Tin ngân hàng ngày 21/8: Ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng mạnh

10:15 | 21/08/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc thanh tra bán bảo hiểm; Chính phủ dự kiến vay khoảng 1,25 triệu tỷ đồng trong hai năm tới; Sacombank ưu đãi thanh toán học phí và mua sắm đầu năm học… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 19/8: Sau soát xét, ABBank đạt 638 tỷ đồng lợi nhuận trước thuếTin ngân hàng ngày 19/8: Sau soát xét, ABBank đạt 638 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế
Tin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảmTin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm

Nhiều ngân hàng ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng mạnh

Theo thống kê tại 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm 2023, các nhà băng này đã trả 311.816 tỷ đồng lãi tiền gửi, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước.

Tin ngân hàng ngày 21/8: Ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng mạnh
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong đó, Nhóm Big 4 gồm (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank), dẫn đầu danh sách các ngân hàng đã trả lãi tiền gửi nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2023, với tổng số lãi đã trả là 151,47 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,6% số lãi 29 nhà băng đã chi.

Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có 2 nhà băng ghi nhận lãi tiền gửi đã trả tăng dưới 50% là BacABank (40%) và Agribank (48,2%).

Việc chi phí trả lãi của các ngân hàng tăng mạnh là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo từ thời điểm quý 4/2022 khi các nhà băng bước vào cuộc đua lãi suất và cùng lúc có một lượng tiền lớn đổ vào hệ thống ngân hàng qua kênh tiền gửi có kỳ hạn và tiết kiệm.

Mặt khác, các số liệu cũng cho thấy, đến cuối tháng 6/2023, tổng tiền gửi tại các ngân hàng kể trên là hơn 10,69 triệu tỷ, tăng gần 739 nghìn tỷ đồng, tương đương với mức tăng hơn 7,42% so với đầu năm. Đồng thời, có một điểm đáng chú ý là tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm - có kỳ hạn vẫn tiếp tục tăng lên. Cụ thể, đến cuối quý II/2023 tỷ lệ này là 82,6%, tăng 2,2 điểm phần trăm so với đầu năm 2023 và tăng 3,2 điểm phần trăm so với cuối quý II/2022.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc thanh tra bán bảo hiểm

Mới đây, cử tri Tiền Giang gửi kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước về việc "chỉ đạo thanh tra toàn bộ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các ngân hàng, trong đó có việc bảo hiểm kèm theo hợp đồng tín dụng".

Trả lời kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có các văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh các tổ chức tín dụng tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm , góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng; đồng thời, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành để quán triệt các ngân hàng về hoạt động đại lý bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý nghiêm kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm, đặc biệt là hành vi gắn việc mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các ngân hàng và bổ sung nội dung thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm trong kế hoạch thanh tra hằng năm.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Cụ thể, số điện thoại đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước là (024) 388266344; (024) 3936.1017; email: [email protected].

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng có nhiều phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Chính phủ dự kiến vay khoảng 1,25 triệu tỷ đồng trong hai năm tới

Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương về dự thảo báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Theo dự thảo, trong tổng số 1,25 triệu tỷ đồng cần vay trong hai năm 2024-2025, thì 750 nghìn tỷ đồng vay để bù đắp bội chi ngân sách Trung ương, còn vay để trả nợ gốc đến hạn ngân sách trung ương là khoảng 465,8 nghìn tỷ đồng (trong đó, nghĩa vụ trả nợ gốc trong nước 313 nghìn tỷ đồng, nước ngoài 152,8 nghìn tỷ đồng).

Nhu cầu vay về cho UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 33,4 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và tận dụng tối đa các khoản vay ODA còn lại, tranh thủ huy động hợp lý các khoản vay ưu đãi và các kênh huy động vốn khác.

Cụ thể, đối với vay trong nước của Chính phủ, dự kiến huy động khoảng 1,13 triệu tỷ đồng, chủ yếu từ các nguồn phát hành TPCP trong nước, vay ngân quỹ nhà nước và các nguồn vay khác theo quy định của pháp luật.

