25/12: Vietcombank rao bán tài sản của chủ hãng thời trang Jeep tại Việt Nam
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và nhà ở tại Tập thể quân đội, số 8 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở số BC39...

Thông tin từ Vietcombank cho hay, tài sản có hồ sơ pháp lý đầy đủ, được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Unirn Việt Nam (Unirn Việt Nam) theo hợp đồng thế chấp ngày 10/4/2013.

Tuy nhiên, Vietcombank không công khai giá khởi điểm cho tài sản này cũng như giá trị khoản nợ của khách hàng.

Unirn Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ 8 tỷ đồng, đăng ký trụ sở tại số 27 Ấu Triệu, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, do bà Nguyễn Thị Phương Chi là giám đốc. Ngoài ra, bà Phương Chi còn là đại diện theo pháp luật tại Văn phòng kinh doanh Công ty TNHH Unirn Việt Nam, Gian hàng Jeep - Công ty TNHH Unirn Việt Nam.

Doanh nghiệp này được thành lập ban đầu là nhà phát triển và bán lẻ các thương hiệu thời trang trong và ngoài nước. Đến năm 2009, Unirn Việt Nam trở thành nhà phân phối độc quyền thương hiệu thời trang Jeep tại Việt Nam.

Ra đời từ năm 1941 tại bang Ohio, Mỹ, Jeep là thương hiệu thời trang của hãng xe hơi nổi tiếng thế giới: Chrysler - cha đẻ của xe Jeep. Các sản phẩm thời trang của Jeep đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Sau lễ ra mắt thương hiệu hoành tráng tại Hà Nội vào năm 2009, Công ty TNHH Unirn Việt Nam liên tiếp khai trương các cửa hàng thời trang tại những trung tâm mua sắm lớn như khu thương mại The Garden, Vincom, Grand Plaza tại Hà Nội và Parkson tại TP HCM.

Các sản phẩm thời trang của Jeep tại Việt Nam phổ biến như: áo thun, polo, sơ mi, quần jean, áo khoác, áo len, đầm kiểu, mũ, thắt lưng, túi xách...

Thẻ tín dụng BIDV JCB Ultimate nhận giải thưởng

Mới đây, Thẻ tín dụng của BIDV vào "Top 50 Sản phẩm dịch vụ tin dùng Việt Nam 2023" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VNEconomy trao tặng.

Giải thưởng "Top 50 Sản phẩm dịch vụ tin dùng Việt Nam 2023" ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong việc không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Giải thưởng cũng một lần nữa khẳng định vai trò dẫn đầu của BIDV trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động ngân hàng, bám sát chiến lược kinh doanh của ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.

Trước đó, với mong muốn trở thành người bạn đồng hành của người tiêu dùng trên hành trình tận hưởng cuộc sống, trong nhiều năm qua, ngân hàng xây dựng, hoàn thiện danh mục sản phẩm thẻ cá nhân với nhiều tính năng chuyên biệt, đáp ứng đa dạng nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Tháng 7 năm nay, nhà băng ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế BIDV JCB Ultimate thuộc dòng thẻ JCB cao cấp dành cho khách hàng yêu thích trải nghiệm ẩm thực, văn hóa Nhật Bản và tận hưởng dịch vụ sống phong cách.

Đón đầu xu hướng chi tiêu tích điểm được người tiêu dùng ưa chuộng, BIDV JCB Ultimate sở hữu hệ thống ưu đãi với mức tích điểm lên đến 20% chi tiêu tại các nhà hàng Việt Nam và Nhật Bản, tổng mức tích điểm hoàn tiền lên đến 9,6 triệu đồng một năm. Không chỉ vậy, chủ thẻ còn hưởng đặc quyền sử dụng phòng chờ tại các sân bay nội địa và quốc tế, nhận đêm nghỉ miễn phí tại hệ thống nhiều khách sạn cao cấp tại Việt Nam, cùng hàng nghìn ưu đãi giảm giá tại các thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản.

Với chủ đề "Thiết yếu, thiết thực - Tiên phong đột phá", sự kiện "Tin dùng Việt Nam 2023" đánh dấu những bước thay đổi lớn cả về chất và lượng. Các sản phẩm, dịch vụ được vinh danh đáp ứng tiêu chí của ban tổ chức về tính thiết yếu, thiết thực, sáng tạo, đổi mới để tăng tốc phục hồi hậu đại dịch. Những sản phẩm này cũng được tích hợp công nghệ mới để số hóa và xanh hóa, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao.

