Tin ngân hàng ngày 22/11: Điều chỉnh lãi suất đột ngột gây bất lợi cho nền kinh tế

10:00 | 22/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Gia hạn thí điểm Mobile Money đến hết năm 2024; Ban hành quy định mới về hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi; PG Bank đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 21/11: Nhiều lãnh đạo SeABank đăng ký bán tổng 22 triệu cổ phiếuTin ngân hàng ngày 21/11: Nhiều lãnh đạo SeABank đăng ký bán tổng 22 triệu cổ phiếu
Tin ngân hàng ngày 20/11: Bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền trong mọi trường hợpTin ngân hàng ngày 20/11: Bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền trong mọi trường hợp

Điều chỉnh lãi suất đột ngột gây bất lợi cho nền kinh tế

Kiểm toán Nhà nước vừa có Báo cáo kết quả kiểm toán Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, trong đó có nội dung báo cáo về chính sách tiền tệ năm 2022 gắn với nhiệm vụ, chức năng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tin ngân hàng ngày 22/11: Điều chỉnh lãi suất đột ngột gây bất lợi cho nền kinh tế
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2022, NHNN đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, các biện pháp đều không hiệu quả chưa đạt mục tiêu phấn đấu (giảm lãi suất 0,5% - 1%) mà còn có xu hướng tăng. Biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.

Bên cạnh đó, cuối tháng 9/2022, trong vòng 1 tháng, NHNN đã 2 lần điều chỉnh tăng mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2% dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng dần từ đầu năm 2022) sau một thời gian dài không thay đổi là khó dự đoán, gây bất lợi cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn ổn định.

Nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm. Ngoài ra, còn một số tồn tại khác.

Gia hạn thí điểm Mobile Money đến hết năm 2024

Chính phủ ban hành Nghị quyết 192/NQ-CP về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) tại Quyết định số 316/QĐ- TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm Mobile-Money như sau: "Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2024".

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile-Money trước tháng 5/2024.

Trước đó, tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trong 2 năm tính từ ngày 9/3/2021 trên phạm vi toàn quốc.

Dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp - rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc... mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng điện thoại thông minh, không cần kết nối Internet.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến đầu tháng 5/2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 3,9 triệu khách hàng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong số đó, số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,7 triệu khách hàng, chiếm 69% số khách hàng sử dụng dịch vụ.

Số lượng điểm kinh doanh trên cả nước đạt hơn 9.953 điểm, tăng 12% so với tháng 3.2023, số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 15.326 điểm, tăng 0,2%. Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 26,1 triệu giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.683 tỉ đồng.

Ban hành quy định mới về hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1434/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 1394/QĐ-TTg và Quyết định 1395/QĐ-TTg về chức năng hoạt động và điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Cụ thể, theo Quyết định 1434, vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là hơn 5.281 tỷ đồng. Tổ chức này có trụ sở chính tại Hà Nội, văn phòng đại diện và chi nhánh ở một số khu vực. Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là Deposit Insurance of Vietnam, viết tắt là DIV.

Theo lộ trình thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ được tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030. Nguồn để tăng vốn lấy từ vốn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, viêc tăng cường năng lực tài chính của tổ chức này thời gian tới sẽ thực hiện thông qua việc cho phép tổ chức Bảo hiểm tiền gửi đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư.

Cụ thể, các hoạt động đầu tư có thể thực hiện là mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành.

Ngoài ra, Bảo hiểm tiền gửi cũng có thể đầu tư mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn và được xếp hạng tín nhiệm cao.

PG Bank đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc thay đổi tên thương mại.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex đổi tên viết bằng tiếng Việt thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển.

Tin ngân hàng ngày 22/11: Điều chỉnh lãi suất đột ngột gây bất lợi cho nền kinh tế
PG Bank đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Quyết định thay đổi tên thương mại được cổ đông PGBank thông qua tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 vào ngày 23/10 vừa qua, do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Tuy nhiên, hiện nay Petrolimex đã thoái vốn tại PG Bank và không còn là cổ đông lớn. Đồng thời, Petrolimex cũng yêu cầu PG Bank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023. Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của ngân hàng là việc cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.

Bên cạnh việc đổi tên, đại hội cũng thông qua việc đổi trụ sở chính từ tầng 16-23-24 tòa nhà Mipec Tower, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội sang tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội. Đây là một trong những dự án của Tập đoàn Thành Công.

Trước đó, ngày 17/11, HĐQT PGBank cũng thông báo quyết định bổ nhiệm bà Đinh Thị Huyền Thanh giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Bà Thanh gia nhập vào PGBank từ tháng 7/2023 với vai trò Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực. Sau đó đến tháng 8/2023 bà được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực. Đến ngày ngày 23/10, bà được bổ nhiệm chức Quyền Tổng Giám đốc.

Bà Đinh Thị Huyền Thanh, tốt nghiệp Tiến sĩ Tài chính Ngân hàng - Đại học Tổng hợp Maastricht, Hà Lan và có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)