Dự kiến tổng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nửa cuối giai đoạn (2024-2025) khoảng 715 nghìn tỷ đồng, trong đó nghĩa vụ trả gốc khoảng 465,8 nghìn tỷ đồng; nghĩa vụ trả lãi khoảng 249,2 nghìn tỷ đồng.

Trong tổng số trả nợ gốc nói trên, trả nợ trong nước là 313 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,2%; trả nợ nước ngoài là 152,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,8% tống trả nợ gốc. Riêng đối với vay ngân quỹ nhà nước, số dư nợ đến tháng 6/2023 là 233,71 nghìn tỷ đồng, là khoản vay còn dư từ những năm trước.

Trong giai đoạn 2024- 2025, Chính phủ dự kiến hoàn trả một phần, tùy thuộc vào tình hình thực hiện thu NSNN và khả năng bố trí nguồn NSNN hàng năm để trả nợ.

Nghĩa vụ trả nợ Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại dự kiến khoảng 65,8 nghìn tỷ đồng, trong đó nghĩa vụ trả gốc khoảng 52,6 nghìn tỷ đồng, nghĩa vụ trả lãi khoảng 13,2 nghìn tỷ đồng.

Sacombank ưu đãi thanh toán học phí và mua sắm đầu năm học

Từ nay đến hết ngày 31/10/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai chương trình khuyến mại “Năm học mới - Quà phơi phới”.

Chương trình dành cho khách hàng thanh toán học phí thông qua các kênh trực tuyến của ngân hàng và mua sắm dụng cụ học tập chào đón năm học mới.

Tin ngân hàng ngày 21/8: Ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng mạnh
Sacombank ưu đãi thanh toán học phí và mua sắm đầu năm học/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, 100 khách hàng thanh toán học phí qua các kênh như Internet Banking, Mobile Banking, Sacombank Pay hoặc dịch vụ ủy thác thanh toán của Sacombank từ 1 triệu đồng và may mắn có số thứ tự thanh toán là bội số của 590 (590, 1.180, 1.770, 2.360,… ) sẽ được tặng ngay 500.000 đồng.

Bên cạnh đó, mỗi tháng 3.000 khách hàng đầu tiên thanh toán học phí trên các kênh trực tuyến kể trên từ 200.000 đồng sẽ được tặng 59.000 đồng.

Ngoài ra, đón năm học mới, học sinh, sinh viên cần mua sắm sách vở, thiết bị học tập cũng được hưởng nhiều ưu đãi giảm giá hấp dẫn khi sử dụng các dòng thẻ tín dụng quốc tế của Sacombank để thực hiện thanh toán, ưu đãi đến hết 30/9/2023.

Cụ thể, khi mua sắm Laptop, PC/màn hình máy tính tại hệ thống FPT Shop và Phong Vũ có hóa đơn từ 10 triệu đồng sẽ được giảm ngay 500.000 đồng. Nếu có hóa đơn từ 5 triệu đồng tại Phong Vũ thì được giảm 200.000 đồng. Ngoài giảm giá, các sản phẩm điện tử trên còn được ưu đãi trả góp 0%.

Mua sách vở, đồ dùng học tập tại hệ thống nhà sách Fahasa, Phương Nam hay giày dép tại Biti’s từ 500.000 đồng sẽ được hoàn 50.000 đồng. Riêng từ nay đến hết 30/8/2023, khi mua sắm trên các trang thương mại điện tử như Shoppe, Tiki, Lazada từ 1 triệu đồng sẽ được giảm 100.000 đồng.

Chương trình “Năm học mới - Quà phơi phới” không chỉ đem đến cho khách hàng những ưu đãi giảm giá mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Sacombank đối với chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Đồng thời, chương trình cũng góp phần đưa các tiện ích thanh toán hiện đại đến gần hơn với phụ huynh, học sinh, sinh viên và nhà trường.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)