Năm 2023 nợ công đạt 36,6% GDP

Báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nêu rõ, năm 2023 công tác quản lý nợ công, quản lý vốn viện trợ về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm, góp phần vào thành tích chung của ngành tài chính.

Theo đó, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa. Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, hiệu quả công tác quản lý nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2023 tiếp tục được giữ vững. Đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 36,6% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 33,8% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18,8% thu ngân sách nhà nước.

Cơ cấu nợ thay đổi theo hướng tích cực, từ nợ nước ngoài là chính sang nợ trong nước là chính. Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2023 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra. Dư nợ trong nước tăng lên, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 12,43 năm tính đến ngày 27/11/2023); các khoản nợ nước ngoài hiện còn dư nợ chủ yếu vẫn là lãi vay ODA, vay ưu đãi có thời hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Theo đánh giá của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, một trong những điểm sáng trong công tác quản lý nợ công trong năm qua là việc tiếp tục tích cực triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, góp phần giảm chi phí huy động vốn vay của Chính phủ theo lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030.

Năm 2024, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại sẽ triển khai Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2024-2026 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024. Chủ động theo dõi, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm để tham mưu kịp thời với Bộ, đảm bảo bám sát thực tiễn.

Đồng thời, chuẩn bị các hoạt động nghiên cứu để phục vụ khởi động đánh giá triển khai Luật Quản lý nợ công, Kế hoạch 5 năm và đánh giá giữa kỳ các đề án, chiến lược vào đầu năm 2025. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đề ra tại Khung cải cách quản lý nợ công, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về rủi ro danh mục nợ, thống kê nợ nước ngoài…

MBS chỉ ra nỗi lo của ngành ngân hàng trong năm 2024

Theo Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành tại quý III/2023 đạt 2,2%, tăng 64 điểm cơ bản so với 2022, và là mức NPL cao nhất từ năm 2015. Hầu như tất cả các ngân hàng đều tiếp tục ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng tại quý III/2023 so với đầu năm và các quý liền trước. Trung bình, các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Nhà nước có mức tăng 0,4% so với đầu năm, con số này ở nhóm NHTMCP là 0,7% (loại trừ NVB ra khỏi thống kê do tỷ lệ NPL cao bất thường ở mức 26,3% quý III/2023). Song song với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, ghi nhận 93,8% (2022: 136,9%). LLR của nhóm NHTMNN cao hơn đáng kể so với nhóm NHTMCP.

Tin ngân hàng ngày 25/12: Vietcombank rao bán tài sản của chủ hãng thời trang Jeep tại Việt Nam
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

MBS cho rằng, sang năm 2024, áp lực trích lập dự phòng được dự báo vẫn sẽ lớn. Mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 và chi phí trích lập toàn ngành đang có xu hướng tích cực (quý 1/2023: +16,1% so với cùng kỳ nhưng 9T2023 chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ) nhưng áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn là đáng kể.

Nguyên nhân đến từ việc dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được dự báo sẽ kém khả quan, do đó khi hiệu lực của TT02/2023/NHNN-TT hết hạn vào 30/06/2024 (đang được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc gia hạn) áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.

MBS cho rằng, với ngành ngân hàng, khó khăn vẫn chưa hoàn toàn đi qua. Tuy nhiên, nhìn sang năm 2024, vẫn có một số điểm có thể “trông cậy”.

Theo MBS, năm 2024, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể sẽ khả quan hơn trong năm 2024. Điều này đến từ kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2023 tạo ra một nền so sánh thấp cho tăng trưởng 2024. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan cùng với NIM được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì, lợi nhuận sau thuế của hầu hết các ngân hàng đều được kỳ vọng khả quan, dự báo sẽ tăng trưởng 25,1% so với cùng kỳ trong 2024.

MBS cũng cho rằng, sang năm 2024, lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khả quan dù áp lực trích lập dự phòng vẫn còn lớn MBS dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 13% - 14% trong 2024.

Ngoài ra, MBS cho rằng, tín dụng dành cho nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn dẫn dắt trong 6 - 9 tháng tới; Đà suy giảm của NIM được cải thiện. Đây được xem là những điểm sáng đáng chú ý của ngành trong năm 2024.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)